Thứ bảy, 31/12/2011, 10h12

Bài dự thi “Câu chuyện giáo dục”: “Nợ” một lời xin lỗi

Năm ấy, H. - một giáo sinh sư phạm vào thực tập ở lớp tôi. Xem H. dạy tiết đầu tiên, tôi rất vui vì em chững chạc, kiến thức vững, phương pháp dạy thích hợp. Dự giờ H. xong, tôi có cuộc họp đột xuất nên nhờ em ở lại trông chừng lớp giúp. Nửa giờ sau, tôi quay về. Lớp học im phăng phắc khác thường và tôi thấy ánh mắt N. - một học sinh nữ ngồi ở bàn đầu đỏ hoe. Dò hỏi học sinh, tôi được biết, do lớp ồn ào mất trật tự, H. nói hoài mà các em không nghe nên phạt cả lớp đứng giơ hai tay thẳng lên. Nhìn thấy N. giơ tay không thẳng, H. đã mắng em không tôn trọng thầy, bị phạt mà vẫn còn đùa giỡn. Thế là em N. òa khóc. Cả lớp cho thầy biết là bạn N. bị tật từ nhỏ. Các ngón tay của bàn tay trái co quắp lại, không thẳng ra được còn bàn tay phải chỉ có hai ngón có thể duỗi thẳng. Tôi hỏi học sinh: khi biết thế thầy H. xử lý ra sao, các em cho biết thầy H. không nói gì mà cho cả lớp ngồi xuống làm bài tiếp. Tôi an ủi, bảo em N. đừng buồn vì thầy mới gặp nên không biết em bị tật, chắc là thầy H. cũng hối hận lắm.
Cuối đợt thực tập, sau khi nhận xét, tôi đánh giá H. đạt loại giỏi. Tiếp đó, tôi nhắc lại chuyện cũ và nói với em: “Giáo viên luôn dạy học sinh phải biết cám ơn và xin lỗi. Vậy thầy cô phải là tấm gương về việc này, đừng cho rằng mình là thầy thì không thể hạ mình xin lỗi trò”. H. trầm ngâm rồi nói ngày mai sẽ gặp em N. nói chuyện. Nhưng H. không gặp được N. vì em nghỉ học cả tuần về quê chịu tang ông nội…
Giờ đây, H. đã là thầy giáo. Không biết em có nhớ lời góp ý chân thành của tôi hôm nào? Có nhớ rằng em còn “nợ” một lời xin lỗi? Bởi nếu nhớ, H. sẽ không phải “mắc nợ” nhiều hơn…
Lê Phương Trí