Thứ sáu, 7/5/2010, 08h05

Bậc mầm non: Bao giờ đủ trường, đủ lớp?

Các trường MN có chất lượng cần phải được tự hạch toán thu chi

Sáng 5-5, tại Trường Mầm non 19-5, Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng Nhân dân (HĐND) TP.HCM đã có buổi khảo sát “Việc thực hiện chính sách pháp luật về nhiệm vụ giáo dục và đào tạo” đối với bậc học mầm non…
Trường nào cũng quá tải
TP.HCM hiện có gần 700 trường mầm non (MN) - (cả công lập và dân lập, tư thục) và trên 800 nhóm trẻ gia đình (NTGĐ). Các cơ sở này đang nuôi dạy hơn 250 ngàn trẻ…
Từ năm 1996 đến nay, TP đã cải tạo lớn và xây dựng mới 157 trường MN. Riêng năm 2010, có 17 trường mới được đưa vào sử dụng. Cụ thể, Q.2, 4, 10, 12, Tân Phú, huyện Bình Chánh - mỗi địa phương 1 trường, Q.Tân Bình và Bình Tân - mỗi quận 2 trường; Q.Thủ Đức - 3 trường và Q.Phú Nhuận - 4 trường.
Mặc dù vậy ngành GDMN vẫn không đáp ứng hết nhu cầu gửi con của phụ huynh. Theo đó, phần lớn các trường MN công lập đều quá tải.
Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Trưởng phòng GDMN Sở GD-ĐT tâm tư: “Nếu giảm sĩ số ở trường công lập thì cháu sẽ phải chạy sang trường dân lập, tư thục và NTGĐ. Trong khi đó chất lượng ở các trường ngoài công lập, nhất là các NTGĐ không đảm bảo - không đủ giáo viên, không có sân chơi, phòng học chật chội… Vì vậy, các trường công lập phải gồng lên để nhận trẻ”.
Điển hình như Trường MN 19-5, đúng quy định thì trường chỉ nuôi dạy 700 cháu nhưng hiện nay sĩ số là 960 cháu/ 18 lớp - trung bình 53 cháu/ lớp. Và để đảm bảo chất lượng giáo dục, nhà trường đã phải tăng số giáo viên, bảo mẫu/ lớp. Thậm chí có lớp có tới 5 giáo viên và 1 bảo mẫu.
Chỉ thị 03 của UBND TP quy định mỗi xã, phường phải có ít nhất một trường MN công lập. Theo đó đã chỉ ra 15 phường, xã chưa có trường là P.5 - Q.4, P.8 - Q.6, P.11 - Q.11, P.Tân Sơn Nhì, Phú Thạnh và Hòa Thạnh - Q.Tân Phú, P.Bình Hưng Hòa A, Bình Hưng Hòa B - Q.Bình Tân, P.6, 11, 12 - Q.Gò Vấp, P.Linh Tây và Tam Phú - Q.Thủ Đức, P.13 - Q.Phú Nhuận và xã Xuân Thới Đông - H.Hóc Môn. UBND TP chỉ đạo các quận, huyện này tìm đất xây trường, còn kinh phí thì ngân sách cấp.
Đại diện Sở Kế hoạch & Đầu tư TP cho biết, ngoài Q.4 ra thì tất cả các quận, huyện khác đều đã được ghi vốn để xây trường. Nhưng theo bà Kim Thanh, Trưởng phòng GDMN thì tất cả những trường này… vẫn còn nằm trên giấy.
Ông Nguyễn Văn Minh, đại biểu HĐND TP cũng cho biết: “Khi khảo sát huyện Cần Giờ, Bình Chánh phát hiện nhiều xã chưa có trường MN công lập”…
Về vấn đề xây dựng trường lớp, bà Trần Thị Kim Thanh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP kiến nghị: “Sở GD-ĐT TP không thể tác động trực tiếp tới UBND các quận, huyện mà chỉ có thể nhắc nhở các trưởng phòng GD-ĐT quận, huyện. Từ đó các trưởng phòng GD-ĐT có ý kiến lên UBND quận, huyện. Như vậy, hiệu quả sẽ không cao. Do đó cần sự tác động mạnh từ UBND TP đến UBND các quận, huyện…”.
Thu học phí theo… thương hiệu
Sau khi tham quan các lớp học của Trường MN 19-5, đoàn đại biểu HĐND TP phải thừa nhận chất lượng nuôi dạy ở đây rất tốt. Thậm chí có đại biểu còn cho rằng, chất lượng không kém gì các trường MN của các nước phát triển trong khu vực…
Song, để có chất lượng tốt như vậy, Trường MN 19-5 đã phải “xé rào” đối với một số khoản thu. Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Hiệu trưởng nhà trường thừa nhận: “Học phí (200 - 250 ngàn đồng/ cháu/ tháng tùy lớp nhà trẻ hay mẫu giáo) và cơ sở vật chất (500 - 600 ngàn đồng/ cháu/ năm) thì thu đúng theo quy định. Nhưng các khoản thu khác phải thỏa thuận với phụ huynh, bởi nếu thu theo quy định thì không còn phù hợp nữa. Chẳng hạn như vệ sinh phí, theo quy định chỉ có 5 ngàn đồng/ cháu/ tháng. Số tiền ít ỏi này vừa phải mua xà bông giặt chăn - gối cho cháu, vừa phải mua thuốc diệt muỗi - diệt kiến và nước rửa nhà vệ sinh, nước lau nhà… để phòng chống dịch bệnh. Thậm chí phải mua cả giấy vệ sinh cho cháu. Chính vì vậy, nhà trường đã thỏa thuận với phụ huynh tăng lên 20 ngàn đồng. Rồi phí phục vụ bán trú, theo quy định là 50 ngàn đồng/ cháu/ tháng cũng phải tăng lên 100 ngàn đồng để đảm bảo chất lượng nuôi dạy…”.
Bà Kim Dung cũng cho biết thêm, để đội ngũ giáo viên - công nhân viên có được mức lương từ 2-4 triệu đồng/ tháng, mỗi năm ngân sách phải cấp cho nhà trường trên 2,5 tỷ đồng.
“Cách tốt nhất để ngân sách không phải cấp cho những trường có chất lượng nuôi dạy tốt như Trường MN 19-5 là để các trường được tự hạch toán thu chi. Hiện nay TP có 65 trường MN đạt chuẩn quốc gia, gần 100 trường MN tiên tiến cấp thành phố. Đây là những trường có thể cung ứng dịch vụ chất lượng cao cho phụ huynh. Mức thu cần phải tương xứng với chất lượng của trường chứ không nên cào bằng như hiện nay”, bà Kim Thanh, Trưởng phòng GDMN kiến nghị.
“Ngân sách cấp cho các trường nói trên sẽ cấp cho các trường công lập ở khu vực dân cư nghèo, các trường có cơ sở vật chất nhỏ hẹp”, bà Kim Thanh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT cũng có ý kiến.
Trước bức xúc về việc phải tăng học phí, bà Trần Thị Ngọc Anh, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP đề xuất: Từ nay đến hết tháng 5, Sở GD-ĐT phải đề xuất các mức thu, khoản thu sao cho phù hợp với từng địa bàn dân cư, chất lượng giáo dục của mỗi trường. Trong tháng 6, HĐND phải có trong tay bản đề xuất này để giải thích cho người dân hiểu học phí là chi phí học tập của con em họ chứ không phải là cho người thầy. Có như vậy họ mới không “kêu trời” vì phải bỏ ra 5 ngàn đồng đóng tiền học cho con, trong khi ăn một tô phở 40 ngàn đồng thì thấy bình thường…
Bài, ảnh: Hòa Triều