Thứ ba, 5/1/2016, 22h19

Áp dụng Thông tư 32: Không lo giảng viên thất nghiệp

Thông tư 32 của Bộ GD-ĐT về tiêu chí xác định chỉ tiêu tuyển sinh vừa ban hành đang nhận được sự quan tâm của dư luận. Còn với các trường, lần đầu tiên bị “đụng vào nồi cơm” chính nên cũng bắt đầu thấy băn khoăn, lo lắng. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng giáo dục ĐH, việc đầu tiên phải làm không thể không khống chế chỉ tiêu tuyển sinh.

Giờ học của thầy - trò ngành ngân hàng Trường ĐH Mở TP.HCM. Ảnh: AK

“Bắt bài” thông tư của bộ

TS. Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị ĐH FPT cho biết qua Thông tư 32, Bộ GD-ĐT chuyển tải ba thông điệp. Thứ nhất, để phát triển bền vững, các trường cần có đủ giảng viên cơ hữu và có đủ cơ sở vật chất của riêng mình. Thông điệp thứ hai là sẽ tiếp tục đẩy mạnh lộ trình tự chủ - trong đó có tự chủ tuyển sinh cho các trường ĐH, và khi đó hành lang pháp lý sẽ được quy định rõ hơn, chặt chẽ hơn. Thứ ba là các trường ĐH cần tập trung vào nhiệm vụ chính của mình theo quy định của các luật mới. Ông Tùng cũng cho rằng, phần lớn trường ĐH công hiện nay đang thu học phí dưới mức chi phí đào tạo và được “bù giá” bằng ngân sách Nhà nước. Chi hàng năm từ ngân sách chẳng hạn đủ bù cho 10 ngàn sinh viên. Nếu trường “tự chủ” đào tạo 20 ngàn sinh viên thì nguồn ngân sách vẫn thế, thay cho chia cho 10 ngàn sinh viên sẽ phải chia cho 20 ngàn sinh viên, dẫn đến chi phí đào tạo trên đầu sinh viên sẽ giảm đi, kéo theo chất lượng đi xuống. Ông Tùng cũng cho rằng, nếu được, nên bỏ khống chế quy mô đào tạo tối đa cho các trường tự chủ tài chính. Ngược lại, sẽ không để các trường công hiện đang nhận ngân sách hàng năm dạy trái ngành. Đồng thời, theo ông, nên  từng bước chấm dứt loại hình dạy tại chức (vừa làm vừa học) - một loại hình đào tạo ĐH chạy theo bằng cấp, chất lượng thấp. Thậm chí, trường công nào chưa tự chủ được, thì sẽ giữ nguyên nguồn chi ngân sách nhưng giảm quy mô đào tạo mỗi năm 5% - việc này tạo điều kiện nâng mức chi cho mỗi sinh viên lên, cũng giúp tạo thêm đầu vào chất lượng tốt hơn cho các trường khác.

Về Thông tư 32, TS. Lê Viết Khuyến, nguyên Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục ĐH (Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam) cho rằng Thông tư 32 đã ban hành thì dù các trường đã vượt khung 15.000 sinh viên chính quy trước khi có quy định này vẫn phải được áp dụng ngang bằng và bình đẳng như các trường khác, nếu không sẽ không được tuyển sinh. “Nếu đã đặt ra rồi thì phải bắt tất cả những trường ĐH trước đây áp dụng (18 trường vượt quy mô sinh viên), chứ không có chuyện trường trước đây nơi áp dụng, nơi không áp dụng Thông tư 32. Còn nếu không áp dụng, thì đã đặt ra cơ chế xin - cho. Tại sao những trường “nhỡ” vượt rồi thì thôi hoặc không áp dụng ngay?”, ông Khuyến nhấn mạnh.

Không lo giảng viên thất nghiệp

Liên quan đến vấn đề giảng viên sẽ thất nghiệp nếu thực hiện theo Thông tư 32, TS. Lê Viết Khuyến cho rằng việc này không đáng lo ngại, có thể đối với những giảng viên bị ảnh hưởng sẽ chuyển sang làm những công việc khác như hoạt động nghiên cứu, hoặc có thể cắt giảm số lượng sinh viên/giảng viên để nâng cao chất lượng đào tạo. Điều đó có thể là tốt lên. Còn TS. Lê Trường Tùng thì khẳng định không đáng lo. Các ĐH quốc gia và các ĐH vùng hoặc mang tính chất vùng đã có quy định riêng. Trong hơn 200 trường ĐH còn lại chỉ có 8 trường có chỉ tiêu tuyển sinh ĐH chính quy từ 5 ngàn trở lên tương đương với quy mô trên 15 ngàn sinh viên. Trong danh sách này, 3 trường tư không có vấn đề lớn vì năm 2015 tuyển không đến con số này, và là trường tư nên dễ thích nghi. Ba trường khác thuộc Bộ Công thương thì cho tự chủ cũng không có vấn đề. Chỉ còn có hai trường ĐH bị ảnh hưởng là Học viện Nông nghiệp Việt Nam và ĐH Bách khoa Hà Nội. Với hai trường này chỉ cần bỏ đi các ngành trái nghề đang đào tạo là sẽ có số sinh viên trong quy mô dự kiến. Giảng viên ở đây nếu có dư ra thì tăng thêm cho việc mở rộng quy mô đào tạo trên ĐH, cho các hoạt động nghiên cứu, cho các xưởng sản xuất - công ty trong trường. Thông tư 32 cũng có lộ trình “một phần tư” để các trường tự điều chỉnh trong 4 năm: Mỗi năm cho phép tuyển một phần tư khả năng tối đa để thay đổi dần, không gây sốc. Cũng theo ông Tùng, nếu có thể sửa được thì Bộ GD-ĐT chưa nên áp dụng trần quy mô đào tạo cho các trường tự chủ tài chính, đồng thời mở rộng quy tắc “một phần tư” (chỉ tiêu tuyển sinh bằng một phần tư khả năng đào tạo tối đa khi trường không đủ giảng viên) mang tính bao trùm áp dụng cho cả cơ sở vật chất và hạn chế quy mô tối đa: Sau khi xác định quy mô tối đa của trường theo các tiêu chí giảng viên, cơ sở vật chất, quy mô trần, các trường xác định chỉ tiêu tuyển sinh sao cho hoặc tổng số sinh viên học tại trường không vượt quá quy mô tối đa của trường, hoặc số sinh viên tuyển mới không vượt quá một phần tư quy mô tối đa đó. Và thay “một phần tư” bằng “một phần ba” để tính đến việc sinh viên bỏ học trong quá trình.

Nghiêm Huê