Thứ năm, 27/4/2017, 20h38

Âm vang “Hào khí Việt Nam”

Trong thời khắc cả nước đang chuẩn bị kỷ niệm 42 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975/  30-4-2017), buổi sinh hoạt chuyên đề “Hào khí Việt Nam” như bồi đắp thêm lòng tự hào của thầy và trò Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP.HCM) về những trang sử hào hùng, về truyền thống văn hóa dân tộc trải qua 4.000 năm dựng nước và giữ nước của ông cha ta.

Biểu diễn trích đoạn “Thái hậu Dương Vân Nga” cho học sinh xem

“Sống lại” những trang sử vàng

Người làm “sống lại” quá khứ lịch sử hào hùng ấy chính là Câu lạc bộ “Giá trị truyền thống Việt”. Diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang cũng chính là người đã làm “tái hiện” khung cảnh lịch sử qua bài nói chuyện thu hút và hàng loạt trích đoạn tuồng cổ minh họa đầy hào khí về văn hóa dân tộc, về những anh hùng cứu nước tận trung, tận hiếu với nước non. Trải qua chiều dài lịch sử hơn 4.000 năm dựng nước và giữ nước, trong suốt ngần ấy thời gian, nhất là vào thời kỳ Hùng Vương đã “khai sinh” rất nhiều phong tục tập quán đáng để tự hào. Tự hào với truyền thuyết con rồng cháu tiên, tự hào về nền tảng của nền văn hóa nông nghiệp lúa nước, lễ hội cầu mùa, lễ hội cúng đình kỳ yên, nghi lễ trầu cau trong đám cưới, truyền thống tôn sư trọng đạo, phong tục trang trí bàn thờ ngày Tết… cho tới bây giờ vẫn còn tồn tại.

Không chỉ tự hào về những nét văn hóa độc đáo, hào khí của ông Thánh Gióng đánh giặc Ân với cây tre làm vũ khí đã trở thành niềm kiêu hãnh dân tộc ta từ lâu đời. Giữa đường chinh chiến cây roi sắt bị gãy, ông đã nhổ cây tre để đánh giặc. Tại sao với sức mạnh của thần thánh, ông không nhổ cây tùng, cây bách, mà lại nhổ cây tre. Là vì khi đã mọc lên khỏi mặt đất một thời gian, cây sẽ “cúi đầu”. Hình tượng này chính là tượng trưng cho tính khiêm cung của con người Việt Nam. Khiêm cung có nghĩa là cốt cách của con người từ tốn, là thái độ kính trọng người lớn tuổi hơn mình. Cây tre có lóng, có tuyết cũng là tượng trưng cho con người có mực thước. Tuy ruột rỗng nhưng cây không thể nào bị bẻ gãy ngang thân, là tượng trưng cho tính khí kiên cường. Cây tre cũng có tính kế thừa “tre già măng mọc”. Đặc biệt, cây tre có tính đoàn kết qua đặc tính tre mọc cả bụi. Qua hình ảnh cây tre mộc mạc, ông Thánh Gióng muốn dạy cho chúng ta, muốn giữ được đất nước này, thì mỗi thành viên, mỗi con người Việt Nam phải sống đoàn kết, sống có ích, biết giữ phẩm hạnh và sống kiên trung trong mọi hoàn cảnh.

Từ cảm nhận về một chương trình mang lại giá trị văn hóa, giá trị lịch sử sâu sắc và cao quý cho các em học sinh, thầy Huỳnh Thanh Phú (Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du) khẳng định: “Trong không khí phấn khởi chào mừng những ngày tháng kỷ niệm của lịch sử dân tộc, thông qua chương trình “Hào khí Việt Nam”, thầy mong các em cũng ý thức được giá trị văn hóa từ các tác phẩm nghệ thuật. Và trên hết, các em thấy được hào khí của cha ông, của lịch sử dân tộc mình. Từ đó giúp các em yêu thích hơn môn lịch sử, cũng như yêu mến hơn giá trị truyền thống, đạo lý của dân tộc ta”.

Trải qua nhiều giai đoạn chinh chiến, đỉnh cao của niềm tự hào nước Nam là sự kiện vào năm 968, Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước và lập ra tước đế cho riêng mình gọi là Đinh Tiên Hoàng Đế (vị hoàng đế đầu tiên của nước Nam). Đặc biệt trong thời kỳ này, ông cha ta đã thiết kế ra một loại trang phục cho hoàng đế là áo long cổn và mũ bình thiên. Áo long cổn được thiết kế tinh tế với các họa tiết độc đáo gồm có mặt trời, mặt trăng, vì sao (sao thìn tượng trưng cho sao rồng), chim trĩ (vật báu trừ tà), con rồng, núi, cây cỏ, lửa, hạt gạo, cốc tế… Tất cả các chi tiết này phản ánh sự nhận thức về vũ trụ về triết lý âm dương, về sự hòa hợp giữa đất trời và con người. Bên cạnh áo long cổn, trang phục của hoàng đế còn có mũ bình thiên (mũ miện trong các phim cổ trang). Mũ bình thiên có châu ngọc rũ xuống với 12 lưu ngọc tượng trưng cho 12 tháng trong một năm. Một lưu ngọc có 12 viên, tượng trưng cho 12 múi giờ trong một ngày (ngày xưa chia ra thành giờ tý, sửu, dần, mão, thìn, tỵ, ngọ, mùi, thân, dậu, tuất, hợi). Theo đó, lưu ngọc phía trước mũ bình thiên là tượng trưng cho ngày tháng của tương lai, lưu ngọc phía sau là ngày tháng của quá khứ. Khi hoàng đế đội chiếc mũ này lên, xưng mình là Kim Thượng (kim là hiện tại, thượng là đấng tối cao), nghĩa là người dẫn quá khứ của đất nước đưa đến bờ bến tương lai tốt đẹp. Cho nên, người Việt đã rất tự hào trang phục mà Đinh Tiên Hoàng Đế đã mặc lên để tuyên xưng thành một nước độc lập, tự chủ.

“Thổi hồn” cho trang sử hôm nay

Đó là cảm nhận của hơn 1.000 học sinh Trường THPT Nguyễn Du sau 130 phút tham dự chương trình “Hào khí Việt Nam”. Em Nguyễn Việt Huy (học sinh lớp 11B9) xúc động bày tỏ: “Hôm nay em được “nhìn thấy” và hiểu rất nhiều về quá khứ hào hùng của dân tộc. Nhờ vậy mà học sinh chúng em được sống trong hòa bình, no ấm và được học hành như hôm nay. Sự kiên cường của cha ông cũng là bài học thúc giục người trẻ không được lùi bước trước khó khăn, không được đầu hàng dù lâm vào hoàn cảnh nào. Có như vậy mới có thể đạt được mục tiêu của bản thân và góp phần xây dựng đất nước trong tương lai”.

Theo Việt Huy, buổi sinh hoạt này đối với em thú vị đến nỗi “muốn đưa chương trình sân khấu hóa này vào môn học lịch sử của lớp em. Em thật lòng muốn được câu lạc bộ hướng dẫn cách sắm vai và tái hiện khung cảnh sự kiện lịch sử ngay trong giờ học. Được như vậy môn lịch sử sẽ rất hấp dẫn và hiệu quả”. Huy nói, bên cạnh những clip về các trận đánh lịch sử mà cô giáo đã minh họa trong các giờ học, thì các trích đoạn minh họa tại buổi sinh hoạt cho em như thấy được các sự kiện lịch sử đang diễn ra trước mắt mình. Cùng cảm nhận như Huy, em Đoàn Bích Phượng (lớp 12A2) mong muốn nhà trường sớm áp dụng mô hình này vào trong giảng dạy, vì hình thức nghệ thuật này sẽ giúp cho việc học môn lịch sử, thậm chí việc thi THPT quốc gia của học sinh sẽ trở nên nhẹ nhàng và đạt kết quả tốt.

Bài, ảnh: Bích Vân