Thứ bảy, 17/9/2016, 15h15

1 năm, 40.000 tấn dược liệu y học cổ truyền nhập theo đường “tiểu ngạch”

Đó là con số được đưa ra tại Hội nghị tăng cường kiểm soát nguồn gốc và chất lượng dược liệu do Bộ Y tế tổ chức mới đây.

Đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi, manh động

Các vụ điển hình được cơ quan chức năng xử lý là ngày 19.1, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội kiểm tra xe ôtô BKS 29C-14630, phát hiện và thu giữ 10.088 kg dược liệu các loại do nước ngoài sản xuất không có nhãn hàng hóa theo quy định. Ngày 11.5, Chi cục Hải quan cửa khẩu Chi Ma - Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn phối hợp với trạm kiểm soát biên phòng Cửa khẩu Chi Ma tuần tra, kiểm soát, phát hiện 2 vụ vận chuyển trái phép nguyên liệu thuốc bắc do Trung Quốc sản xuất. Hàng hóa vi phạm gồm: 1.272kg hạt ý dĩ, 125kg táo tàu, 248kg thục địa, 43kg con chuột (tỳ giải dùng làm nguyên liệu thuốc bắc).

Hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa nói chung đối với dược liệu nói riêng tập trung khu vực biên giới phía Bắc như: Cao Bằng, Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh… Ngoài ra, tại nhiều địa phương trên cả nước, lực lượng chức năng các cấp cũng đã phát hiện, xử lý nhiều vụ việc vi phạm liên quan đến sản xuất, kinh doanh dược liệu là hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, quá hạn sử dụng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Báo cáo tại Hội nghị, ông Trần Hùng - Phó Chánh Văn phòng Thường trực, Ban Chỉ đạo Quốc gia Chống buôn lậu, gian lạn thương mại và hàng giả (Ban 389) cho biết: “Một năm có 40.000 tấn dược liệu y học cổ truyền vào nước ta theo đường “tiểu ngạch”. Ai kiểm tra, kiểm soát được, thuốc đi vào đâu? Vào các bệnh viện chứ vào đâu. Vấn đề quá nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng con người.

Ông Hùng cho biết: “Hiện nay, phương thức thủ đoạn hoạt động của các đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi, phức tạp. Chủ yếu được vận chuyển lén lút qua các đường mòn, lối mở, kênh, rạch, sông, suối biên giới; đầu nậu thuê mướn, gắn trách nhiệm vật chất đối với các đối tượng vận chuyển; lợi dụng sơ hở trong các quy định của ngành Đường sắt để đưa hàng lậu lên tàu, trà trộn trong toa hành lý cùng hàng hóa của khách đi tàu… Quá trình vận chuyển chúng thường cho người cảnh giới, giám sát báo tin, thậm chí trong nhiều trường hợp huy động các đối tượng quá khích gây rối, cướp hàng, giải vây cho đồng bọn khi bị lực lượng chức năng kiểm tra, bắt giữ”.

Phải coi hành vi làm thuốc giả là tộ phạm

Theo ông Hùng, đối tượng chủ yếu tìm mua các loại hàng hóa, nguyên liệu bán thành phẩm giá rẻ (chưa được gọi là thuốc hay dược liệu), không rõ chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ và bao bì, nhẫn mác nhái các thương hiệu nổi tiếng, sau đó tổ chức đóng gói thủ công hoặc sử dụng dây chuyền, máy móc thô sơ để gia công, dán nhãn và cung cấp ra thị trường, các sản phẩm này được bán trà trộn với hàng thật hoặc đưa vào các cơ sở y tế thông qua đấu thầu giá rẻ, gây nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Ông Hùng cũng chỉ rõ những tồn tại trong công tác quản lý hoạt động sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh dược liệu. “Theo tôi, thứ nhất là do nguồn dược liệu trong nước chưa được đầu tư phát triển, dược liệu nhập khẩu không kiểm soát được chất lượng hiện nay, phần lớn dược liệu được nhập khẩu từ Trung Quốc. Thứ hai là về vấn đề kiểm nghiệm chất lượng dược liệu, chưa đạt được hiệu quả. Hệ thống Trung tâm kiểm nghiệm chất lượng dược liệu chưa được đầu tư thích đáng, vì vậy khi mang mẫu đi giám định mất nhiều thời gian chờ lấy kết quả để xử lý, thậm chí không xác định được dược liệu có nguồn gốc Bắc hay Nam; các cơ sở khám chữa bệnh không kiểm soát được chất lượng dược liệu khi đưa vào sử dụng, doanh nghiệp lợi dụng sự lỏng lẻo trong quản lý để đưa dược liệu không đảm bảo chất lượng vào đấu thấu, buôn bán. Thứ ba là hành lang pháp lý liên quan đến quản lý dược liệu còn chưa được đầy đủ dẫn tới các cơ quan, đơn vị chức năng xử lý còn hạn chế”.

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: “Y học cổ truyền là lĩnh vực dứt khoát nhà nước và ngành y tế phải phát triển. Nếu không bảo tồn, duy trì và phát triển thì đó là lỗi của chúng ta. Thuốc giả, thiếu thuốc… là tự làm hỏng nền y học cổ truyền nước nhà. Thuốc không đảm bảo chất lượng, chữa không khỏi phải coi đó là tội phạm”.

Cũng theo Bộ trưởng Tiến, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng theo đường tiểu ngạch vào bệnh viện, qua đấu thầu giá rẻ là do người đứng đầu không nghiêm” - bà nói. Bộ trưởng yêu cầu, phải đề xuất xây dựng văn bản thông tư hướng dẫn xuất phát từ thực tiễn. Về thanh kiểm tra, theo bag Tiến, chúng ta chỉ mới làm được phần nổi, phần chìm chưa làm được. Phải tăng cường thanh kiểm tra theo hệ thống của mình, xử phạt nghiêm minh, phối hợp liên ngành. “Tôi yêu cầu loại bỏ danh sách các đơn vị vi phạm không cho đấu thầu nữa, 1 thời gian dài không cho nhập khẩu” - Bộ trưởng nói.

Theo Lao Động