Thứ năm, 30/6/2016, 14h40

Áp lực giải đề thi

Giữa buổi trưa nắng gắt, căn phòng nhỏ tập trung hàng chục người. Tiếng bút viết trên giấy sột soạt. Bỗng một người gay gắt: “Anh giải sai rồi!”.
Thí sinh xem gợi ý bài giải đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ đăng trên Báo Thanh Niên  /// Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Thí sinh xem gợi ý bài giải đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ đăng trên Báo Thanh NiênẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Giọng khác phản ứng: “Tôi giải đúng. Anh mới giải sai”. Cãi vã kịch liệt. Lập tức, 5 người khác phải bước vào bàn, lấy đề thi ra giải lại!
Đó là quang cảnh thường xuyên diễn ra của nhóm giải đề thi ở một trung tâm luyện thi gần 20 năm qua.
Khó cho cả giáo viên có kinh nghiệm
Thạc sĩ Phạm Hồng Danh nhớ lại: “Thời điểm đó, chúng tôi đang thực hiện công việc giải đề thi ngay sau khi thi để phát cho phụ huynh và học sinh. Năm 1999, dưới nhu cầu cần có gợi ý giải đề thi của phụ huynh và học sinh trong khi chờ đáp án chính thức của Bộ GD-ĐT, các tờ báo đề nghị nhóm làm việc này một cách chính thống”.
Lúc này, báo online chưa phát triển, nhiệm vụ của nhóm là giải đề thi một cách chính xác nhất để gửi cho các báo đăng vào sáng hôm sau. Nói thì đơn giản nhưng lúc đó công việc này cũng khá cực khổ. Mỗi trường thi một đề khác nhau, có nghĩa là phải giải rất nhiều dạng đề, từ dễ đến khó. Thông thường các báo chọn đề thi của những trường có thí sinh thi nhiều nhất trên cả nước. Mỗi lần giải xong, gợi ý giải đề được chép vào đĩa mềm (hình vuông) để đưa qua các báo.
Mỗi đề thi mang về sẽ được đánh máy lại để chuyển đi kèm theo lời giải. Cứ 3 người được phân công đánh máy một đề thi. Và đứng sau lưng lại có 3 người khác chỉ để làm nhiệm vụ dò lỗi.
Mỗi câu của đề thi phải đảm bảo được ít nhất 2 người giải để có sự phản biện. Khi hai người có bất đồng về lời giải, cả tổ của môn thi đó ngay lập tức được triệu tập để cùng giải. Đề thi ra càng ngày càng có những câu rất khó để phân loại thí sinh. Vì thế, có câu chính những giáo viên giải đề là thầy cô đã dạy luyện thi hàng chục năm, tiếp xúc không biết bao nhiêu dạng đề, phải mất đến 15 phút mới giải xong. Mà là nhiều người phối hợp giải cùng một lúc!
Nhanh nhưng không được sai
Không phải bao giờ việc giải đề cũng diễn ra suôn sẻ. 2 giờ sáng một ngày năm 2000, thạc sĩ Đặng Văn Thành, nguyên giảng viên môn hóa Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, thành viên nhóm giải đề vừa tham gia tổ ra đề của Bộ GD-ĐT được “thả” ra, về đến nhà. Bất ngờ ông nghe có tiếng gõ cửa. Người tìm đến trong trạng thái phờ phạc, đầu bù tóc rối là thạc sĩ Phạm Hồng Danh. Nhóm giải đề phát hiện ra một câu trong gợi ý giải đề môn hóa đã đưa cho các báo bị sai nên ông Thành lập tức bắt tay vào giải, rồi đưa đáp án cho ông Danh chuyển tới các báo giữa khuya để kịp in vào sáng hôm sau.
Càng ngày, áp lực thời gian đối với việc giải đề thi càng lớn. Internet phát triển quá nhanh nên ngoài yêu cầu giải đúng, giải càng nhanh càng tốt cũng là điều được đặc biệt coi trọng. Nhưng giải nhanh cũng đồng nghĩa với việc càng dễ xảy ra sai sót hơn. Có đề thi, nhóm giải đề gửi qua báo rồi phát hiện có lỗi sai, báo đi báo lại mấy lần đề sửa bản online và kịp thời có gợi ý trọn vẹn cho báo giấy ra vào ngày hôm sau. Tuy nhiên, cũng có lúc lỗi được phát hiện khi trang giải đề đã in xong. Các báo buộc phải in kèm một đính chính về lỗi sai này ở một trang khác!
Ông Trần Quang Phú, nguyên Tổ trưởng Tổ vật lý, Trường THPT Phú Nhuận (TP.HCM), kể có những lỗi sai nhỏ mà không ai nghĩ mình sai. Trong đầu có đúng cách giải, đúng đáp án, nhưng khi viết ra không hiểu sao lại bị lỗi. Cũng có khi giải đề xong, thấy ổn rồi, nhưng ra phía trước ngồi uống cà phê thư giãn, nói chuyện với đồng nghiệp lại “lòi” ra lỗi sai. Có năm còn xuất hiện lỗi buồn cười hơn. Lời giải viết 32 = 3, vậy mà 2 tiến sĩ, 2 thạc sĩ trong nhóm giải đề sau đó xem lại không ai phát hiện ra.
Đăng Nguyên/ TNO