Thứ bảy, 23/4/2011, 08h04

Bài dự thi giải quyết tình huống giáo dục lần XI: Biết dựa vào tập thể

Hiệu trưởng tốt là người phải biết đầu tư CSVC cho việc dạy và học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Ảnh: N.Q
Việc “Đổi mới công tác quản lí, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện” là nhằm củng cố công tác lãnh đạo, bộ máy, xương sống của ngành. Cán bộ lãnh đạo tốt thì chất lượng giáo dục mới tốt.
Đề thi giải quyết tình huống giáo dục lần thứ XIcó hai ông hiệu trưởng với hai tính cách trái ngược nhau.
1.Ông hiệu trưởng A thì quá hăng hái, việc gì cũng nhúng tay vào nhưng không bao giờ được như ý. “Ngay việc xếp hàng chào cờ đầu tuần, ông cũng đứng ra hò hét đốc thúc từng lớp chỉnh đốn đội ngũ”. Hình ảnh ông “xăng xái” hò hét xếp hàng trước sân trường chỉ làm cho giáo viên bấm bụng cười. Tổng phụ trách đội, giáo viên trực ban và các giáo viên chủ nhiệm đứng làm gì mà để cho thầy hiệu trưởng phải ra tay “đốc thúc từng lớp chỉnh đốn đội ngũ” như thế?. Cái tai hại của ông là tạo ra cái thế “cứ khi nào vì lí do nào đó ông không có mặt là mọi chuyện lại rối tung”. Theo tôi, ông luôn có mặt dự giờ thường xuyên ở mọi bộ môn và góp ý chỉ đạo bài bản là tốt. Nhưng ông chỉ nên góp ý về phương pháp, về cách dạy chứ không nên đi quá sâu vào chuyên môn mà không phải là mảnh sân quen thuộc của mình. Ông được đào tạo về ngoại ngữ thì chỉ có thể giỏi “chuyên môn hẹp” của ông là dạy ngoại ngữ thôi chứ khó mà “toàn năng” được. Ngay cả giáo viên đào tạo bộ môn đó mà khi làm cán bộ quản lí cũng có thể bị mai một đi huống hồ là môn khác. Tôi đã từng chứng kiến một hiệu phó dạy toán hẳn hoi phê phán giáo viên dạy toán lớp 8 sửa bài tập trong sách giáo khoa “dùng kiến thức vượt quá chương trình”. Tôi hỏi: “Theo thầy giải như thế nào để không vượt quá chương trình”. Thầy lúng túng một lúc rồi phán: “Sách giáo khoa ra đề sai sang kiến thức lớp 9”. Còn giải quyết như thế nào thì thầy… bó tay! Kiểm tra đề chung cả khối 8 thì chỉ riêng lớp của thầy - không có em nào đạt được đến điểm trung bình. Điều đặc biệt là trong cuốn sổ “Gọi tên ghi điểm” của lớp, ở môn toán trống trơn - thầy không hề kiểm tra bài cũ. Hai tháng sau, thầy được bổ nhiệm làm hiệu trưởng ở một trường khác.
2.Trái lại, ông hiệu trưởng B thì lại quan liêu. “Giờ chào cờ đầu tuần ông cứ ung dung ngồi trong phòng uống nước. Tổng phụ trách cho học sinh xếp hàng đâu ra đấy, rồi trịnh trọng giới thiệu danh xưng của mình, ông mới thủng thẳng bước ra lễ đài trong tràng pháo tay giòn giã của cả trường”. Mọi việc ông đều chỉ huy theo đầu việc. Ông đề ra kế hoạch rồi “ngồi chơi xơi nước”, yên vị trên cái ghế hiệu trưởng của mình. Ông sợ nhúng tay vào việc sẽ sinh ra “rách việc”. Ông chỉ yêu cầu một chiều là cấp dưới phải thực thi mệnh lệnh của mình thôi chứ không kiểm tra đôn đốc gì cả. Một hiệu trưởng như thế là quá ỷ lại. Tôi cũng đã chứng kiến có một hiệu trưởng trường THCS như thế. Mọi kế hoạch thầy dựa vào “quyền hiệu trưởng” để điều binh khiển tướng. Thầy vạch ra kế hoạch chung chung, theo ý chủ quan, không có sự bàn bạc của tập thể nhà trường. Ai góp ý như thế nào thầy cũng không nghe. Thầy quan niệm rằng “chế độ một thủ trưởng” là phải như thế. Tuy nhiên một bàn tay dù có nắm chặt thế nào cũng có khe hở. Nhiều giáo viên đã dựa vào khe hở này để đối phó lại thầy. Kết quả chất lượng dạy và học không đảm bảo. Chất lượng vào phổ thông trung học thấp nhất cả vùng.
3.Một hiệu trưởng tốt phải biết dựa vào tập thể, biết trân trọng sức lao động của anh em, phải biết chia sẻ “đồng cam cộng khổ” với người dưới quyền, phải tự học hỏi ngay cả giáo viên mình. Hiệu trưởng tốt phải biết lo toan trăn trở cùng giáo viên, phải biết xoay xở cơ sở vật chất cho việc dạy và học, phải có sáng kiến để cải thiện nâng cao đời sống của giáo viên... Hai ông hiệu trưởng như trên thời này xuất hiện ngày càng nhiều.
Người hiệu trưởng phải có một kế hoạch thật sát sao, khoa học thì mới có được sự đồng thuận của giáo viên. Theo tôi, cái tốt của ông A là nhiệt tình và hăm hở với công việc, đó là điều đáng quý. Nhưng nhiệt tình chưa đủ, mà phải có tri thức, biết điều hành công việc thật khoa học, có biện pháp để đạt đựơc mục tiêu đề ra. Cái tốt của ông B là có kế hoạch, biết khoán việc cho từng người, từng tổ, từng bộ phận. Nhưng có kế hoạch, biện pháp tốt rồi còn phải đôn đốc thực hiện kế hoạch, kiểm tra kết quả của công việc được giao, biết động viên khen thưởng kịp thời người hoàn thành công việc.
Giá như hai ông hiệu trưởng biết hòa mình vào quần chúng, biết lắng nghe, khai thác những điểm mạnh của giáo viên mình, đồng sức đồng lòng xây dựng nhà trường đạt được những tiêu chí mà đại hội công nhân viên đặt ra đầu năm.
Hoàng Minh Đức (Quảng Bình)