Thứ ba, 12/10/2010, 09h10

Bài dự thi giải quyết tình huống giáo dục lần XI: Hiệu trưởng mẫu mực cần có đủ năng lực quản lí

Như chúng ta đã biết, để trở thành hiệu trưởng, thì con đường phấn đấu là khoảng thời gian dài, không phải một sớm một chiều mà có được. Bản thân họ đã cố gắng rất nhiều.

Được giao trọng trách là một vinh dự rất lớn, nên hiệu trưởng luôn là người dốc hết tâm sức, luôn hoài vọng đến những kết quả tốt đẹp nhất cho đơn vị của mình. Tùy theo năng lực và bản tính của mỗi người mà thể hiện cách quản lí khác nhau. Như cách quản lí của hai hiệu trưởng trường A và trường B đã được nêu trong đề thi, là hai cách quản lí hoàn toàn trái ngược nhau.
Với cách quản lí của “một hiệu trưởng toàn năng” như hiệu trưởng trường A, theo tôi, là rất “lửa”, chỉ tiếc là “lửa” đó ông hiệu trưởng không truyền sang cho mọi người quanh ông mà chỉ khư khư giữ sáng một mình, kết quả là không có ông, mọi người chìm trong “bóng tối”. Hãy nghĩ, hiệu trưởng là một đầu tàu. Đầu tàu chỉ khởi động và kéo cả đoàn tàu chuyển động, nhưng không phải lúc nào đầu tàu cũng phải cố sức mà kéo, mà quan trọng hơn là đầu tàu phải biết lúc nào cần tăng tốc, lúc nào phải hãm phanh để giữ an toàn, lúc nào chuyển hướng và lúc nào buộc phải dừng lại. Nếu hiệu trưởng trường A “truyền lửa” cho đồng nghiệp mình, thì không có việc gì mà không thể làm được. Đừng “ôm hết” tất cả vào mình, khi vòng tay của mình quá nhỏ. Enrique Simo đã từng nói: “Nếu bạn nghĩ rằng: Bạn có thể làm điều đó một mình, là vì bạn không tin tưởng ai hoặc cho rằng không ai làm tốt như bạn, chỉ bạn mới có khả năng nhất mà thôi. Bạn sẽ luôn bận rộn với một mớ hỗn độn. Bạn sẽ không bao giờ thấy hài lòng. Sẽ hiệu quả hơn rất nhiều nếu bạn đầu tư thời gian vào việc giúp người khác “chung tay” làm cùng bạn. Sự hợp tác sẽ mang lại thành công lớn hơn nhiều với thành tích bé nhỏ bạn làm”.
Với cách quản lý của hiệu trưởng trường B là cách quản lí hay, nhưng thiếu sự “cởi mở”. Những nụ cười thân thiện, những cử chỉ quan tâm đúng mức, hay chỉ là ánh mắt nhìn trìu mến cũng làm người đối diện ấm lòng. Đừng quá mải làm việc mà quên đi cảm xúc của những người dưới sự quản lý của mình.
Để đáp ứng yêu cầu của chủ đề năm học là đổi mới công tác quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, theo tôi, một hiệu trưởng mẫu mực cần có đủ năng lực quản lí, trình độ chuyên môn vững vàng, có lửa nhiệt tình, sống nghiêm túc, làm việc rõ ràng, nắm được khả năng nhân viên mình để phân việc hợp lý. Bên cạnh đó, cần lắm những lời nói thân thiện, ánh mắt nhìn tình cảm, những quan tâm đến đời sống của nhân viên mình…
Bản thân tôi, là một giáo viên, để tích cực thực hiện chủ đề ấy, tôi cũng sẽ chấp hành mọi chỉ đạo của hiệu trưởng và cấp trên, nếu các chỉ đạo ấy là đúng. Và sẽ luôn trau dồi năng lực chuyên môn của mình, để kịp bắt nhịp với các đồng nghiệp và đáp ứng kịp thời những nhiệm vụ mà ban giám hiệu đề ra. Tôi tâm niệm: “Hãy cảm ơn ngọn đèn vì ánh sáng của nó, nhưng đừng quên người cầm đèn vẫn đang kiên nhẫn đứng trong đêm”. Và bạn, cùng tôi, hãy vui vẻ cùng làm việc, vì: “Một ngôi sao chẳng sáng đêm/ Một thân lúa chín chẳng nên mùa vàng/ Một người đâu phải nhân gian?/ Sống chăng, một đống lửa tàn mà thôi!”.
Trần Thị Thảo Uyên 
(Giáo viên Trường Tiểu học Phan Văn Trị, Bình Thạnh)