Thứ sáu, 2/1/2009, 10h01

10 sự kiện giáo dục nổi bật trong năm 2008

Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục đại học

Năm 2008 là năm có nhiều sự kiện giáo dục đáng chú ý. Ngành GD&ĐT bước vào năm thứ 3 thực hiện cuộc vận động “Hai không”; năm thứ 2 thực hiện cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”; năm đầu tiên triển khai phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2020 đã được xây dựng và đưa ra lấy ý kiến rộng rãi; năm có số lượng cao nhất những Nhà giáo được nhận danh hiệu Nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú (917 nhà giáo); kỳ thi tốt nghiệp THPT 2008 sau hai đợt thi tỷ lệ tốt nghiệp đạt 86% (tăng 6% so với năm 2007); năm có hơn 500 thoả thuận, hợp đồng đào tạo giữa các doanh nghiệp và các trường ĐH, CĐ, dạy nghề đã được ký kết; Gần 800 SV, HS được vay hơn 5.000 tỷ đồng để học tập... Sau đây là 10 sự kiện giáo dục nổi bật nhất trong năm 2008 do Báo GD&TĐ bình chọn.
1. “Cuộc vận động “Hai không” là cuộc vận động của ngành và cả xã hội để tái tạo môi trường sư phạm lành mạnh, làm nền tảng cho đổi mới GD”
Cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong GD” là một trong 5 kết quả nổi bật của năm học 2007- 2008 đã được Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân “tổng kết” trong thư gửi các Bí thư Tỉnh uỷ/Thành uỷ; Chủ tịch HĐND tỉnh/ thành phố; Chủ tịch UBND tỉnh/ thành phố trực thuộc Trung ương (26/8/2008). 4 nội dung của cuộc vận động đã đi vào các hoạt động thực tiễn của toàn ngành, làm chuyển biến nhận thức, hành động của các cấp quản lý giáo dục, các nhà trường, học sinh và cha mẹ học sinh. Việc giảng dạy và học tập thực chất đã đi dần vào nề nếp, học sinh chăm học hơn. Việc giúp đỡ học sinh học lực yếu kém đã được các cơ quan quản lý chỉ đạo chặt chẽ, các trường triển khai quyết liệt và thu được kết quả tương đối tốt, góp phần nâng cao kết quả các kỳ thi. Lãnh đạo Bộ và các Vụ đã thường xuyên đi sâu đi sát, nắm bắt tình hình cụ thể, những khó khăn, vướng mắc của các vùng trên toàn quốc; phối hợp với các cấp UBND, các ban ngành, đoàn thể địa phương đề ra các biện pháp tích cực phục vụ phát triển GD của địa phương.
Ngành GD&ĐT đã bước vào năm thứ 3 thực hiện cuộc vận động “Hai không” để thiết lập lại môi trường sư phạm với 6 đặc trưng: Trật tự kỷ cương, trung thực, khách quan, công bằng, tình thương và khuyến khích sáng tạo, hiệu quả.
2. Xây dựng chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2020
Trong những ngày cuối năm 2008, bản dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục 2009-2020 đã được ngành Giáo dục - Đào tạo đưa ra lấy ý kiến rộng rãi của toàn xã hội. Bản dự thảo Chiến lược này là sản phẩm của một quá trình lao động tập thể với sự tham gia soạn thảo và góp ý của nhiều nhà khoa học, nhiều chuyên gia trong và ngoài nước về lĩnh vực xây dựng chiến lược, của đông đảo các nhà quản lý giáo dục các cấp, của nhiều nhân sĩ, nhiều tổ chức đoàn thể. Bản dự thảo chiến lược 2009-2020 là một cố gắng lớn của ngành Giáo dục - Đào tạo trong việc thiết kế một cách khoa học ở tầm vĩ mô một công cụ quản lý có thể tác động điều khiển nhằm thúc đẩy sự phát triển của toàn hệ thống giáo dục hướng tới một tương lai tươi sáng.
3. Khởi động phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”
Ngày 22/7/2008, Bộ GD&ĐT ra Chỉ thị về việc phát động phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” trong các trường phổ thông giai đoạn 2008-2013. Nội dung cụ thể của phong trào là do cơ sở tự chọn, phù hợp với điều kiện của nhà trường, làm cho chất lượng GD được nâng lên và có dấu ấn của địa phương một cách mạnh mẽ. Phong trào có 4 nội dung chính, gồm: Xây dựng trường, lớp xanh, sạch, đẹp; dạy và học có hiệu quả, phù hợp với đặc điểm lứa tuổi của HS ở mỗi địa phương, giúp các em tự tin trong học tập; tổ chức các hoạt động tập thể (hoạt động văn nghệ, thể thao, các trò chơi dân gian...); rèn luyện kỹ năng sống cho HS; HS tham gia tìm hiểu, chăm sóc và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hoá, cách mạng ở địa phương.
4. Đánh giá chương trình và sách giáo khoa trên quy mô lớn
Một cuộc đánh giá về chương trình và sách giáo khoa (CT&SGK) quy mô lớn đã được thực hiện với sự tham gia của giáo viên, cán bộ quản lí GD (những người đang trực tiếp thực hiện CT và SGK mới ở 64 tỉnh thành) cùng Hội Cựu giáo chức Việt Nam, Hội Khuyến học Việt Nam và Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam. Sau hai tháng triển khai, đến 15/5/2008, Bộ GD&ĐT đã nhận được 204 báo cáo ý kiến đánh giá về CT, SGK của các tập thể, cá nhân. Ngày 18/5/2008, Bộ GD&ĐT đã tổ chức Hội thảo toàn quốc lần thứ nhất về đánh giá CT GD và SGK phổ thông. Đánh giá CT GD và SGK phổ thông đã đưa ra được những kết quả quan trọng, đồng thời nêu một số giải pháp cơ bản nhằm khắc phục hạn chế, thiếu sót của CT GD và SGK phổ thông.
5. Năm học đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin
Theo Chỉ thị 55/2008/CT- BGD-ĐT về tăng cường giảng dạy, đào tạo và ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành giáo dục giai đoạn 2008- 20012, CNTT là công cụ đắc lực hỗ trợ đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập và hỗ trợ đổi mới quản lý GD, góp phần nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng GD. Trong Chỉ thị nêu một trong các nhiệm vụ trọng tâm là: Nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của CNTT và triển khai có kết quả cao yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong năm học 2008- 2009. Theo đó, nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức ở các cấp quản lý GD, nhà giáo và cán bộ quản lý GD về vai trò, vị trí và sự cần thiết của CNTT trong GD. Thủ trưởng các cấp quản lý GD, các cơ sở GD trực tiếp chỉ đạo, tổ chức triển khai các biện pháp để đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào công tác chuyên môn và quản lý. Phổ biến rộng rãi và quán triệt đầy đủ các quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn chỉ đạo về CNTT của Chính phủ và của ngành. Năm học 2008- 2009 được chọn là “Năm học đẩy mạnh ứng dụng CNTT, đổi mới quản lý tài chính và xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. tạo bước đột phá về ứng dụng CNTT trong GD và tạo tiền đề phát triển ứng dụng CNTT trong những năm tiếp theo.
Tổng công ty Viễn thông quân đội đã quyết định từ năm học 2008- 2009 cho phép tất cả các trường phổ thông của cả nước kết nối và sử dụng Internet miễn phí để hiện đại hoá việc dạy và học, việc quản lý nhà trường.
6. Ban hành Quy định về đạo đức nhà giáo và tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Mỗi giáo viên là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”
Theo Quy định về đạo đức nhà giáo (do Bộ GD&ĐT ban hành ngày 16/4/2008), đây là cơ sở để các nhà giáo nỗ lực tự rèn luyện phù hợp với nghề dạy học được xã hội tôn vinh, đồng thời là một trong những cơ sở để đánh giá, xếp loại và giám sát nhà giáo nhằm xây dựng đội ngũ nhà giáo có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất và lương tâm nghề nghiệp trong sáng, có tính tích cực học tập, không ngừng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ và phương pháp sư phạm, có lối sống và cách ứng xử chuẩn mực, thực sự là tấm gương cho người học noi theo. Có những quy định cụ thể về đạo đức nhà giáo, về phẩm chất chính trị; đạo đức nghề nghiệp; lối sống, tác phong; Giữ gìn, bảo vệ truyền thống đạo đức nhà giáo.
7. Hội nghị toàn quốc đầu tiên về chất lượng giáo dục đại học
Ngày 5/1/2008, Hội nghị toàn quốc về chất lượng GD ĐH được tổ chức tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân, thu hút sự tham gia của 420 đại biểu đến từ các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các tổ chức quốc tế, các trường ĐH, CĐ và các cơ quan thông tin, truyền thông.
Được Bộ GD&ĐT tổ chức sau hơn 1 năm chuẩn bị, Hội nghị đã được nghe các ý kiến tham luận rất thẳng thắn và có giá trị của nhiều đại biểu từ các bộ, ngành, tổ chức quốc tế và các trường ĐH, CĐ. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bành Tiến Long đã trình bày một báo cáo của Bộ GD&ĐT về chất lượng GD ĐH thể hiện thực trạng và đề ra những phương hướng nâng cao chất lượng GD ĐH Việt Nam. Hội thảo cũng đã nêu ra những nguyên nhân dẫn đến chất lượng GD ĐH chưa đạt yêu cầu trong những năm vừa qua và một số giải pháp buộc phải làm để đảm bảo chất lượng, một số giải pháp khuyến khích nâng cao chất lượng GD.
8. Đổi mới chương trình các môn lý luận chính trị trình độ đại học, cao đẳng dùng cho sinh viên khối không chuyên ngành Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh
Sau nhiều năm nghiên cứu, tham khảo ý kiến của các cơ sở giáo dục đại học tháng 9 năm 2008 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có quyết định ban hành chương trình các môn lý luận chính trị trình độ đại học, cao đẳng dùng cho sinh viên khối không chuyên ngành Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Chương trình mới đã thể hiện sự đổi mới trong giáo dục lý luận chính trị đối với sinh viên không chuyên ngành Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Chương trình được thiết kế khoa học, chặt chẽ, phù hợp với thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục đại học Việt Nam trong xu thế hội nhập toàn cầu hiện nay.
9. Thành lập trường ĐH Việt Đức
Là trường ĐH công lập đầu tiên được thành lập trên cơ sở hợp tác quốc tế giữa hai Chính phủ Việt Nam và Cộng hoà Liên bang Đức, trường ĐH Việt Đức được định hướng là trường ĐH nghiên cứu theo mô hình tiên tiến của ĐH Đức và trở thành một trung tâm nghiên cứu hàng đầu Việt Nam đạt chuẩn quốc tế. Các giáo sư Đức giữ vai trò chủ yếu trong việc điều hành và giảng dạy của trường ĐH Việt Đức ở giai đoạn phát triển ban đầu của trường. Chương trình đào tạo cử nhân của trường ĐH Việt Đức bao gồm 1 năm đại cương và 3 năm chuyên ngành. Năm đại cương của năm học 2008- 2009 được thiết kế bao gồm 6 module: Tiếng Anh thông dụng, tiếng Anh chuyên ngành; kỹ năng học tập và kỹ năng mềm; ôn tập các môn học cơ bản; cơ bản về kỹ thuật và tin học chuyên ngành; khoá tiếng Đức (tự chọn). Các sinh viên đã trúng tuyển vào các trường ĐH, khối A, với điểm thi từ 21 điểm trở lên đều có quyền nộp hồ sơ đăng ký tuyển chọn vào trường ĐH Việt Đức. Các sinh viên được tuyển chọn vào học năm 2008 của trường ĐH Việt Đức được hưởng mọi quyền lợi của sinh viên theo quy định của Luật GD Việt Nam, quy định của trường ĐH Việt Đức và được Nhà nước bù 50% học phí trong năm thứ nhất (chỉ phải đóng 75 đô la Mỹ/ tháng). Mức học phí quy định của trường ĐH Việt- Đức là 150 đô la Mỹ/ tháng.
Ngày 10/9/2008, Trường ĐH Việt Đức đã khai giảng khoá đầu tiên với 48 sinh viên của ngành điện và xây dựng dân dụng.
10. GD Hà Nội và một số địa phương chịu ảnh hưởng bất ngờ của thiên tai
Mưa lớn trong những ngày đầu tháng 11, khiến ngành GD ở một số tỉnh miền Bắc gặp khó khăn, thậm chí ngập lụt cục bộ khiến không ít trường học bị ngập sâu, ngập nặng. Đã có những địa phương, Sở GD&ĐT phải chỉ đạo các trường học, tuỳ theo tình hình thực tế, chủ động cho HS nghỉ học nếu thấy cần thiết, để đảm bảo an toàn cho HS trong thời điểm mưa lớn và phòng lũ quét. Riêng ở Hà Nội, đợt mưa lớn “lịch sử” đã khiến ngành giáo dục chịu thiệt hại về con người (3 học sinh bị chết), nhiều trường học chịu cảnh ngập lụt.
GD&TĐ