Thứ hai, 16/11/2015, 08h10

30 năm tâm huyết với tiếng Nga

Cô Tâm cùng học trò làm cây bạch dương chuẩn bị trang trí cho Ngày hội văn hóa Nga

Tròn 30 năm kể từ ngày nhận công tác tại Trường ĐHNN Đà Nẵng, qua nhiều biến động thăng trầm, có lúc tưởng chừng ngôn ngữ này không thể tồn tại trong trường ĐH. Cô Vũ Thanh Tâm vẫn lặng lẽ thể hiện tình yêu của mình với tiếng Nga như một tình yêu đã ngấm vào máu thịt...

Giáo viên phải biết làm mới kiến thức

“Giáo viên, dù bất cứ ngành nào, để có thể truyền đạt một cách tốt nhất cho học sinh, hướng các bạn đi đúng, không cách nào tốt hơn là chính bản thân họ phải tự trau dồi, bồi bổ kiến thức và rút ra kinh nghiệm hay. Phải đi trước, nêu gương”. Đó là quan điểm của cô Vũ Thanh Tâm, Phó trưởng khoa Tiếng Nga (Trường ĐHNN Đà Nẵng). Và đó cũng là lí do, cô tham gia cuộc thi quốc tế dành cho các giáo viên nước ngoài dạy tiếng Nga xuất sắc, do Bộ Ngoại giao Nga phối hợp với Trung tâm Khoa học và văn hóa Nga tổ chức. Vượt qua vòng loại với 1 giờ 30 phút làm bài test và 2 bài luận về ngôn từ Nga, cô đã xuất sắc vượt qua 600 giáo viên đến từ 60 nước trên thế giới, có mặt trong nhóm 15 gương mặt xuất sắc nhất tham dự vòng chung kết tại Cung Ekaterina trong quần thể Bảo tàng Tsaritsyno ở thủ đô Moscow, Liên bang Nga. Mỗi thí sinh dự thi phải thuyết trình trước Hội đồng giám khảo 2 đề tài bằng tiếng Nga đó là “Học sinh của tôi và sách mà chúng tôi đọc” và “Người Nga trong văn học Nga”. Qua đó, các giáo viên có nhiều cơ hội để giới thiệu về những kiến thức, khả năng và những thành tích của mình trong công tác giảng dạy tiếng Nga ở đất nước mình, cho học sinh của mình. Cô Tâm kể: “Với khoảng thời gian 7 phút, trình bày đề tài sâu và rộng, rất khó để hoàn thành. Mình đã chọn khía cạnh phương pháp dạy tiếng Nga trong hoàn cảnh thiếu môi trường tiến. Quả thật, với khoảng thời gian đó không thể trình bày được hết những gì mình biết về ngôn ngữ và văn hóa Nga cũng như phương pháp giảng dạy ở đất nước mình cho học sinh, nhưng được tham gia cuộc thi là cơ hội bổ ích cho những giáo viên như mình”. Cô đã hoàn thành bài thi một cách đầy thuyết phục với hai giải: “Văn hóa lời nói” và “Nghệ thuật thuyết phục”. “Vui nhất là mình có thêm cơ hội để chia sẻ với các đồng nghiệp đến từ nhiều nước khác nhau, học hỏi từ họ những kinh nghiệm trong giảng dạy để về truyền đạt lại cho sinh viên”, cô Tâm nói thêm.

30 năm gắn bó

Niềm tin, tình yêu ấy của cô đã giúp bao thế hệ sinh viên vững tin khi chọn cho mình ngã rẽ vào tương lai tươi sáng. Cô cũng là một trong 15 giáo viên nước ngoài vinh dự nhận giải giáo viên dạy tiếng Nga xuất sắc nhất năm 2015, tại thủ đô Moscow (Liên bang Nga).  

Dễ mến và cởi mở, nhất là khi nói về đề tài tiếng Nga, văn hóa Nga. Đó là những điều dễ nhận thấy ngay từ lần đầu gặp gỡ, chuyện trò với cô giáo Vũ Thanh Tâm. Năm 1985, sau khi tốt nghiệp ĐHSP Hà Nội, cô nhận nhiệm vụ về dạy học tại Trường ĐHSP Ngoại ngữ Đà Nẵng (nay là trường ĐHNN). Rời chốn phồn hoa đô hội, ở cái tuổi đôi mươi đẹp nhất đời người, cô về với mảnh đất Đà Nẵng bên eo biển với bộn bề gian khó. “Khi cầm quyết định nhận nhiệm vụ, mình chỉ nghĩ rằng, mình sẽ đến một nơi để phát triển nghề nghiệp, truyền đạt vốn kiến thức mình yêu thích cho thế hệ trẻ”. Không suôn sẻ như nhiều ngành ngôn ngữ khác, ngành tiếng Nga trải qua nhiều bước thăng trầm. Giai đoạn những năm 90 của thế kỷ trước, ngành tiếng Nga gần như rất ít người theo học. Có lúc cả khoa của Trường ĐHNN Đà Nẵng chỉ tuyển được 2 lớp với vỏn vẹn chưa tới trăm sinh viên. Nhiều thế hệ sinh viên ra trường không có việc làm. Trong khi ngành du lịch ở miền Trung còn chưa phát triển mạnh như bây giờ, các điều kiện còn thiếu thốn. Thậm chí có thời điểm, hầu như tất cả các giáo viên của ngành tiếng Nga đều phải “thủ” sẵn cho mình một tấm bằng tiếng Anh làm chứng chỉ thứ 2 để… chống thất nghiệp!

Dạy tiếng Nga trong một môi trường không mấy thuận lợi, nhất là ở khu vực miền Trung. Trong khi, tiếng Nga là một ngôn ngữ khó, đòi hỏi ở người học không chỉ tính kiên trì mà cả tình yêu, niềm đam mê nó. Để truyền tình yêu tiếng Nga cho sinh viên, cô Tâm miệt mài tìm tòi, nghiên cứu phương pháp giảng dạy. Điều mà cô trăn trở nhất, đó là văn hóa đọc. Cô bảo: “Thực ra đọc với ý nghĩ là để học thì rất mệt và dễ nản. Bởi vậy, mình luôn hướng dẫn cho sinh viên cách đọc trước hết là để biết, để có thông tin. Đọc thường xuyên, đọc từ ít đến nhiều, đọc đều đặn. Lâu dần sẽ thành thói quen và thích nó. Mình luôn nói với các bạn sinh viên, rằng các bạn đọc nhằm hướng tới việc tích lũy thông tin và về lâu dài, ngôn ngữ là phương tiện chứ không phải là mục đích cuối cùng”. “Tuy nhiên làm thế nào để đọc trong tình huống thiếu môi trường tiến như ở mình thì người giáo viên phải nêu gương. Phải có vốn đọc, kiến thức không chỉ về ngôn ngữ mà cả về văn hóa để có thể tư vấn cho các bạn sinh viên về cách đọc, hiểu”, cô Tâm nói thêm.

Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên

“Vào những thời điểm khó khăn, những học trò ra trường dù không theo được ngành mình học cho công việc nhưng gặp lại các em, thấy tình yêu tiếng Nga ở các em đã tạo thêm động lực cho mình bám trụ với nghề. Vài năm trở lại đây, tuyển sinh ngành tiếng Nga đã có nhiều khởi sắc hơn trước. Các sinh viên ra trường cũng tìm được việc làm. Với người giáo viên, đó chính là niềm vui, hạnh phúc nhất của nghề”, cô Tâm bộc bạch.