Thứ ba, 6/12/2016, 10h01

Ai gây áp lực học hành?: Môn nào cũng là… môn chính

Giáo viên phụ trách phòng tư vấn tâm lý ở trường phổ thông cho rằng áp lực học tập không chỉ từ phụ huynh mà còn ở phía nhà trường khi giáo viên nào cũng xem môn của mình là quan trọng. 

Học nhiều môn, chương trình nặng nề, khiến học sinh học mà không hứng thú, nên sức học yếu dần.
Quá tải
Mặc dù được ba mẹ khuyến khích chơi cầu lông ngoài giờ học nhưng H.Đ.K (học sinh (HS) lớp 8 Trường THCS Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) tuyệt nhiên không tham gia mà dành toàn bộ quỹ thời gian rảnh để học và làm bài tập về nhà. Lý do là: “Em sợ không làm xong bài tập thì cô đánh”, K. cho biết.
Chương trình thiết kế nặng nề, đánh giá thi chú trọng về kiến thức, đòi hỏi cao từ giáo viên khiến học sinh quá tải /// Ảnh: Lam Ngọc
Chương trình thiết kế nặng nề, đánh giá thi chú trọng về kiến thức, đòi hỏi cao từ giáo viên khiến học sinh quá tải Ảnh: Lam Ngọc
K. dùng 2 cuốn sổ dày để làm vở bài tập 2 môn toán và văn, trong đó ghi chi chít đủ các thể loại đề luyện thi HS giỏi và bài tập nâng cao. Do có quá nhiều bài tập phải giải quyết trong ngày nên mùa đông, kể cả những ngày trời lạnh, nhiệt độ xuống thấp nhưng K. vẫn luôn đặt chuông báo thức lúc 3 giờ sáng để dậy học bài. Giáo viên của trường này cho biết do là trường điểm của huyện nên yêu cầu với HS luôn cao hơn các trường xã. Hơn nữa, tất cả HS trong trường đều phải học với cường độ như vậy.
Giáo viên phụ trách phòng tâm lý tại một trường THPT ở Q.3 (TP.HCM) kể: “Năm học trước có HS cứ đến gần ngày thi là đứng ở cửa lớp khi khóc khi cười. Có lúc quá tải thì đi lang thang trong sân trường chửi bậy và la hét “người chứ có phải trâu bò đâu mà bắt học hoài”. Hay có một HS, năm trước học lớp 11, học lực khá nhưng từ đầu năm lớp 12 đến nay liên tục xuống phòng tư vấn vì học không vào mà cũng không dám chơi. Cứ qua một bài kiểm tra, làm sai một câu hỏi nào liền mặt mày tái mét, tay chân run, tâm trạng bồn chồn, lo lắng. Khi trò chuyện với giáo viên tâm lý, HS cho biết thấy hoang mang, không biết học như hiện nay đã đủ chưa, có thi được không.
Có trường hợp HS bị bệnh phải nghỉ học, gia đình, nhà trường cố gắng động viên đi học lại. Thế nhưng khi trở lại lớp học, giáo viên vì thành tích năm nào cũng được tuyên dương, sợ kết quả của HS ảnh hưởng đến kết quả do lớp mình phụ trách đã gây căng thẳng khiến HS thêm chán nản, không có hứng thú.
Học sinh cứ phải giỏi toán, văn…
Cũng nói về vấn đề áp lực trong học tập của HS hiện nay, bà Trần Thúy An, Hiệu trưởng Trường Trần Văn Ơn, Q.1, TP.HCM, nêu ý kiến: “Muốn giáo dục phát triển, HS giảm áp lực thì phải thay đổi ngay từ trong tư duy giáo dục của người thầy. Không phải cứ HS giỏi ra trường sẽ thành công, trung bình yếu thì không thành công. Điều quan trọng trong giáo dục là giáo viên phải tìm ra điểm sáng của học trò, tạo điều kiện để học trò phát huy điểm sáng ấy. Một HS không cứ phải giỏi toán. Đôi khi các em có năng khiếu về thể thao, vẽ thì giáo viên cũng cần phải ủng hộ chứ không thể giữ quan điểm “đầu óc ngu si, tứ chi phát triển”. Bà An nói thêm: “Nếu giáo viên nào cũng coi môn của mình là môn chính và bắt HS học quá nhiều thì sẽ không tránh khỏi áp lực. Chính vì thế, hãy yêu cầu vừa phải ở HS, cho các em cơ hội được học những điều mình thích trên cơ sở hoàn thành chương trình cơ bản”.
Bà Hoàng Thị Minh Liên, Hiệu trưởng Trường THCS, THPT Nhân Văn (TP.HCM), cho rằng một trong những yếu tố tạo áp lực cho HS đó là hầu hết các trường vẫn tham kiến thức. Giáo viên nào cũng nghĩ môn của mình quan trọng, kiến thức nào cũng cần thiết và muốn HS ôm đồm tạo áp lực học tập rất lớn. “Hơn nữa, việc các trường phải gắng sức chạy theo các chương trình đổi mới giáo dục, trở thành “chuột bạch” cho các chương trình cũng là một nguyên nhân không nhỏ tạo ra áp lực cho HS”, bà Liên nhận định.
Học và thi quá chú trọng về kiến thức
Cũng nói về áp lực học tập, một lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM phân tích: Vì sao hơn 10 năm trước cửa vào THPT, ĐH hẹp hơn nhưng số HS đi học thêm lại ít hơn? Ngược lại, hiện nay cửa vào trường phổ thông, ĐH thoáng hơn nhưng áp lực học hành cao. Lý do là vì chương trình học và chương trình thi vẫn quá chú trọng về kiến thức.
Ông Cao Huy Thảo, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Quốc tế Việt Úc (SIC), cho rằng để giảm áp lực cho HS, cái gốc vẫn là chương trình. Có nghĩa chương trình phải thay đổi sao cho phù hợp với xu hướng giáo dục của các nước tiên tiến trên thế giới là cơ bản, tinh giản về mặt kiến thức nhưng lại đảm bảo tính hiện đại và thực tiễn. Song song đó, sách giáo khoa không chỉ cung cấp các kiến thức cơ bản mà còn phải giúp HS cách học, cách tìm kiếm, xây dựng, hệ thống kiến thức, rèn luyện năng lực tự học, năng lực về công nghệ thông tin, năng lực vận dụng kiến thức vào giải quyết những vấn đề của cuộc sống.
Khối lượng kiến thức nhiều
Thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khóa 13, khi đánh giá về chương trình - sách giáo khoa hiện hành đã nhận xét: “Chương trình một số môn học yêu cầu còn cao, một số nội dung trong chương trình chưa thực sự cơ bản, khối lượng kiến thức nhiều, gây nên sự quá tải. Có sự thiếu cân đối giữa các nội dung kiến thức, giữa lý thuyết và thực hành, giữa dung lượng và thời lượng chương trình một số môn học. Đồng thời có sự chưa nhất quán, thiếu liên thông qua các cấp học, nội dung còn trùng lặp ở một số môn học. Tương tự, sách giáo khoa còn có nội dung nặng đối với phần đông HS; nhiều thuật ngữ còn trừu tượng; tình huống gượng ép; dung lượng một số bài chưa phù hợp với thời lượng dạy học; một số nội dung, bài tập cao hơn so với yêu cầu của chương trình”.
Còn báo cáo đánh giá của Bộ GD-ĐT cũng thừa nhận: Một số chuẩn kiến thức, kỹ năng chưa phù hợp với trình độ nhận thức chung của HS và mục tiêu của chương trình. Chuẩn kiến thức, kỹ năng của một số chủ đề học tập quá cụ thể, cứng nhắc giống như tài liệu hướng dẫn dạy học. Chương trình tập trung nhiều vào các môn học ở trên lớp, chưa chú ý đúng mức đến các hoạt động giáo dục mang tính trải nghiệm, rèn luyện đạo đức và kỹ năng. Một số nội dung của một số môn học chưa đảm bảo tính hiện đại, cơ bản và thiết thực. Một số chủ đề còn khó, nhất là đối với HS.
Bên cạnh nguyên nhân chủ quan từ phía chương trình, sách giáo khoa, Bộ GD-ĐT còn cho rằng: “Trong xã hội, tâm lý khoa cử, sính bằng cấp, bệnh thành tích vẫn chi phối việc dạy, học và thi”.
Tuệ Nguyễn

Lam Ngọc - Bích Thanh (TNO)