Thứ tư, 14/10/2015, 11h15

Ảo thuật Việt đang “tự bơi”

Chú hề Su Su đang làm trò cho các cháu thiếu nhi nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi 2015 tại Gò Vấp

Là loại hình nghệ thuật trình diễn biến hóa, ảo thuật luôn đem lại sự bất ngờ và hấp dẫn cho người xem. Tuy nhiên, chưa bao giờ ảo thuật được coi là một bộ môn chính thống nên thực sự vẫn gặp những khó khăn trong quá trình tồn tại và phát triển.

Vất vả tìm đường sống

Nghệ sĩ Nguyễn Phi Sơn - Trưởng đoàn xiếc Bầu trời xanh (Nhà hát nghệ thuật Phương Nam) cho biết: “Mỗi tiết mục ảo thuật muốn thành công phải đem lại sự bất ngờ cho khán giả, đặc biệt là những tiếng cười và sự trầm trồ ngưỡng vọng. Vì thế, người nghệ sĩ trước hết phải khéo léo trong quá trình biểu diễn theo kiểu “nhanh tay nhanh mắt” để đánh lừa thị giác khán giả. Càng đánh lừa được nhiều thì tiết mục lại càng hấp dẫn và huyền bí”. Nghệ sĩ ảo thuật Hoàng Dũng thì tiết lộ: “Để có những tiết mục gây hưng phấn cho người xem, nghệ sĩ ảo thuật vừa khéo léo trong khi biểu diễn lại vừa có kỹ xảo và biết cách hấp dẫn khán giả. Mỗi tiết mục phải bỏ ra rất nhiều công tập luyện dù diễn trên sân khấu chỉ vài phút”. Cũng theo anh Dũng, công tác chuẩn bị rất quan trọng nhất là khâu đạo cụ và người phụ diễn. Có tiết mục chỉ vì thiếu một chiếc đũa hay một chiếc khăn tay mà phải hủy toàn bộ. Vì thế đòi hỏi ảo thuật gia phải là người có đức tính cẩn thận, kỹ lưỡng ở mọi khâu. Một nguyên tắc khác của các ảo thuật gia là không cho người khác biết khâu chuẩn bị của mình. Có thể coi đó là “bí quyết gia truyền” không hé lộ bằng bất cứ giá nào. Cũng vì coi trọng yếu tố bất ngờ nên ảo thuật gia không bao giờ cho biết trước kết quả màn trình diễn. Để tăng sự hấp dẫn đôi khi còn phải tìm cách đánh lạc hướng khán giả. Càng “lừa” giỏi bao nhiêu thì tiết mục càng hay bấy nhiêu. Đó là những bài học đầu tiên cho những ai khi đến với bộ môn nghệ thuật này.

Tuy nhiên, theo nghệ sĩ Hoàng Dũng, điều kiện trước hết là người nghệ sĩ phải có lòng đam mê với nghề. Chính lòng đam mê đã giúp nhiều nghệ sĩ như Lê Văn Quý, Mạc Can, Z26, Cao Long, J,  Alika 3, Nguyễn Phương… trở thành các ảo thuật gia nổi tiếng sau một thời gian khổ luyện thành tài.

Thiếu trường lớp chính quy, bài bản

Đây chính là khó khăn đầu tiên mà các nghệ sĩ ảo thuật đang hành nghề. Hầu hết các khoản tiền thù lao đều dành cho việc mua sắm đạo cụ và những trang thiết bị đắt tiền để hành nghề. Có nhiều nghệ sĩ bám trụ được với nghề là do sự hỗ trợ của gia đình. Nghệ sĩ ảo thuật tự do Huy M. Sau 5 năm đeo đuổi với nghề đành phải “dứt áo ra đi” vì không còn đủ tiền để tự trang trải nữa.

Nghệ sĩ ảo thuật tự do Hoàng Dũng đang tập tiết mục mới

Nghệ sĩ ảo thuật Quốc Thịnh (nghệ danh Chú hề Su Su) tâm sự: “Một show diễn khoảng trên 10 tiết mục tập luyện mấy năm trời  nhưng tiền cát-sê chỉ 5, 6 trăm ngàn trong lúc có rất nhiều khoản chi phí”.

Để tạo sự hấp dẫn cho show diễn, ngoài những tiết mục định hình cho thương hiệu, các nghệ sĩ phải biết tìm tòi sáng tạo để cho ra đời những tiết mục mới lạ hấp dẫn hơn. Có như vậy, mới thu hút được khán giả để tồn tại với nghề. Các ảo thuật gia thành đạt chủ yếu đi theo con đường tự học thông qua các “lò” đào tạo tự phát của tư nhân chứ không có một trường lớp chính quy đào tạo, cho nên chỉ biết phó mặc cho giáo viên, thầy dạy sao thì biết vậy. Đa phần đệ tử “tự bơi” và sau khi ra trường thì tự tìm đất sống không có sự dìu dắt nào của người đi trước. Trong lúc đó các bộ môn nghệ thuật khác như ca nhạc, điện ảnh, múa, kịch… đều có trường lớp đào tạo chính quy nghiêm túc. Đây là thiệt thòi lớn nhất mà các “thần dân” ảo thuật phải chịu “thiệt đơn thiệt kép”.

Theo nghệ sĩ Phi Sơn, hiện nay ảo thuật vẫn còn thiếu đất diễn, không phải chương trình nào cũng có bộ môn nghệ thuật đặc biệt này. Trong các chương trình nghệ thuật tổng hợp, các tiết mục ảo thuật thường không có trong danh mục biểu diễn chính thức mà chỉ là chút “gia vị” để làm thay đổi không khí của đêm diễn mà thôi. Theo nghệ sĩ Hoàng Dũng, thì hầu hết các ảo thuật gia hiện nay chủ yếu biểu diễn ở các hội nghị, câu lạc bộ, liên hoan họp mặt… với các tiết mục nhỏ lẻ, đơn giản. Nếu trước đây các tiết mục ảo thuật đường phố như sơn đông mãi võ có mặt khắp nơi thì nay đã bị mai một.

Bài, ảnh: Quang Phan

Nghệ sĩ Phi Sơn cho biết: “Ảo thuật là bộ môn nghệ thuật được các em thiếu nhi đón nhận và yêu thích. Tuy nhiên, các nghệ sĩ ảo thuật vẫn chưa tìm cách đem ảo thuật đến với các khán giả nhí trong các trường học để giúp các em có thêm những phút giây thư giãn sau những giờ học tập căng thẳng, mệt mỏi. Điều này phải có sự quan tâm, cả trách nhiệm của các cấp và các ngành”.