Thứ hai, 21/12/2015, 15h39

5 điều ghi nhớ khi khai bệnh với bác sĩ

Bạn không nên khẳng định ngay từ đầu với bác sĩ là mình đi khám vì bị bệnh như viêm xoang, viêm họng hay viêm dạ dày.  

BS Nguyễn Trương Khương giải thích hình ảnh với bệnh nhân 
BS Nguyễn Trương Khương giải thích hình ảnh với bệnh nhân 

Từ khi là sinh viên năm thứ ba, các bác sĩ tương lai đã bắt đầu được tiếp xúc với bệnh nhân để học và thực hành cách hỏi về đặc điểm và diễn tiến của bệnh.

Cho đến khi ra trường, kỹ năng hỏi bệnh để phục vụ cho chẩn đoán và điều trị chính xác được xem như hoàn chỉnh. Do vậy, đặt câu hỏi như thế nào để thu thập tối đa thông tin cần thiết được xem là trách nhiệm của người thầy thuốc.

Tuy nhiên trong thực tế, nhất là trong lần khám đầu tiên, nếu biết cách trình bày đầy đủ về bệnh tật của mình, người bệnh sẽ giúp cho người thầy thuốc chẩn đoán nhanh và chính xác hơn, nhờ đó giao tiếp giữa người bệnh và bác sĩ sẽ rất hiệu quả và thú vị.

Không khẳng định tên bệnh

Bạn đi khám bệnh là do triệu chứng của bệnh xuất hiện làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của mình, chẳng hạn như: nhức đầu, đau họng, hay đau bụng.

Bạn không nên khẳng định ngay từ đầu với bác sĩ là mình đi khám vì bị bệnh như viêm xoang, viêm họng hay viêm dạ dày.

Chẩn đoán này có thể do bác sĩ trước đó đã đưa ra hoặc do chính bạn tự gán cho mình, điều này không khách quan và phần lớn là chưa chính xác. Bác sĩ sẽ mất thời gian hỏi ngược trở lại triệu chứng mà bạn đang có. Như thế sẽ gây ít nhiều phiền toái nếu bác sĩ phải khám rất nhiều bệnh nhân, hoặc vào cuối buổi làm việc, khi mà nguồn năng lượng của bác sĩ đã cạn kiệt và dễ “nổi quạu”.

Mô tả 5 đặc điểm của triệu chứng.

Triệu chứng mà bạn cảm nhận được, thông thường sẽ có 5 đặc điểm, bạn nên chủ động cung cấp đầy đủ cho bác sĩ.

Thứ nhất là về thời gian, bạn đã có triệu chứng này bao lâu, hay triệu chứng này xuất hiện khi nào.

Thứ hai là về sự khó chịu mà triệu chứng này gây ra, ví dụ như với triệu chứng đau, bạn cần nên rõ là đau âm ỉ, đâu như dao đâm hoặc đau quặn; cường độ đau có làm bạn phải ngưng làm việc hoặc mất ngủ.

Thứ ba là vị trí, bạn cần mô tả rõ vị trí của triệu chứng, có thể là một điểm, một vùng nào đó trên cơ thể hoặc một bên hay hai bên, hoặc có lan ra vị trí khác hay không.

Thứ tư là tần xuất hoặc hoàn cảnh xuất hiện, chẳng hạn như đau liên tục hay ngắt quãng, bao nhiêu lần trong ngày, trong tuần hoặc chỉ vài cơn trong một tháng; đau có liên quan đến tư thế hay ăn uống hay một hoàn cảnh cụ thể nào đó. Ví dụ như với triệu chứng ho, hoàn cảnh xuất hiện có thể là sáng sớm, ngồi trước quạt, hoặc chỉ xuất hiện khi nằm, sau ăn.

Đặc điểm sau cùng là các triệu chứng khác đi kèm, chẳng hạn như ho kèm theo sốt nhẹ, kèm theo sụt cân, ăn uống kém, kèm theo khạc đàm máu, tức ngực.

Các đặc điểm của triệu chứng rất quan trọng, bạn cần mô tả rõ ràng, càng chính xác càng tốt. Bác sĩ sẽ đặt thêm câu hỏi giúp bạn mô tả thêm những thông tin cần thiết khác. Các đặc điểm bạn đã cung cấp, các dấu hiệu bác sĩ thu thập được khi khám kết hợp với các xét nghiệm sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác bệnh lý của bạn.

Có thể ghi ra giấy để tránh quên hoặc bỏ sót những điều bạn muốn kể cho bác sĩ hoặc những thắc mắc, những lo lắng của bạn.

Nếu bạn sợ quên hoặc bỏ sót, bạn có thể ghi ra giấy bằng những gạch đầu dòng, ghi bằng chữ in hoa càng tốt. Bạn có thể đọc cho bác sĩ nghe, hoặc bác sĩ sẽ tự đọc là lưu vào hồ sơ y khoa của bạn.

Không những mô tả triệu chứng bạn cảm nhận mà bạn còn có thể ghi thêm những thắc mắc, những điều muốn hỏi hoặc những kỳ vọng của bạn khi khám bệnh. Cần nhấn mạnh những điều bạn quan tâm nhất. Có thể nhắc lại những gì bạn cho là quan trọng nhưng bác sĩ quên chưa nhắc đến hoặc chưa hiểu ý bạn, hay những gì bạn chưa thấy được giải đáp thoả mãn. Bác sĩ sẽ lần lượt giải thích cho bạn những thắc mắc và lo lắng đó.

Đem theo đầy đủ các giấy tờ liên quan.

Bạn cần đem theo hồ sơ liên quan đến bệnh của bạn, chẳng hạn các toa thuốc đã uống trước đó, kết quả xét nghiệm đã làm, kết quả hình ảnh nội soi, phim X-quang hay CT đã chụp, giấy xuất viện, giấy chứng nhận phẫu thuật.

Bạn nên sắp xếp các tài liệu này theo trình tự thời gian từ xa đến gần, đặc biệt là trong trường hợp căn bệnh của bạn đã kéo dài nhiều năm tháng. Việc làm này sẽ giúp bạn tránh phải làm lại một số xét nghiệm hoặc một số chẩn đoán hình ảnh mà bác sĩ đang cần, và đặc biệt giúp ích cho bác sĩ biết những thuốc mà trước đó bạn đã được điều trị nhưng không có hiệu quả hoặc có những tác dụng phụ không mong muốn.

Báo cho bác sĩ tình trạng dị ứng và những bệnh lý có sẵn.

Điều cực kỳ quan trọng là bạn phải báo cho bác sĩ biết tình trạng dị ứng của bạn nếu có, đặc biệt là dị ứng thuốc. Bạn cũng cần nói thêm các bệnh lý khác đi kèm như đau dạ dày, cao huyết áp, tiểu đường, suyễn, rối loạn đông máu, bất thường kinh nguyệt, hoặc một số tình huống đặc biệt như đang cho con bú, đang mong muốn có thai, các thuốc bạn đang sử dụng. Những thông tin này sẽ giúp bác sĩ kê toa phù hợp và an toàn.

Trung thực mô tả cảm nhận của bạn sau khi điều trị.

Đặc biệt khi tái khám, bạn cần nói chính xác cảm nhận của bạn sau thời gian điều trị. Cụ thể là bệnh của bạn có thuyên giảm không, nếu có thì được bao nhiêu phần trăm, hay hoàn toàn không bớt  hoặc có xu hướng nặng thêm. Bạn dùng thuốc có tác dụng phụ gì không, thuốc có gây ngứa, xót bụng hay khó ngủ hay không? Tất cả sẽ giúp cho bác sĩ điều chỉnh những bước điều trị tiếp theo tốt hơn.

 

Ths. BS NGUYỄN TRƯƠNG KHƯƠNG (Bệnh viện FV TP.HCM)/TTO