Thứ bảy, 18/11/2017, 13h42

APEC, chuyện bây giờ mới kể: Nụ cười của các mật vụ

Đường lên rừng, xuống biển, đường thoát nạn, các cầu thang bộ, phòng ốc, rèm cửa, trần nhà, đường vòng quanh khu nghỉ dưỡng... tất cả đều được kiểm tra kỹ lưỡng, nhiều lần. 

 

APEC, chuyện bây giờ mới kể: 100 tỉ đồng cho… 3 tiếng đồng hồ

Mật vụ Mỹ hoạt động tại sự kiện
Mật vụ Mỹ hoạt động tại sự kiện
Hình ảnh Thủ tướng Canada chạy dọc kênh Nhiêu Lộc (TP.HCM), Thủ tướng Úc thoải mái ăn bánh mì vỉa hè tại Đà Nẵng, Thủ tướng VN và Nhật Bản cùng các phu nhân thư thái tản bộ ở Hội An... không chỉ cho thấy một VN yên bình còn cho thấy lực lượng an ninh trong nước đã hoàn thành rất tốt nhiệm vụ của mình.
Ngoài lực lượng chuyên nghiệp ít ai biết còn có đội ngũ an ninh của InterContinental Danang Sun Peninsula (InterContinental Đà Nẵng) cũng đã trải qua những ngày làm việc với cường độ cực cao và cực kỳ căng thẳng để góp phần đảm bảo an ninh cho buổi họp thượng đỉnh tại khu nghỉ dưỡng này.
Nơi nào được kiểm tra kỹ nhất ?
Nhiệm vụ của lực lượng an ninh tại InterContinental Đà Nẵng là tuần tra, canh gác, kiểm soát toàn bộ người và hàng hóa ra vào khu nghỉ dưỡng. Trước đó, danh sách các nhân viên làm việc trong dịp diễn ra Hội nghị APEC đã được InterContinental Đà Nẵng "lọc" và gửi cho Công an TP.Đà Nẵng và Bộ Tư lệnh Cảnh vệ 1 tháng trước khi hội nghị diễn ra. 2 đơn vị này rà soát lý lịch thêm một lần nữa rồi gửi tới công an phường để xác minh nhân thân từng người.
Tuy vậy, việc kiểm tra giám sát người và hàng vào khu nghỉ dưỡng vẫn vô cùng gắt gao bởi giai đoạn này lượng người vào InterContinental Đà Nẵng tăng đột biến do thi công thêm gần chục hạng mục công trình phục vụ APEC. 2 ngày cuối cùng, để bảo đảm an toàn, đội an ninh của InterContinental Đà Nẵng đã bố trí 1 bảo vệ phải "ốp" 2 công nhân để tránh tuyệt đối các sự cố có thể xảy ra. Khối lượng công việc tăng đột biến nhưng căng thẳng, áp lực nhất vẫn là làm việc với mật vụ, đặc vụ của 21 nền kinh tế thành viên APEC khi họ đến tiền trạm.
Anh Nguyễn Quang Trung, phụ trách an ninh của InterContinental Đà Nẵng, kể họ đến khảo sát rất nhiều lần, mỗi nước, vùng lãnh thổ lại có nhiều đoàn khác nhau tiền trạm về cơ sở vật chất, an ninh, đường đi lối lại... rất kỹ lưỡng. Nhưng "khó" hơn cả là đặc vụ, mật vụ của Mỹ và Nga. Mỗi lần đến họ đều "quần" cả ngày. Hỏi rất kỹ về trang thiết bị, kiểm tra độ an toàn, hệ thống PCCC, các lối thoát hiểm, phương án hành động khi có sự cố. Tỉ mỉ từng sợi dây điện; kiểm tra trần nhà có thể rơi xuống hay không; ghế ngồi, xe điện có đủ tiêu chuẩn...? Nhưng cái họ quan tâm hơn cả là tình huống sự cố. Nếu xảy ra sự cố thì thoát bằng đường nào? Nếu đường đó cũng có sự cố thì sao? Máy bay không đáp xuống chỗ này thì đáp xuống chỗ nào? Nếu thoát ra đường biển thì những điểm nào tàu thủy, tàu chiến có thể cập bến? Phải có 3 - 4 thậm chí 5 phương án dự phòng. "Mình phải giải trình được tất cả những vấn đề khi xảy ra sự cố, tình huống 1 thế nào, tình huống 2 làm sao. Khi cả 2 tình huống đó không thực hiện được thì xử lý thế nào. Rồi họ đặt ra tình huống nếu có bão táp, mất điện thì ứng phó ra sao... Mỗi tình huống khác nhau và phải có nhiều phương án dự phòng khác nhau. Nếu mình không trả lời được, coi như an ninh chưa bảo đảm và họ sẽ không chấp nhận", anh Trung kể.
Đường lên rừng, xuống biển, đường thoát nạn, các cầu thang bộ, phòng ốc, rèm cửa, trần nhà, đường vòng quanh khu nghỉ dưỡng... tất cả đều được kiểm tra kỹ lưỡng, nhiều lần. Thế nhưng nơi được quan tâm đặc biệt chính là nhà vệ sinh. "Mật vụ một số nước có thể bỏ qua phòng họp, phòng ăn... nhưng riêng nhà vệ sinh thì kiểm tra rất kỹ", anh Trung cho biết.
APEC, chuyện bây giờ mới kể: Nụ cười của các mật vụ1
Lực lượng mật vụ và cả an ninh của khu nghỉ dưỡng bảo vệ chặt chẽ các lãnh đạo. ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Từ những cái đầu lạnh
2 ngày cuối cùng trước khi phiên họp diễn ra, anh Trung và nhiều nhân viên an ninh đã đi bộ quanh khu nghỉ dưỡng "nhiều bằng cả 2 năm" bởi thời điểm này, mật vụ, đặc vụ, cận vệ, an ninh của nhiều nước thường trực luôn tại đây. Bắt đầu từ sáng sớm cho đến tối, thậm chí đến đêm là các chuyến kiểm tra, khảo sát liên miên. "Họ không chịu ghép đoàn. Nếu có ghép thì lúc sau cũng tách ra đi riêng thêm một lần nữa. Nước nào cũng đi riêng lẻ với những câu hỏi riêng, quan tâm riêng. Họ hỏi rất nhiều, rất chi tiết lại luôn đặt ra các tình huống xử lý nên đích thân tôi phải đi để trả lời họ", anh cho biết.
Cơ sở vật chất, hạ tầng của khu nghỉ dưỡng phải đạt tiêu chuẩn quốc tế, hoàn mỹ nhất, chất lượng nhất đồng thời phải bảo đảm được về mặt an ninh. Trong quá trình thi công, chúng tôi thường xuyên họp với tiểu ban vật chất hậu cần APEC, với Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng để đảm bảo sự hoàn hảo cho tất cả các hạng mục. Mọi nguyên vật liệu được nhập khẩu với tiêu chuẩn kỹ thuật cao nhất và được các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra chặt chẽ trong suốt quá trình thi công.
Ông Đặng Minh Trường, Tổng giám đốc Sun Group
1 ngày trước khi hội nghị diễn ra, tình hình càng trở nên căng thẳng. Lúc này, hầu hết các hạng mục đã hoàn thành và bàn giao lại cho Bộ Tư lệnh Cảnh vệ rà soát lần cuối. Sau đó, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ khóa toàn bộ khu phòng dành cho lãnh đạo "ngoại bất nhập". Ngay cả những người có thẻ APEC vào InterContinental Đà Nẵng cũng được giám sát kỹ lưỡng. Thế nhưng, mật vụ của nhiều nước vẫn cứ "đòi" vào kiểm tra. "Chúng tôi giải thích đó là khu vực hạn chế vì an ninh, bí mật quốc gia nhưng họ gây áp lực. Họ "dọa" gọi điện cho lãnh đạo của mình và họ làm thật. Rất may "sếp" tôi cũng phối hợp ăn ý, trả lời họ rằng tất cả các khu vực này giờ là của Chính phủ VN chứ không phải do khu nghỉ dưỡng quản lý nữa. Đến lúc đoàn xe của các lãnh đạo vào khu nghỉ dưỡng, tình thế lại càng nóng hơn. Theo quy trình, khi lãnh đạo các nền kinh tế xuống xe thì Cục Lễ tân sẽ đưa vào chỗ phòng chờ của các lãnh đạo. Cận vệ chỉ được đứng ngoài và đi một đường khác tới phòng chờ riêng. Khi ra công viên nguyên thủ, cận vệ cũng chỉ được đi theo một đoạn, đến chỗ chụp ảnh là tách riêng ra. Nhưng tất cả các cận vệ đều muốn và tìm mọi cách đi theo lãnh đạo của mình, còn nhiệm vụ an ninh VN là tách và dừng họ lại. 2 bên lại căng như dây đàn nhưng cuối cùng, họ vẫn phải chấp nhận.
"Rất nhiều thời điểm mật vụ của Mỹ, Nga yêu cầu những điều không thể. Họ giỏi và chuyên nghiệp nhưng chúng tôi luôn giữ cái đầu lạnh để bình tĩnh trả lời họ. Chúng tôi đều quán triệt, tất cả vì an ninh của phiên họp", người phụ trách an ninh của InterContinental Đà Nẵng nhận xét.
… đến nụ cười hiếm hoi
"Mật vụ nước nào là dễ tính nhất?" - "Không có nước nào dễ tính cả. Họ làm việc cực kỳ nghiêm túc. Luôn đi vào trọng tâm công việc và luôn rất căng thẳng". Đó là đoạn hội thoại giữa tôi và anh Nguyễn Quang Trung.
Đối với hầu hết mọi người, hình ảnh các mật vụ, đặc vụ nước ngoài cao lớn, mặt lạnh như tiền, lúc nào cũng nghiêm trọng. Nhưng dù hiếm hoi, nụ cười đã nở trên gương mặt lạnh lùng của họ trước khi rời khỏi InterContinental Đà Nẵng khi phiên họp kết thúc. "Họ đều ra bắt tay chúc mừng và cảm ơn chúng tôi. Họ cũng nói, những ngày qua họ làm có thể quá, nhưng đó là công việc. Đó là giây phút cực kỳ xúc động, cực kỳ hạnh phúc và thực sự nhẹ nhõm sau nhiều ngày căng thẳng", anh Trung nói.
Nụ cười đó đã xuất hiện gần 2 năm trước đó, khi người Mỹ tiền trạm và đưa thiết bị sang để thiết kế các góc nhìn đảm bảo an ninh cho Tổng thống Mỹ tại InterContinental Đà Nẵng. Tất cả đều ngẩn ngơ trước vẻ đẹp của thiên nhiên VN, của Sơn Trà và của khu nghỉ dưỡng. "Với tôi, thế là thành công rồi", người đứng đầu Sun Group tâm sự.
Nụ cười cũng nở trên gương mặt của hàng trăm con người của Sun Group tham gia phục vụ Hội nghị APEC dù họ đã trải qua 33 tiếng liên tục không ngủ. Tất cả vẫn rạng ngời niềm vui vì được góp phần vào thành công sự kiện trọng đại của đất nước.

Nguyên Hằng/TNO