Thứ bảy, 9/12/2017, 21h45

Âm nhạc hóa môn học… nhàm chán

Không còn là tiết giáo dục công dân đơn thuần gò bó, học sinh lớp 10A2 Trường THPT Phú Nhuận (TP.HCM) đã được trải nghiệm một tiết học theo phương pháp STEAM đầy hứng thú và mới mẻ thông qua chuyên đề Nét đẹp nhạc cụ dân tộc.

Nhóm thiết kế đang thuyết trình về các loại trang phục dân tộc

Bài học “Thực tiễn và vai trò của thực tiễn đối với nhận thức” đã được lồng ghép bằng những loại hình âm nhạc dân tộc, không chỉ giúp học sinh hiểu được nội dung bài giảng, mà còn khiến các em trân quý và có ý thức bảo tồn những loại hình âm nhạc dân tộc. Theo đó, lớp học được chia làm 4 nhóm ngồi bệt dưới nền gạch. Mỗi nhóm đảm nhận những vai trò khác nhau như ca sĩ (nhóm văn nghệ), kỹ sư, thiết kế, nghiên cứu, trực tiếp nghiên cứu về hát xoan.

Học mà như… chơi

Thay cho định nghĩa về nhận thức cảm tính và lý tính, các em học sinh được lắng nghe một đoạn clip về những loại hình âm nhạc dân tộc và gọi tên từng loại hình đó. “Bằng cảm nhận của mình thông qua giai điệu, trang phục, đạo cụ là nhận thức cảm tính, các em phân biệt được các loại hình âm nhạc, đó lại là nhận thức lý tính”, cô Phạm Thị Thu Hiền (giáo viên giảng dạy) nhận định.

Thay cho dẫn chứng về vai trò của thực tiễn, các em được tiếp cận định nghĩa về âm nhạc dân tộc. Đó là những tinh túy của nhân dân được lưu truyền đến ngày nay, là hồn cốt của cả một dân tộc. Sau đó, cô Thu Hiền khéo léo dẫn dắt học sinh đi sâu vào loại hình này bằng câu hỏi trăn trở “Dù được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới nhưng giới trẻ Việt, học sinh Việt lại rất hờ hững, thậm chí là không hề biết đến”. Trả lời câu hỏi trăn trở này, theo em Thành Tâm (thành viên trong lớp), đó là do giới trẻ chưa thật sự hiểu về giai điệu của âm nhạc dân tộc. Và loại hình âm nhạc này không phù hợp với đa phần thị hiếu nghe nhạc của giới trẻ hiện nay.

Trước đó, các nhóm đã có quá trình tìm hiểu về hát xoan. Trong phần cuối cùng của tiết học, từng nhóm lên thuyết trình về thành quả của nhóm mình. Nhóm nghiên cứu, với sản phẩm là tập san về hát xoan, như một công trình khoa học thực thụ tổng hợp tất cả những thông tin về hát xoan, sự phát triển theo từng tiến trình lịch sử. Trong khi đó, nhóm thiết kế có nhiệm vụ thiết kế và may đo những loại trang phục dân tộc, thực hiện poster quảng bá về hát xoan. “Phải xếp vải làm đôi, thân trước, thân sau có sự khác biệt. Tuy nhiên, với từng loại áo sẽ có những công thức khác nhau”, đại diện nhóm cho biết. Còn nhóm kỹ sư lại đảm nhiệm vai trò làm mô hình những loại nhạc cụ dân tộc như đàn bầu, tỳ bà, trống. “Tận dụng những chất liệu tre, gỗ đơn giản, vận dụng kiến thức vật lý, toán học chúng em tính toán sao cho dù là mô hình nhưng đàn vẫn có thể rung dây”, đại diện nhóm này nói.

Nhóm văn nghệ có vẻ dễ thở hơn, các em trình bày ca khúc Lý ngựa ô theo lối hát xoan. “Luyến láy là phần khó nhất, đặc biệt khi kết hợp với vũ đạo”, một thành viên trong nhóm chia sẻ.

Khai thác thế mạnh của giáo viên, học sinh

Cô Thu Hiền cho biết để có được tiết học như thế này, cô - trò phải triển khai thực hiện ròng rã trong 6 tuần liền từ quá trình lên ý tưởng, phân công công việc cho từng nhóm, đến gợi ý các em tìm hiểu tư liệu… Nhiều hôm cả lớp lặn lội đến 12 giờ đêm mới về đến nhà. “Một tiết học nhưng lại giúp các em vận dụng được nhiều kiến thức liên môn từ công nghệ thông tin, kỹ thuật, mỹ thuật, toán, vật lý và lịch sử. Nhiều thầy cô bộ môn khác đã hỗ trợ dạy các em về photoshop, cắt may, làm đàn…”, cô Thu Hiền cho hay.

Nhóm nghiên cứu đang giới thiệu tập san về hát xoan
“Từ không biết, không thích, trong quá trình thực hiện tiết học, em đã yêu và hiểu hơn về âm nhạc dân tộc. Thế giới còn biết trân trọng thì bản thân là thế hệ trẻ của Việt Nam, em nghĩ mình càng phải biết trân quý, bảo tồn”, Trần Thu Phương (học lớp 10A2) chia sẻ.

Theo cô Thu Hiền, chuyên đề này được cô thực hiện xuyên suốt toàn khối 10 với 11 lớp trong trường, mỗi lớp lại được giao nghiên cứu tìm hiểu một loại hình âm nhạc dân tộc khác nhau như: Quan họ Bắc Ninh, Đờn ca tài tử, Nhã nhạc cung đình Huế… “Không chỉ giới thiệu đến học sinh các loại hình âm nhạc dân tộc. Quan trọng nhất là truyền cho các em niềm yêu thích, ý thức giữ gìn, trân trọng những giá trị truyền thống đang bị phai nhòa, lan tỏa những sản phẩm văn hóa đến học sinh toàn trường”, cô Thu Hiền nhấn mạnh.

Cô Vũ Thị Bích Thúy (Trưởng bộ môn giáo dục công dân Trường THPT Bùi Thị Xuân) nhận xét: “Giáo dục công dân là bộ môn luôn khiến học sinh nhàm chán bởi những kiến thức khô khan, nhiều khi là bác học, nếu chỉ dừng lại việc giảng dạy truyền thống thì các em sẽ rất dễ chán. Những tiết học như thế này vừa có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, vừa giúp phát huy hết khả năng của học sinh, lại khiến các em hứng thú. Tuy nhiên, đòi hỏi yêu cầu cao với giáo viên và học sinh”.

Theo ông Bùi Anh Tôn (chuyên viên bộ môn âm nhạc, Sở GD-ĐT TP.HCM), đây là tiết học giáo dục công dân theo phương pháp STEAM đầu tiên. STEAM nghĩa là STEM thêm yếu tố ART (nghệ thuật). “Tiết học giúp khai thác thế mạnh của giáo viên và học sinh. Vừa tích hợp liên môn, vừa dạy học theo dự án lại khiến học sinh thích thú sáng tạo. Dù mất nhiều thời gian để thực hiện nhưng các em lĩnh hội được kiến thức của bộ môn và hiểu hơn về giá trị của âm nhạc dân tộc”.

Yến Hoa