Thứ tư, 6/1/2016, 16h40

42% học sinh ở TPHCM bị thừa cân béo phì

Đó là một trong những thông tin được Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM đưa ra tại buổi họp giao ban của Sở Y tế TPHCM ngày 6.1.

Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm dinh dưỡng TPHCM cho biết một tin vui liên quan đến vấn đề cải thiện tầm vóc người Việt: Theo khảo sát của Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM thì tỷ lệ học sinh suy dinh dưỡng thấp còi, gầy còm hiện nay ở TPHCM đã giảm đáng kể. Đến năm 2015, tỷ lệ học sinh suy dinh dưỡng, thấp còi, gầy còm chỉ còn khoảng 3%. Đồng thời, chiều cao trung bình của học sinh thành phố ở độ tuổi 17 cải thiện đáng kể. Theo đó,chiều cao trung bình của học sinh nam là 168cm và nữ là 157cm. Trong khi chiều cao trung bình của đàn ông Việt Nam hiện tại là 164cm và phụ nữ là 153cm.

Béo phì là vấn đề lo ngại về sức khỏe học đường (ảnh minh họa)
Tuy nhiên, một vấn đề đáng lo ngại đó là tỷ lệ học sinh thừa cân, béo phì ở cả 3 cấp học (tiểu học, THCS, THPT) đã tăng lên 41,9%. Trong số đó có 19% học sinh bị bệnh béo phì. Càng ở các cấp học nhỏ tuổi, tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì càng nhiều. Đáng giật mình hơn, khi tiến hành khảo sát ở 30 trường học tại TPHCM, có đến 15,4% học sinh bị tăng huyết áp. Bác sĩ Ngọc Diệp nhấn mạnh, gần như 100% trẻ béo phì đều tăng huyết áp. Đây là vấn đề rất đáng lo ngại về sức khỏe học đường.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do thói quen dinh dưỡng không hợp lý, chế độ ăn không cân đối, ăn ít rau và trái cây, ăn nhiều thức ăn nhanh, nhiều đường…Để khắc phục tình trạng này, Trung tâm dinh dưỡng TPHCM đưa các khuyến nghị cần có chương trình can thiệp nhanh, đồng bộ, hiệu quả nhằm khống chế sự gia tăng thừa cân, béo phì.
Theo LĐO