Thứ ba, 20/8/2013, 22h08

“Bắc nhịp cầu vui” cho trẻ nghèo

Học sinh miền núi ở huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam vui mừng đọc sách do chương trình “Tủ sách giải trí và giáo dục” trao tặng
Từ nhiều năm nay, các bạn trẻ trong chương trình tình nguyện “Tủ sách giải trí và giáo dục” đã đi đến những bản làng thôn xóm, vùng sâu vùng xa nhất của nông thôn Việt Nam, thậm chí đến tận biên giới để lập hàng trăm thư viện giúp trẻ em nghèo tiếp cận với tri thức mà không hề nhận đồng lương nào, thậm chí họ còn bỏ cả tiền túi để di chuyển.
Mang văn hóa đọc đến vùng nông thôn
 Sau những giờ làm việc căng thẳng, hàng chục bạn trẻ ở chương trình “Tủ sách giải trí và giáo dục” lại tất bật đến các địa điểm nhận sách để phân loại sách, gói ghém cẩn thận và chuẩn bị vận chuyển đến các vùng sâu vùng xa để lập tủ sách cho trẻ em nghèo đọc. Việc làm này khá bận rộn, khó khăn nhưng trên gương mặt các bạn trẻ ấy vẫn luôn ánh lên niềm vui vì đã góp được phần công sức nhỏ bé của mình đến với  trẻ em nghèo, nơi mà còn thiếu cơm để ăn, thiếu áo để mặc thì những cuốn truyện cổ với đầy hình ảnh sinh động đối với các em là những món quà vô cùng quý giá.
Anh Nguyễn Bá Chung (25 tuổi, hiện đang làm quản lý dự án cho một công ty chuyên về phần mềm ở quận 10) là thành viên của nhóm gần 1 năm nay kể: “Trước đây, tôi phụ trách hậu cần, đến các kho để phân loại và vận chuyển sách. Hiện, tôi đảm nhận khâu nhân sự, tuyển những tình nguyện viên có kỹ năng và tâm huyết cho công việc này. Do còn đi làm nên mỗi tuần tôi dành khoảng 2 đến 4 tiếng làm việc cùng nhóm trên mạng và hai ngày chủ nhật trong mỗi tháng thì đến kho sắp xếp sách”.
Nhóm tình nguyện không chỉ là những bạn trẻ đã đi làm mà còn có cả học sinh, sinh viên. Tình cờ lên mạng tìm sách chuyên ngành, Phạm Hoàng Phúc Hiếu (sinh viên năm 3, ngành công tác xã hội, ĐH Mở TP.HCM) lướt qua trang web của nhóm, thấy chương trình khá hay nên Hiếu thường xuyên gói các sách cũ đến gửi tặng, lâu dần Hiếu trở thành thành viên của nhóm lúc nào chẳng hay. Tham gia hoạt động của nhóm, các bạn trẻ không chỉ đưa niềm vui đến cho trẻ nghèo mà còn được trải nghiệm, học hỏi rất nhiều kỹ năng.
Lập 700 tủ sách ở các bản làng
“Tủ sách giải trí và giáo dục” là chương trình tình nguyện do một nhóm cựu học sinh Quốc học Huế niên khóa 1961-1964 sáng lập từ năm 1999. Năm 2009, chương trình tiếp tục được kế thừa và phát triển bởi các bạn tình nguyện viên trẻ ở TP.HCM.
Bác sĩ Hồ Đắc Duy (một trong những thành viên sáng lập chương trình) phấn khởi cho hay: “Chúng tôi mong muốn hàng triệu trẻ em Việt đều được đọc sách, vì thế nên cần tìm những người bạn trẻ để các bạn ấy tiếp tục phát huy. Nhóm kế thừa không chỉ có sức trẻ, năng động mà còn có niềm đam mê, nhiệt tình. Bởi vậy, khi các bạn trẻ tiếp nhận công việc này đã xây dựng thêm hàng trăm tủ sách cho trẻ ở nông thôn”.
Một trong những bạn trẻ đầu tiên tìm đến quyên góp sách cùng chương trình, hiện là trưởng ban điều hành nhóm là chị Trần Thị Kim Thoa. Ngày đầu mới tiếp quản (tháng 10-2009) nhóm chỉ có vỏn vẹn 7 thành viên nhưng hiện đã có 70 thành viên (chủ yếu ở TP.HCM). Chị Kim Thoa cho biết: “Nhóm tiếp tục kế thừa những cách thức hoạt động hiệu quả của các bác như lập tủ sách ở bất cứ nơi nào trẻ em nghèo có thể tiếp cận: Tiệm tạp hóa, nhà dân, nhà cộng đồng, trường học… hay quan tâm nhiệt tình đến những người giữ sách ở các bản làng vì sách có “sống” được hay không chủ yếu nhờ những người ấy”. Với những hoạt động này, cùng với 500 tủ sách mà các bác đã thiết lập, nhóm có thêm 200 tủ sách mới ở mọi miền, đặc biệt các xã ở huyện Quảng Điền (tỉnh Thừa Thiên - Huế) có hơn 40 tủ sách, Quảng Nam có hơn 30 tủ sách… Mỗi tủ sách của nhóm có khoảng 200 đến 400 quyển được phân loại rõ ràng như sách giáo dục đạo làm người, sách dạy kỹ năng sống, sách về khoa học thường thức… Còn sách giáo khoa nhóm thường nhờ thư viện các trường cho mượn, năm sau thu lại và dành cho những lớp học sinh mới. Với những cuốn sách chuyên ngành thì nhóm mang tới các trường trung cấp chuyên nghiệp đặt tại các tỉnh, các huyện nghèo để các bạn học viên tham khảo.
Bài, ảnh: Dương Bình
Bạn Phúc Hiếu cho hay: “Mình sinh ra ở nông thôn, ngày trước có một cuốn truyện là lũ trẻ làng mình lại tranh giành lẫn nhau, ba bốn người phải đọc chung một cuốn nên quý lắm. Khi thấy chương trình này, mình rất muốn góp sức để mang văn hóa đọc đến với trẻ nông thôn”.