Thứ năm, 27/10/2016, 15h52

3 chàng trai xé tàu dừa làm giấy mỹ thuật có một không hai

Từ những cây dừa nước ở Hội An (Quảng Nam), ba chàng trai, với sự kết hợp giữa đam mê với nhiệt huyết đã cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật từ giấy dừa 'có một không hai'.

Chủ nhân của loại giấy độc đáo đó là nhóm bạn Trương Tấn Thọ (quê ở Quảng Nam), Lê Thanh Hà (Nghệ An) và Trần Quang Thắng (Thừa Thiên Huế). Khi đến Hội An, ba chàng trai dự định phát triển con đường hội họa và nuôi ý tưởng sáng tác tranh vẽ trên nền chất liệu mới. Cùng với đó là bảo tồn những giá trị truyền thống mà ông cha để lại.
3 chàng trai xé tàu dừa làm giấy mỹ thuật có một không hai
“Giống như đã có sự an bài của số phận, ba anh em mỗi đứa một xứ nhưng tình cờ quen biết rồi kết thân nhau chỉ vì có chung niềm đam mê mỹ thuật. Khi đi ngang qua vùng dừa nước Cẩm Thanh, tôi chợt lóe lên sáng kiến, sao mình không tận dụng dừa nước để làm giấy”, anh Trương Tấn Thọ chia sẻ.
Nhận thấy cây dừa nước có các đặc tính phù hợp để làm giấy. Kèm với đó là ý chí dám nghỉ dám làm, ba anh em Thọ, Hà, Thắng ở trong vùng dừa nước Cẩm Thanh trong hàng tháng trời để tìm hiểu cách làm giấy từ tàu dừa nước.
3 chàng trai xé tàu dừa làm giấy mỹ thuật có một không hai - ảnh 2
Công đoạn đầu tiên là tàu dừa được chẻ nhỏ Ảnh: CTV
Trong khoảng thời gian ấy, cả ba bỏ công sức ra nghiên cứu, thử nghiệm rồi cuối cùng mọi sự cố gắng đã được đền đáp xứng đáng. Bước đầu tiên, họ đem tàu dừa chẻ nhỏ, ngâm thật sạch trước khi đun nấu, sau đó nghiền nhỏ thành bột. Tiếp theo bột giấy sẽ được pha với nước, rải đều trong một khung lụa. Cùng với áp lực nước người thợ có thể tạo ra các bức tranh theo sự sáng tạo riêng của mình hoặc theo yêu cầu của khách hàng.
“Tất cả các công đoạn đều được làm thủ công, từ bước đầu tiên đến công đoạn cuối cùng. Kèm với đó những thứ bị loại bỏ đều rất thân thiện, hoàn toàn không gây ô nhiễm đến môi trường”. Anh Trần Quang Thắng chia sẻ.
3 chàng trai xé tàu dừa làm giấy mỹ thuật có một không hai - ảnh 3
Những chiếc đèn lồng được làm từ giấy dừa
Với tên gọi Nipa (tên quốc tế của dừa nước, dừa lá), sản phẩm đã khiến không ít người ngạc nhiên về tính nghệ thuật của nó. Những bức họa đặc biệt với mục đích tôn vinh văn hóa dân gian Việt Nam. Hình ảnh thường được đưa vào trong tranh là hoa đăng, hoặc những cảnh sắc chỉ có riêng ở phố cổ Hội An. Mặt khác, giấy còn có thể làm lồng đèn, vách ngăn, bình phong, đèn ngủ...
Điều đặc biệt mang lại giá trị cho những sản phẩm từ giấy Nipa đó chính là sự tương tác giữa ánh sáng trong từng tác phẩm. Các sản phẩm sẽ càng đẹp hơn dưới ánh mặt trời hoặc trong ánh đèn vàng. “Phải mất rất nhiều thời gian tìm hiểu, mày mò thì nhóm mới thực hiện được các sản phẩm mới lạ này. Chúng tôi luôn cố gắng lồng ghép các chi tiết vào trong giấy rồi trưng khung trưng bày. Một mặt tạo sự mới lạ, mặt khác những hình ảnh thân quen của đất nước mình sẽ được đông đảo bạn bè quốc tế biết đến”, anh Lê Thanh Hà tâm sự.
3 chàng trai xé tàu dừa làm giấy mỹ thuật có một không hai - ảnh 4
Lồng đèn được làm hoàn toàn thủ công Ảnh: CTV
Trong không gian “vườn giấy Việt”, nơi ba chàng trai trưng bày những sản phẩm nghệ thuật từ giấy dừa do chính họ làm ra, hằng ngày đều có rất đông du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Tất cả đều rất ngạc nhiên khi biết những tác phẩm nghệ thuật đó được tạo nên từ dừa nước.
Hiện các sản phẩm thủ công được làm từ giấy dừa của nhóm đã chính thức được bày bán, trở thành quà lưu niệm ý nghĩa dành cho du khách một khi đến với phố cổ Hội An. Anh Nguyễn Quang Đạt (du khách đến từ Đồng Nai) nhận xét: “Tôi đã đến Hội An rất nhiều lần, củng đã tham quan rất nhiều sản phẩm làm ra từ giấy. Nhưng khi đến đây, thấy các sản phẩm được làm từ cây dừa nước thì tôi thật sự bất ngờ. Các sản phẩm rất đẹp”.
3 chàng trai xé tàu dừa làm giấy mỹ thuật có một không hai - ảnh 5
Kết hợp với đèn vàng tạo ra những bức tranh rất đẹp Ảnh: CTV
Cả ba anh Thọ, Hà và Thắng đều đang quyết tâm sẽ đi một con đường thật dài với những sản phẩm từ cây dừa nước này. Chia sẻ dự định tương lai, anh Thọ nói: “Không dừng lại từ giấy dừa, chúng tôi còn dự định tạo giấy bằng cây dâu tằm, rồi cả cây keo được trồng nhiều ở Quảng Nam. Chúng tôi sẽ cố gắng mở rộng phạm vi trưng bày, cùng với việc sáng tạo để đa dạng mẫu mã đáp ứng thị hiếu của khách hàng. Điều chúng tôi hướng đến là muốn truyền vào mỗi sản phẩm nghệ thuật là cái hồn, cái đặc trưng ở địa phương và sẵn lòng chia sẻ việc làm giấy từ nguyên liệu mới với mọi người”.

Nguyễn Tri (TNO)