Thứ tư, 29/4/2009, 14h04

Bài dự thi “Giải quyết tình huống giáo dục lần X”

Hiệu trưởng cần bình tĩnh, sáng suốt

Tạo môi trường học thân thiện, hòa đồng giúp các em học sinh có động lực phấn đấu vươn lên

Lá thư của một em học sinh giấu tên được gửi vào hộp thư “Điều em muốn nói”, trước tiên là một lời cảnh tỉnh cho một nhà quản lý giáo dục cũng như cho các thầy cô trong trường học, sau đó rộng hơn nữa là các bậc phụ huynh trong việc ý thức thực hiện hành vi của bản thân đối với cộng đồng.
Qua tình huống “Cô hiệu trưởng và bức thư không tên”, cô hiệu trưởng đã có những mối quan tâm đến hoạt động giáo dục đạo đức học sinh và xây dựng môi trường học thân thiện, học sinh tích cực. Cô đã rất nghiêm khắc trong việc thực hiện những nội qui, qui ước trong nhà trường và biết lắng nghe ý kiến học sinh qua việc theo dõi hộp thư “Điều em muốn nói”. Điều đó đã chứng tỏ cô Ngọc là một người quản lý có cái tâm của một nhà giáo. Đó là những quan điểm đúng đắn và cô đã thực hiện theo quan điểm trên.
Tuy nhiên, ở vai trò là người quản lý và làm công tác giáo dục, cô đã quên rằng đối với học sinh, nhất là ở lứa tuổi tiểu học, các em như một tờ giấy trắng được các thầy cô trong trường dạy từ bài học đạo đức đầu tiên. Vì thế thầy cô trong mắt của học sinh luôn là những tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Do đó cô Bích Ngọc đã vô tình có những sai sót mà người lớn chúng ta rất thường mắc phải với những lý do mà người lớn xem là rất nhỏ như liên hệ công tác gấp phải vượt đèn đỏ cho kịp thời gian, hoặc với lý do bận quan sát đánh giá sinh hoạt chào cờ của các em mà quên hẳn mình cũng đang đứng trong vị trí của một người công dân như các em, cần phải chấp hành những qui định chung là chào cờ và hát quốc ca vào sáng thứ hai đầu tuần…
Qua tình huống của cô hiệu trưởng trong câu chuyện, tôi cho rằng thái độ của cô cần phải bình tĩnh, sáng suốt. Là một người từng trải, trưởng thành trong môi trường sư phạm và đã phấn đấu theo hướng tích cực để được đề bạt chức vụ hiệu trưởng, quản lý cả hội đồng sư phạm nhà trường và hàng ngàn học sinh, có những mối quan hệ rất rộng với ban ngành, đoàn thể, chính quyền, phụ huynh học sinh. Vì thế nếu bản thân đã có lỗi lầm (vì trong cuộc đời chúng ta có ai không một lần mắc phải lỗi lầm) thì cô hiệu trưởng không thể có cách hành xử như các phương án đã nêu. Vì các phương án 1 và 2 không phải là cách hành xử của một người quản lý giáo dục có cái tâm trong quan điểm giáo dục của nhà trường như cô Ngọc, hành động đó thể hiện sự bảo thủ, không tinh tế, không biết lắng nghe ý kiến của người khác và xem thường học sinh…
Ở phương án 3 và 4 cho ta thấy cô Ngọc đã thể hiện được ý thức của mình để hoàn thiện về tác phong đạo đức, điều chỉnh kịp thời để nêu gương sáng cho hội đồng sư phạm và cho các em học sinh.
Tuy nhiên, giá như cô Ngọc có thể công khai bức thư trong hội đồng sư phạm như phương án 3, nhưng không nêu tên người vi phạm (vì đây có thể là lần đầu) để hội đồng sư phạm cùng rút kinh nghiệm và suy nghĩ lại hành động của mỗi bản thân, rút ra một bài học đạo đức quý giá. Bởi vì theo tôi chỉ có các em học sinh trong sáng, với tinh thần của một học sinh tích cực mà nhà trường đã xây dựng được trong môi trường thân thiện mới có thể mạnh dạn viết bức thư ấy. Sau đó hội đồng sư phạm cùng có trách nhiệm hướng dẫn học sinh ở lớp rút ra bài học qua lỗi lầm trên, hành động đó như một lời nhận lỗi từ “người lớn” đối với học sinh. Ngoài ra chúng ta cũng cần biểu dương trong toàn trường về việc làm của em học sinh giấu tên dám nói thẳng nói thật để cùng nhau xây dựng môi trường theo hướng tích cực và gần gũi, thân thiện. Không những thế, việc thực hiện môi trường học thân thiện cũng cần triển khai trong cuộc họp phụ huynh, mời phụ huynh cùng hợp tác với nhà trường để có ý thức về hành vi ứng xử của bản thân với môi trường, cộng đồng… Vì không ai khác, chính học sinh luôn mong muốn bố mẹ và thầy cô là những tấm gương cho các em.
Qua việc điều chỉnh sự sai sót của các thầy cô sẽ giúp cho học sinh hiểu rằng thầy cô có lỗi cũng biết sửa sai và biết lắng nghe tôn trọng ý kiến học sinh, nếu ý kiến ấy là xác đáng. Bởi vì các em tuy hay thắc mắc, nhưng cũng dễ dàng tha thứ hơn người lớn.
Ở đây, với góc độ khách quan, có thể sẽ có câu hỏi: “Tại sao cô Ngọc không dũng cảm nhận lỗi trước hội đồng sư phạm và học sinh toàn trường? Theo tôi hành động trên là một cách bảo toàn uy tín cho người làm công tác giáo dục để có thể tự tin bước lên bục giảng, giảng dạy những điều hay lẽ phải cho học sinh. Với cương vị là người quản lý giáo dục có cái tâm như cô Ngọc, thì đó là bài học đạo đức nhớ đời, nhưng cách hành xử đó sẽ giúp cô Ngọc giữ được uy tín trong hội đồng sư phạm cũng như trong phụ huynh học sinh, để có thể dẫn dắt nhà trường theo hướng phát triển tốt nhất.
Vì vậy, với góc độ là một chuyên trách thư viện trong trường học, tôi nhận thấy việc thực hiện môi trường học thân thiện – học sinh tích cực cần được mở rộng. Thông qua “Hộp thư điều em muốn nói” cũng như qua những hoạt động chung giữa thầy và trò trong môi trường gần gũi, thân thiện, chúng ta có thể nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của các em và biết được những nhận xét, đề nghị, yêu cầu của các em đối với chúng ta – đôi khi còn ngây ngô, non nớt - nhưng qua đó, chúng ta mới có thể làm tốt vai trò của người làm công tác giáo dục, đáp ứng được mục tiêu giáo dục, đó là góp phần xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa biết yêu quê hương, có sức khỏe, có nhân cách, có năng lực để cống hiến sức mình xây dựng đất nước, từ những bài học nhỏ của ngày hôm nay…
Trần Thị Thanh Tuyền
(Trường TH Kim Đồng – Gò Vấp)