Thứ tư, 22/2/2012, 16h02

Bạc Hạnh bày tỏ đức hạnh

Cháu của mụ Bạc Bà là Bạc Hạnh, mới nghe cái tên ấy thôi đã nghi ngờ, nhưng mụ quả quyết cháu mụ là người thật thà có một (trên đời không tìm được người thứ hai)! Cháu mụ lại chẳng ăn ở bạc bẽo, sai trái với ai bao giờ (đơn sai chẳng hề)!
Sau đây là hai việc nói rõ con người thật thà ấy. Việc thứ nhất, theo đề nghị của Thúy Kiều, Hạnh phải thề trước trời đất là không ăn ở bạc. Hắn ta liền thực thi một cách chu đáo. Xét một nhân vật, nhìn xem nhân vật ấy nói gì, làm gì. Đặc biệt cách làm, cánh hành động là tiêu chí để phân biệt nhân vật này với nhân vật kia.
Đây là cảnh nhà Bạc Hạnh chuẩn bị lễ thề thốt: Một nhà dọn dẹp linh đình/ Quét sân, đặt tráp, rửa bình, thắp hương. Không thấy cụ Nguyễn nói nhà Bạc Hạnh có ai, nhà hắn gian to gian nhỏ thế nào, cụ chỉ dùng hai chữ một nhà… tức là Bạc Hạnh đã dồn hết toàn lực vào việc dọn dẹp nhà cửa. Điều ấy cứ cho là có thành tâm. Nhưng đến câu 8 chữ, lạ ở chỗ có 4 chữ là động từ: Quét (quét sân), đặt (đặt tráp), rửa (rửa bình), thắp (thắp nhang). Bốn động từ dồn dập, liên tiếp, khẩn trương, hay nói đúng bản chất vấn đề là Bạc Hạnh đã làm mọi động tác chuẩn bị một cách vội vàng, mong cho xong việc.
Đây là việc Bạc Hạnh thề thốt: Bạc sinh quỳ xuống vội vàng/ Quá lời nguyện hết Thành hoàng, Thổ công. Sao lại quá lời? Nguyễn Du kỳ công ở hai từ ấy. Phải chăng hắn cho là việc thề thốt chỉ cốt cho thỏa mãn yêu câu của Thúy Kiều, chứ thề thế thề hơn thế đi nữa cũng chẳng có ma quỷ nào chứng giám. Cứ thề, thề tới đi, chẳng sao cả. Cho nên hắn nguyện hết (cầu nguyện tất cả) Thành hoàng. Ngày xưa nếu ở đô thị thì có đô Thành Hoàng, ở phủ có phủ Thành Hoàng, ở xã có xã Thành Hoàng. Vậy trong ba vị ấy hắn khấn vị nào? Chỉ là chuyện xô bồ, làm cho có chuyện.
Chắc cũng cần so sánh với Kim Vân Kiều Truyện. Thanh Tâm Tài Nhân có cho hắn thề thốt với một nội dung đáng ghi nhớ “Nếu Bạc Hạnh này phụ tình Vương Thúy Kiều không cùng nàng sum họp đến già thì cam chịu chết đâm chết chém”.
Nguyễn Du đã bỏ lời thề này, đấy là một dụng ý tinh tế. Đến đoạn Thúy Kiều báo oán, chúng tôi xin có lời bàn. Chỉ biết rằng Bạc Hạnh sau khi vội vàng thề thốt, hắn cũng làm đúng nghi lễ: Trong màn làm lễ tơ hồng kết duyên nhưng hình như hắn chẳng có bụng dạ nào hưởng thú vui đêm tân hôn. Bởi con thuyền đi xuôi miền Châu Thai đang chờ hắn. Nguyễn Du cũng không tốn bút mực để tả con thuyền và chuyến đi ấy. Bạc Hạnh đang gấp gáp! Cho nên câu trước tả chuyện xuống thuyền ra đi, câu sau đã đến bến. Thuyền vừa đỗ bến thảnh thơi/ Bạc sinh lên trước tìm nơi mọi ngày! Nơi mọi ngày là nơi nào? Thì ra đó cũng là nhà hành viện/ Cũng phường bán thịt cũng tay buôn người.
Thì ra cháu bà Bạc, thật thà hơn ai hết ấy, chỉ là tay tìm gái cho nhà đĩ: Mối hàng một đã ra 10 thì buông (không được gấp 10 chắc chắn Bạc Hạnh giữ chặt không chịu buông tay mối hàng ấy, trong nguyên truyện còn nói rõ Bạc Hạnh bán cho bà chủ chứa Lâm Truy là 240 lạng. Và, Thúy Kiều nói: “Lời gấp 10 rối đấy”).
Lược bỏ những chi tiết không cần thiết, cụ Nguyễn kết luận: Bạc đem mặt bạc kiếm đường cho xa. Cũng như Thúc sinh tên là Thúc Thủ, cụ Nguyễn viết: Mà chàng Thúc hóa ra người bó tay. Nguyễn Du lại khai thác triệt để mọi chi tiết kể cả nhân xưng, danh tánh.
Lê Xuân Lít