Thứ sáu, 28/3/2014, 16h03

“Áo xanh” chọn nghề vừa sức

HV Ngô Thanh Bình (lớp 12B2) hiện đang làm việc ở Công ty May Nhà Bè đặt câu hỏi với Ban tư vấn
Tan ca, nhiều bạn công nhân vội vã trở về nhà cởi chiếc áo xanh và khoác lên mình áo trắng học trò để đến Trung tâm GDTX Q.7 lắng nghe tư vấn về cách chọn nghề trong chương trình hướng nghiệp “Chọn nghề - Bước kế tiếp cho tương lai” do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức tối ngày 24-3.
Dám ước mơ
Gia cảnh khó khăn khiến nhiều HV phải nghỉ học để đi làm phụ giúp gia đình. Vậy nhưng, họ chưa bao giờ dập tắt ước mơ được đến trường, được vào ĐH, CĐ hay đơn giản là TCCN để có cái nghề vững chắc trong tay. Và ước mơ này càng có thêm động lực khi họ đi làm, trải nghiệm thực tế và thấu hiểu được những khó khăn vất vả của người lao động không có tay nghề. Vì vậy, có những HV nghỉ học 4-5 năm, thậm chí có HV nghỉ học cả chục năm cũng quay lại trường học văn hóa.
HV Dương Văn Thành (lớp 11B1, 26 tuổi) hiện đang làm ở Công ty May Nhà Bè, đã nghỉ học hơn chục năm nhưng vẫn luôn ấp ủ ước mơ được đến trường. Thành làm việc ở bộ phận nhà kho, ngày làm 8 tiếng, tan ca lúc 17 giờ 30 thì trước 18 giờ 15 Thành đã có mặt ở Trung tâm GDTX Q.7 để bắt đầu buổi học tối. Thành chia sẻ: “Dù đi làm đã lâu nhưng công việc của tôi là trông coi nhà kho. Do đó tôi muốn có một công việc ổn định hơn. Tôi tranh thủ đến trung tâm sớm để nhờ các thầy cô tư vấn nên chọn thi ngành nào và liệu tôi có đủ sức thi ĐH hay không?”.
Làm chung công ty với Thành, HV Ngô Thanh Bình (lớp 12B2, 27 tuổi) cũng cho biết: “Gia đình tôi rất khó khăn, nhà lại đông anh em nên việc học của tôi bị gián đoạn mất 10 năm. Tôi đã chọn được nghề mình yêu thích và nghe nói trong chương trình này có trường đào tạo nghề này nên đến đây để hỏi thêm một số thông tin”.
“Bạn bè ai cũng học hành đến nơi đến chốn, riêng tôi vừa xong THCS đã nghỉ học đi làm. Khi đã có một ít vốn tôi quay lại trung tâm GDTX để học văn hóa. Tôi rất thích ngành thiết kế thời trang nên đến đây để tìm hiểu xem nghề này cần có những tố chất gì”, HV Trần Thị Kim Ngân (lớp 12B2, 24 tuổi) cho hay.
Trong khi đó, HV Phạm Đức Thọ (lớp 10B1, 20 tuổi) tâm sự: “Tối đi học, ban ngày tôi làm đủ mọi nghề, khi thì phụ hồ, khi lắp cửa nhựa cho các chung cư… trung bình mỗi ngày thu nhập từ 120-180 ngàn đồng. Tôi không có bằng cấp, tay nghề cũng không nên làm việc cực lắm, lương lại thấp nữa. Vì vậy, tôi đến đây để biết ngành nào cần nhiều lao động trong tương lai, từ đó xác định cho mình khối thi, trường thi để học tập một cách nghiêm túc hơn”.
Sẵn sàng đi đường vòng
Rất muốn vào ĐH nhưng biết sức học còn yếu nên nhiều HV khẳng định sẽ học TCCN rồi mới vào ĐH bằng con đường liên thông dù thời gian bỏ ra sẽ dài hơn.
HV Ngô Thanh Bình (lớp 12B2) phân vân: “Tôi muốn làm y sĩ. Tôi được biết ngành này có đào tạo ở Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, vậy tôi học TCCN rồi liên thông lên ĐH được không?”. Với câu hỏi này, ThS. Nguyễn Việt Khoa (Phó trưởng phòng Thanh tra giáo dục và quản lý HS-SV, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành) cho biết: “Ngành y sĩ ở Trường ĐH Nguyễn Tất Thành chỉ đào tạo bậc TCCN. Hiện trường chưa đào tạo bậc ĐH cho ngành này nên nếu em muốn có bằng cấp cao hơn thì có thể học liên thông ở Trường ĐH Y dược TP.HCM”.
Nhiều HV cho biết phải đi làm để có tiền trang trải cho cuộc sống, vì vậy, dù rất muốn vào ĐH nhưng lại sợ không có thời gian đi làm. Về vấn đề này, ThS. Lê Dũng (Trưởng khoa CĐ thực hành, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) cho hay: “Hiện nay, trên địa bàn TP.HCM có rất nhiều trường ĐH, CĐ và TCCN đào tạo bậc TCCN, TC nghề… vào buổi tối nên em có thể lựa chọn. Sau khi học xong những bậc này, em có thể học liên thông ĐH vào các buổi tối và ban ngày vẫn có thời gian đi làm. Chẳng hạn, ở Trường ĐH Công nghệ TP.HCM có tuyển sinh bậc TCCN và CĐ nghề, hai bậc này các em chỉ nộp hồ sơ xét tuyển chứ không thi tuyển và có thể chọn cho mình thời gian học buổi tối. Học sinh học xong lớp 12 nhưng chưa đậu tốt nghiệp vẫn được xét tuyển vào học TCCN ở trường với thời gian là 18 tháng học nghề và 3 tháng học bổ túc văn hóa”.
Các chuyên gia tư vấn cho rằng ĐH không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công, có nhiều tỷ phú ở Việt Nam cũng như trên thế giới đã bước ra từ trường nghề. “Ai cũng có ước mơ, ai cũng có đam mê nhưng khi chọn ngành, các em cần xác định năng lực của mình ở mức độ nào để chọn trường phù hợp. Học ĐH rất tốt nhưng nếu không đủ năng lực, các em nên lựa chọn những con đường khác như TCCN, CĐ nghề bởi dù học ở đâu nhưng nếu cố gắng, có đam mê chắc chắn các em sẽ thành công”, ThS. Nguyễn Huy (Giám đốc hệ thống đào tạo lập trình viên quốc tế Aprotrain Aptech) khẳng định.
Bài, ảnh: Dương Bình
“Hầu hết HV học buổi tối là những em vừa làm vừa học. Tất cả đã trải nghiệm cuộc sống, thấu hiểu khó khăn của người lao động không có bằng cấp, không có tay nghề nên khi đến trường các em học tập rất nghiêm túc, chăm chỉ”, thầy Vũ Ngọc Hùng (Giám đốc Trung tâm GDTX Q.7) cho biết.