Thứ hai, 16/6/2008, 15h47

9 cách ôn tập

Để ôn tập có hiệu quả, người học cần có kế hoạch ôn thật cụ thể. Kế hoạch ôn tập có thể dựa vào thời gian có được của cá nhân hoặc chủ đề cần ôn tập. Với những nội dung phức tạp, khó và dài thì kế hoạch ôn tập cần chú ý tới các yếu tố cấu thành như lượng thời gian dành cho vấn đề ôn tập là bao nhiêu? Nhiều hay ít. Thời điểm khi nào? Nhất là những lúc trong ngày, trong tuần có cảm giác hứng thú học tập tự cảm thấy đầu óc minh mẫn, sáng suốt; số lần xem lại nội dung là bao nhiêu?

Dưới đây là một số cách ôn tập cụ thể, tùy theo hoàn cảnh, điều kiện thực tế, học sinh có thể sử dụng riêng rẽ từng cách hoặc đồng thời nhiều cách cùng một lúc giúp cho việc ôn tập đạt kết quả cao nhất. Chú ý các nội dung khác nhau phải có cách ôn khác nhau:

1. Đọc lại các ghi chép (trên lớp hoặc từ các tài liệu tham khảo), đánh dấu tô màu những câu, đoạn cần nhớ sao cho dễ nhận ra khi xem lại. Sau đó viết tóm tắt các vấn đề tiếp thu qua việc ôn tập đó với số lượng chữ ít nhất mà không làm thay đổi nội dung ôn tập.

2. Viết các nội dung cơ bản, chủ yếu của tài liệu theo cách hiểu của bản thân.

3. Trình bày lại nội dung ôn tập dưới dạng mới, dạng sơ đồ hoặc hình vẽ phù hợp. Các hình vẽ hoặc sơ đồ này cần đơn giản nhưng phải chứa đủ các thông tin căn bản, cốt lõi.

4. Phân chia nội dung ôn tập thành các phần nhỏ và bố trí thời lượng tương ứng phù hợp với mỗi phần. Trước khi chuyển qua ôn tập phần tiếp theo cần dành ít thời gian để ôn lại phần đã ôn trước.

5. Mỗi nội dung ôn tập cần được ôn lại ít nhất ba lần:

+ Lần đầu, nên dành hai phần ba thời gian trong ngày hoặc trong tuần để đọc lại toàn bộ nội dung kiến thức đã chia đoạn sau đó đọc và viết lại từng phần từng đoạn đó. Khi đọc xong mỗi đoạn mỗi phần thì viết lại các nội dung chủ yếu, nếu quên thì có thể nhìn tài liệu.

+ Lần thứ hai, viết lại (trên giấy, trên bảng, đĩa CD, máy tính) các nội dung đã ôn lần đầu mà không nhìn tài liệu. Sau đó mở tài liệu để kiểm tra mức độ đầy đủ, chính xác của nội dung ôn tập đã nhập hoá thành tri thức cá nhân và chèn bổ sung những phần còn thiếu bằng loại mực màu nổi.

+ Lần thứ ba, làm nội dung hoàn chỉnh trên cơ sở lần hai.

6. Lập phiếu ôn tập: mặt trước ghi các câu hỏi. Mặt sau ghi các câu trả lời. Dưới mỗi câu hỏi, có những ô vuông nhỏ để đánh dấu đúng hoặc sai. Điều này giúp người học chú ý hạn chế trả lời sai ở những lần ôn sau.

7. Trình bày nội dung ôn tập trước người bạn không cùng lớp. Nếu người đó hiểu được và bạn có thể trả lời bất kì câu hỏi nào của người đó đặt ra thì chứng tỏ bạn nắm vững nội dung ôn tập.

8. Dùng máy ghi âm lại nội dung và viết lại trên giấy các câu trả lời. Sau đó so sánh với tài liệu để kiểm tra mức độ đạt được về việc nhớ thông tin và phương án trả lời.

9. Tự lập bảng câu hỏi kiểm tra bằng cách chuyển các ý chính trong bài học thành các câu hỏi.

P.N.Q tc "P.N.Q "

(theo tài liệu của Bộ GD-ĐT)