Thứ năm, 23/3/2017, 15h54

Ấn Độ bỏ lệnh cấm nhập khẩu 6 mặt hàng nông sản của Việt Nam

Ngày 22-3, Bộ Công thương cho biết, Ấn Độ đã chính thức bỏ lệnh cấm nhập khẩu 6 mặt hàng nông sản của Việt Nam sau khi có lệnh tạm cấm vào đầu tháng 3-2017.

Cụ thể, 6 mặt hàng nông sản của Việt Nam gồm: hạt cà phê, tre và tăm tre, tiêu đen, quế, đậu và thanh long. Trước đó, Đại sứ quán Ấn Độ tại Hà Nội cho biết, cơ quan quản lý chuyên ngành của Việt Nam đã có thư ngày 20-3-2017 gửi phía Ấn Độ về hoạt động phối hợp rà soát và thông báo bãi bỏ quyết định tạm cấm nhập khẩu một số mặt hàng nông sản từ Ấn Độ vào Việt Nam.

Bộ Công thương cũng vừa ban hành quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời đối với một số mặt hàng thép hình chữ H nhập khẩu vào Việt Nam, có xuất xứ từ Trung Quốc, được áp dụng dưới hình thức thuế nhập khẩu bổ sung, mức cao nhất là 36,33% và thấp nhất là 21,18%. Quyết định được đưa ra sau quá trình điều tra đơn của Công ty TNHH Posco SS Vina cáo buộc mặt hàng thép hình chữ H bán phá giá. Kết luận của cơ quan điều tra nêu rõ: Có hiện tượng bán phá giá hàng hóa bị điều tra vào thị trường Việt Nam từ Trung Quốc và sự hình thành của ngành sản xuất trong nước đã bị cản trở đáng kể do hàng hóa nhập khẩu bị điều tra bán phá giá.

Thu hoạch hồ tiêu ở huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước

Ngày 22-3, Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) đã có thông tin về việc Việt Nam nhập khẩu thịt từ Brazil sau khi Thương vụ Việt Nam tại Brazil cảnh báo nguồn thịt xuất khẩu từ Brazil sang 150 nước (trong đó có Việt Nam) đang dính bê bối lịch sử về an toàn thực phẩm và nghi án hối lộ, đề nghị cơ quan chức năng trong nước kiểm soát chặt nguồn thực phẩm nhập khẩu từ Brazil.

Theo số liệu của Thương vụ Việt Nam tại Brazil, trong hai tháng đầu năm 2017, Việt Nam đã nhập thịt và các sản phẩm thịt từ Brazil trị giá 12,8 triệu USD, chiếm khoảng 7% tổng kim ngạch xuất khẩu của Brazil sang Việt Nam. Trong khi đó, cảnh sát Brazil vừa ra thông báo mở cuộc điều tra vụ việc được cho là bê bối lớn nhất trong lịch sử ngành nông nghiệp, sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm thịt của nước này khi có cáo buộc nhiều công ty ở Brazil đã hối lộ các quan chức Brazil để được phép lưu thông và xuất khẩu các sản phẩm thịt nhiễm bẩn. Cảnh sát đã phát ra hàng trăm giấy gọi trình diện trước tòa án, trong đó có 30 lệnh bắt giam. Cuộc điều tra được mô tả là lớn nhất trong lịch sử hoạt động phòng chống tội phạm của cảnh sát Brazil. Nhiều sản phẩm thịt bẩn và xúc xích của các công ty bị cáo buộc có các thành phần không đảm bảo vệ sinh, và để làm mất mùi hôi, các công ty này đã sử dụng các loại axít không được phép dùng trong thực phẩm.

Thông tin từ Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) lại khẳng định, từ đầu năm 2017 đến nay, Việt Nam chỉ nhập khẩu khoảng 3.000 tấn thịt và sản phẩm thịt từ Brazil và lượng thịt nhập khẩu này chỉ là rất nhỏ so với tổng số gần 6 triệu tấn thịt từ Brazil xuất khẩu hàng năm tới các nước trên thế giới. Tất cả các lô hàng thịt nhập khẩu từ Brazil vào Việt Nam đều được lưu giữ tại khu vực cảng nhập, sau đó các cơ quan thú y cửa khẩu tổ chức kiểm soát chặt chẽ, lấy mẫu xét nghiệm từng lô hàng, nếu kết quả xét nghiệm bảo đảm an toàn thực phẩm mới được phép nhập khẩu.

Ngay sau khi có thông tin về việc phát hiện một số nhà máy sản xuất thịt của Brazil sử dụng chất có nguy cơ mất an toàn thực phẩm, Cục Thú y đã chỉ đạo các cơ quan thú y cửa khẩu tăng cường kiểm soát thịt gia súc, gia cầm nhập khẩu từ nước này. Cục Thú y cũng đề nghị Bộ NN-PTNT xem xét tạm ngừng nhập khẩu thịt từ Brazil có nguồn gốc từ các nhà máy có nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

VĂN PHÚC (SGGP)