Thứ sáu, 8/10/2010, 14h10

Bài dự thi giải quyết tình huống giáo dục lần XI: Quản lí giáo dục là một nghệ thuật

Người hiệu trưởng phải biếtphát huy được sức mạnh, trí tuệ của từng cá nhân và tập thể giáo viên. Trong ảnh là tiết dạy GDCD ở Trường THCS Bạch Đằng (Q.3) với nhiều hình ảnh minh họa do giáo viên sáng tạo khiến giờ học luôn sinh động, học sinh hào hứng. Ảnh: Tr.Tri

Công tác quản lý giáo dục là một nghề như bao nghề khác trong xã hội. Nói đến nghề tất phải có chuyên môn, muốn làm nghề giỏi phải nắm vững chuyên môn và nghiệp vụ về quản lý, điều mà mỗi cán bộ, giáo viên ai cũng biết.
Song để đạt được hiệu quả công tác cao ở bất cứ nghề nào đều cần có tấm lòng yêu nghề, tận tâm với nghề. Đặc biệt ở lĩnh vực giáo dục, liên quan đến hàng vạn con người, những chủ nhân tương lai của đất nước thì trách nhiệm của người quản lý càng nặng nề và cao cả. Chúng ta hãy bàn luận về cách quản lý của hai hiệu trưởng A và B, để có những ý kiến đóng góp khách quan vào công tác đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục.
1. Theo tôi, mỗi vị hiệu trưởng đều có những ưu điểm và khuyết điểm. Ưu điểm cơ bản của hiệu trưởng A là nhiệt tình, siêng năng, cần mẫn, sâu sát và gần gũi mọi thành viên trong nhà trường, tận tâm với công việc, không quản ngại khó khăn, lo lắng cho công việc chung, ý thức cao về trách nhiệm của mình nên luôn là người đi đầu “đứng mũi chịu sào” trong mọi việc có liên quan đến nhà trường. Chắc chắn đây là một vị hiệu trưởng tâm huyết, có đạo đức. Tuy nhiên, chức danh của hiệu trưởng là quản lí mọi việc của nhà trường, chỉ đạo, lập kế hoạch, phân công, kiểm tra, đôn đốc để mọi thành viên trong tập thể nhà trường, mỗi người một nhiệm vụ, cùng nhau thực hiện và giúp nhau hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tôi nghĩ, khuyết điểm của vị hiệu trưởng A là ở vấn đề phương pháp quản lí, do sai lầm trong cách quản lí nên có tư tưởng chủ quan, ôm việc, không tin tưởng ở cấp dưới nên không dám giao việc cho người khác, lại khó tính, sợ làm sai không như ý mình và vì thế mọi việc từ lớn đến nhỏ cứ phải chờ ý kiến hiệu trưởng. Hệ quả tất yếu là hôm nào không có ông thì mọi việc cứ rối tung, cấp dưới không dám chủ động trong công việc, sai lầm ở đây là không phát huy được sức mạnh, trí tuệ tập thể. Thực tế đất nước ta trải qua hai cuộc kháng chiến gian khổ và đầy khó khăn, Bác Hồ đã dạy, bài học sâu sắc nhất của Đảng là biết dựa vào sức mạnh tổng hợp của nhân dân, phát huy tinh thần làm chủ tập thể cao nhất với ý thức tự giác thì việc gì cũng làm tốt.
Với cách quản lý của ông hiệu trưởng B, tôi cho rằng ông này khá am hiểu về nguyên tắc quản lí của hiệu trưởng. Thủ trưởng cơ quan, là người điều hành, lãnh đạo, lên kế hoạch và phân công nhiệm vụ rõ ràng cho từng cấp, có trách nhiệm quản lí, thực hiện và thi hành các nhiệm vụ đã phân công; từng bộ phận đôn đốc, kiểm tra và báo cáo kết quả cho hiệu trưởng. Đây là ưu điểm trong cách quản lí của ông mà hiệu trưởng trường A chưa có. Song như mọi người đánh giá ông là người quan liêu, thiếu sâu sát. Nhận định này là có cơ sở, bởi ông chẳng bao giờ theo dõi, sâu sát công việc của từng bộ phận phụ trách, thực hiện mà chỉ dựa vào báo cáo của các cấp trưởng thì làm sao nắm rõ tình hình thực tế, những khó khăn, vướng mắc trong công việc để kịp thời điều chỉnh, chỉ đạo giải quyết các tình huống bất trắc có thể xảy ra hoặc những mâu thuẫn nội bộ nếu có ở các cấp.
Hiệu trưởng không làm thay việc của các cấp, nhưng phải luôn theo dõi, xem xét và kiểm chứng mọi việc thì mới kịp thời động viên khen thưởng những đơn vị, cá nhân làm tốt và phê bình nếu có. Như thế việc đánh giá thi đua mới chính xác, nếu chỉ dựa vào báo cáo liệu có đảm bảo chính xác(?). Rõ ràng với cách quản lý như thế là quan liêu, thiếu sâu sát, xa rời quần chúng, chắc chắn khó lòng thuyết phục mọi thành viên trong hội đồng nhà trường. Ngoài ra, những kẻ cơ hội, lợi dụng mối quan hệ tình cảm để né tránh công việc chung, dẫn đến đùn đẩy công việc, trên bảo dưới không nghe, tất yếu việc chung sẽ không đạt hiệu quả cao. Vị hiệu trưởng này cũng có thể chưa hết lòng và tâm huyết với công việc, chưa xác định mục tiêu rõ ràng nên thiếu gương mẫu trong hành động.
2. Theo tôi, một hiệu trưởng mẫu mực, cần các tiêu chí: nhiệt tình, tâm huyết, gương mẫu trong lời nói và hành động; dám nghĩ, dám làm, chịu trách nhiệm về mọi việc có liên quan đến nhà trường. Ngoài ra phải được bồi dưỡng, học tập về chuyên môn nghiệp vụ để nắm vững nguyên tắc, phương pháp quản lí nhà trường; nắm rõ quyền hạn và nghĩa vụ của mình để thực thi đúng pháp luật; có mục tiêu, động cơ phấn đấu rõ ràng và quyết xây dựng nhà trường ngày càng vững mạnh, hiệu quả về chất lượng giáo dục toàn diện; có kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ sư phạm, về đặc điểm tâm sinh lí các đối tượng thuộc phạm vi quản lí; biết tôn trọng và lắng nghe các ý kiến đóng góp chân thành, xây dựng từ phía giáo viên…
Trên cương vị giáo viên, nhận xét, bình phẩm về công tác quản lí của hiệu trưởng, cũng có nhiều thuận lợi vì là người trong cuộc. Song việc quản lí giáo dục ngay trong một tập thể nhỏ như lớp chủ nhiệm, đã thấy nhiều vất vả, phức tạp huống gì quản lí cả tập thể giáo viên và học sinh cả trường, có thể lên đến hàng ngàn con người, chắc chắn là điều không đơn giản. Bởi vì mỗi tập thể, mỗi môi trường mang những tính cách, đặc điểm khác nhau, đâu thể máy móc rập khuôn theo những nguyên tắc cố định. Điều đó đòi hỏi người quản lí giáo dục phải biết vận dụng linh hoạt, hợp lí phù hợp với đặc điểm điều kiện vật chất, con người ở từng nơi trên cơ sở những nguyên tắc và quyền hạn cho phép của hiệu trưởng. “Thành công trong giáo dục mang đậm nét thành công của một tác phẩm nghệ thuật” - câu nói nổi tiếng của Ma-ka-ren-co - nhà giáo dục nổi tiếng, là chân lý cho những nhà giáo dục nghiên cứu, học tập và vận dụng. Giáo dục là nghệ thuật, quản lí giáo dục cũng vậy. Nhà giáo chúng ta hiểu rõ điều đó. Song đi vào thực tế không phải ai cũng vận dụng nghệ thuật một cách thành công.
Ngô Thị Kim Oanh
(Giáo viên Trường THCS Nguyễn Du)