Thứ ba, 8/12/2009, 09h12

Bà bầu bị cảm, uống gì?

Cảm mạo là bệnh không chừa một ai, kể cả các bà bầu - đối tượng rất kén thuốc. Một vài loại thuốc trị cảm rất an toàn cho thai phụ. Tuy nhiên có những thứ thuốc mà thai phụ cần tránh sử dụng.

Các bà bầu chờ khám thai tại Bệnh viện Nhân Dân Gia Định (TP.HCM) - Ảnh: Thanh Đạm
Đa số các loại thuốc trị cảm thường có tác dụng trị nhiều triệu chứng và trong mỗi loại thuốc chứa hai hoặc nhiều dược chất. Những thuốc phổ biến bao gồm các chất kháng histamin có tác dụng làm giảm bớt các triệu chứng dị ứng đồng thời gây ngủ. Ngoài ra các loại thuốc cảm mạo cũng gồm các chất có tác dụng chống ho, chống nghẹt mũi, giảm đau...
Những loại thuốc cảm có thể sử dụng trong thai kỳ
Những chất kháng histamin như chlorpheniramine, loratadine, doxylamine, brompheniramine, phenindamine, pheniramine, triprolidine, diphenhydramine được cho là có tần số rủi ro thấp với thai phụ. Tuy nhiên đây là những chất gây ngủ, nhất là doxylamine và diphenhydramine.
Chất guaifenesin làm loãng dịch nhầy trong đường hô hấp, nhờ đó những dịch nhầy này có thể dễ dàng được thải ra ngoài. Tuy nhiên có những nghiên cứu cho thấy thuốc này có thể gây thoát vị bẹn ở một số thai nhi.
Dược chất có tác dụng dập tắt những cơn ho là dextromethorphan gần đây cũng bị nhiều tai tiếng, do có nhiều nghiên cứu cho thấy chất này có thể gây khuyết tật ở phôi gà. Tuy nhiên nghiên cứu từ những thai phụ có sử dụng loại thuốc này lại không thấy xuất hiện rủi ro nào.
Chất giảm đau cục bộ là benzocaine thường được kết hợp với chất dextromethorphan để trị chứng viêm, sưng họng. Benzocaine không đi vào hệ mạch máu nên sẽ không gây hại cho bào thai.
Chất được xem là an toàn paracetamol nếu sử dụng đúng liều lượng có tác dụng hạ sốt, giảm đau tốt.
Thuốc trị cảm “khắc tinh” với bà bầu
Không có loại thuốc nào là an toàn tuyệt đối cho bà bầu. Đừng bao giờ uống quá liều thuốc được đề nghị. Nếu có thể, cố gắng không sử dụng bất cứ loại dược phẩm nào trong ba tháng đầu của thai kỳ vì đây là thời điểm bào thai dễ bị tổn thương nhất.
Thai phụ cần thuộc nằm lòng hai độc chất là pseudoephedrine và phenylephrine. Hai chất này đã được báo cáo là có thể gây khuyết tật cho thai nhi, nhất là trong 13 tuần đầu của thai kỳ. Tần số rủi ro sẽ cao hơn nếu thai phụ sử dụng thuốc lá.
Sau 13 tuần của thai kỳ, việc sử dụng hai loại thuốc này ở mức tối thiểu (mỗi ngày không quá hai lần, không được sử dụng quá hai ngày) thì tương đối an toàn. Nếu sử dụng nhiều hơn, có thể hạn chế lưu lượng máu đến nuôi nhau thai.
Cần lưu ý không được sử dụng các thuốc giảm đau như aspirine, ibuprofen, naproxen, sodium salicylate và các loại thuốc kháng viêm không seroidal. Trong tháng đầu tiên của thai kỳ, việc sử dụng những loại thuốc này có thể gây sẩy thai. Nếu đang là tháng thứ hai và thứ ba của thai kỳ có thể gây khuyết tật bào thai, nhất là những yếu tố có liên quan đến tim. Trong ba tháng cuối của thai kỳ, việc sử dụng những loại thuốc này có thể gây nhiễm độc cho đứa bé sắp chào đời. Sử dụng aspirine trong tuần cuối cùng của thai kỳ còn khiến thai phụ mất nhiều máu trong khi sinh nở.
Một số thuốc trị cảm được bào chế dưới dạng lỏng có nồng độ cồn cao (thường 4,75%). Thai phụ không được sử dụng những chế phẩm này. Nếu muốn sử dụng thuốc ở dạng lỏng cần tìm những chế phẩm có ghi nhãn không chứa cồn (alcohol free).
Tóm lại, thuốc có thể di chuyển từ mẹ sang con trong lúc mang thai. Thuốc an toàn cho thai phụ nhưng có thể sẽ rất nguy hiểm cho thai nhi. Nên trao đổi với bác sĩ trước khi sử dụng bất cứ loại thuốc nào, dù là thuốc được kê toa hay không cần kê toa, kể cả những thành phần được gọi là chất dinh dưỡng bổ sung.
DS NGUYỄN BÁ HUY CƯỜNG/TTO