Thứ tư, 2/5/2012, 13h05

Bài dự thi viết “Từ hình ảnh người mẹ, suy nghĩ về vai trò người phụ nữ Việt Nam trong gia đình”

Mẹ tôi - một nghị lực phi thường

Con, tác giả, mẹ ruột, mẹ vợ, vợ và con (tính từ phải qua)

Ở Việt Nam, những câu chuyện xúc động về những người mẹ “một nắng hai sương”, hi sinh tất cả vì gia đình, vì con cái rất phổ biến!
Đó là phẩm chất cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam tự bao đời mà sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành tặng cho các mẹ, các dì, các chị 8 chữ vàng: “Anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang”!
Mẹ tôi cũng là một phụ nữ như thế! Nhưng, so với những bà mẹ khác, mẹ tôi có hoàn cảnh đặc biệt hơn, nên với tôi, mẹ có nghị lực phi thường, là bà mẹ vĩ đại nhất! Mẹ là tất cả đời tôi!
1. Ngày ấy, ở cái tuổi trăng tròn, mẹ tôi là một thiếu nữ xinh đẹp trong làng. Có nhiều chàng trai theo đuổi, nhưng vì gánh nặng gia đình nên mẹ chưa để ý đến ai cả. Cũng phải thôi! Mẹ làm sao tính chuyện riêng tư khi mà cả đại gia đình tôi nghèo khó, ông bà cố tôi tuổi cao sức yếu không ai chăm sóc, ông bà ngoại thì sức khỏe cũng chẳng hơn gì, hai cậu và một dì tôi còn bé, đã vậy, cậu Tư còn mang dị tật không thể đi lại được… Thế là mọi gánh nặng gia đình dồn lên vai gầy của cô thiếu nữ nghèo. Từ việc đồng áng, chăn nuôi sản xuất, lo cái ăn cái mặc cho đến công việc trong nhà, chăm sóc ông bà, cha mẹ, em út đều do một tay mẹ đảm trách.
Mẹ đã cố hết sức mình để lo chu toàn bổn phận “trụ cột” gia đình. Thế nhưng, chiến tranh và bệnh tật không hề thương tiếc bất cứ ai. Chiến tranh khốc liệt ở vùng đất Củ Chi đã cướp đi những người thân yêu nhất của mẹ: Ông cố, ông ngoại tôi. Bà ngoại, rồi cậu Tư tôi vì bệnh tật mà cũng ra đi. Nỗi đau lên đến tột đỉnh khi cùng một năm mà mẹ mất đi bốn người thân. Chính từ nỗi đau này đã cướp đi tuổi thanh xuân của mẹ.
2. Năm ấy, 19 tuổi, mẹ bắt đầu bị căn bệnh tâm thần hành hạ. Căn bệnh quái ác đã đeo đẳng mẹ suốt 38 năm qua. Nó như cực hình đối với mẹ. Chính vì lẽ ấy mà cả hai chị em tôi ra đời đến giờ vẫn không hề biết cha mình là ai. Mẹ một mình “vượt cạn”, vừa có sự dịu dàng của đức tính người mẹ, vừa gánh vác công việc trụ cột của cha. Tôi không hiểu được sao mà mẹ lại tài giỏi đến thế? Bệnh tật, lúc tỉnh lúc mê mà mẹ tảo tần nuôi hai chị em tôi khôn lớn nên người. Những lúc tỉnh táo hiếm hoi, mọi người thường gặp mẹ phơi sương dãi nắng dưới cánh đồng quê mặc cho mưa gió. Khi thì bắt ốc, hái rau, mò cua, đan giỏ bán lấy tiền mua gạo; lúc mẹ lại đi mót lúa đổ trên ruộng về chắt chiu từng hạt nuôi chị em tôi. Dù cho đó là những ngày mùa đông giá rét hay mùa hè oi bức đều không ngăn nổi bước chân của mẹ vào tận cánh rừng bứt từng sợi mây về đan giỏ. Rồi khuya khuya trên con đường quê vắng vẻ, một mình mẹ quảy giỏ lội bộ gần chục cây số ra chợ huyện bán. Có lúc, đói lả, mệt nhừ, mẹ ngất đi giữa đường. Vậy mà, chị em tôi còn quá nhỏ nào đâu hay biết… Gánh nặng cứ thế đè lên vai gầy của mẹ. Thân cò lặn lội tảo tần, chống chọi với bệnh tật, vậy mà tôi chưa bao giờ nghe mẹ than dù chỉ một lời. Ai đó đã bảo với tôi rằng đó là đức tính cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Mẹ nhịn ăn để nhường những chén cơm ít ỏi cho chị em tôi. Tôi nhớ như in những ngày tháng vất vả khổ cực, mấy mẹ con có khi cả tuần chỉ ăn toàn rau luộc độn với khoai mì trừ cơm. Cũng có lần (năm 1989, khi tôi học lớp 4), mấy mẹ con nhịn đói đã hơn một tuần, một người láng giềng cho hai chén cơm cháy, chị tôi đã nấu thành nồi cháo loãng độn với rau và khoai mì để ba mẹ con có “một bữa tiệc thịnh soạn”. Lúc ấy, mẹ tôi chỉ dành rau và củ khoai cho mình, còn cháo thì nhường cho chị em tôi… Đã vậy, hồi nhỏ, hai chị em tôi còn đau bệnh liên miên. Nhà nghèo, bệnh tật hoành hành nhưng mẹ ẵm từng đứa một chạy chữa hết nơi này sang chốn khác. Có lẽ vì vậy mà giờ đây vai mẹ oằn xuống, lưng còng đi vì phải gánh bao gánh nặng gia đình.
3. Cả hai chị em tôi, nhờ ơn đức của mẹ, đứa nào học cũng giỏi. Chị tôi giỏi hơn tôi rất nhiều. Tuy nhiên vì quá nghèo khó, chị phải hi sinh con đường học vấn của mình để đi làm thuê nuôi mẹ và tôi. Hiểu được điều đó, tôi đã cố gắng thật nhiều trong cuộc mưu sinh để được đến trường. Học được ở mẹ tính cần cù chăm chỉ, tôi đã biết lao động cật lực từ những ngày thơ ấu. Từ ở mướn, chăn trâu, chăn vịt mướn, bán rau, bán bánh dạo, cấy lúa cho đến xay đậu, phụ hồ, bán báo, bồi bàn, tiếp thị… nghề nào tôi cũng trải qua, cốt để có tiền ăn học. Hơn ai hết, tôi hiểu được sự hi sinh và tình thương yêu vô bờ bến của mẹ. Càng yêu thương mẹ, tôi càng quyết tâm chiến đấu để chiến thắng số phận bằng cách vừa làm thật chăm, vừa học thật giỏi mới mong đổi đời, có điều kiện nuôi mẹ.
Tốt nghiệp THPT, tôi lên Sài Gòn thi đại học. Ngày biết kết quả tuyển sinh là ngày vui của cả gia đình và bà con hàng xóm. Con của mẹ trúng tuyển cùng lúc ba trường đại học, thủ khoa một trường cao đẳng. Tờ báo phụ trương đăng kết quả tuyển sinh được chuyền tay nhau khắp xóm. Người cho con gà, bó rau, kí đậu đũa, mấy quả dưa leo, có người cho cả gạo, xôi nếp để mẹ làm bữa tiệc nhỏ mừng tôi đậu đại học. Ngày tiễn tôi lên Sài Gòn học, trong sâu thẳm mắt mẹ, tôi thấy niềm vui gắn liền trĩu nặng nỗi lo âu. Mẹ chỉ nói ngắn gọn “Con ráng học!”. Ba từ ấy với tôi như câu thần chú mỗi khi gặp khó khăn trở ngại, và vì thế tôi đã vượt qua mọi chông gai nơi phố thị với vô vàn trắc trở.
Ngày làm lễ tốt nghiệp đại học sư phạm, cầm tấm bằng cử nhân trên tay, tôi nghẹn ngào đến rơi nước mắt. Nhớ đến dáng gầy của mẹ với con ốc, con cua, bó rau, những hạt lúa đổ, cái giỏ trúc, sợi mây rừng… mẹ đã chắt chiu nuôi tôi khôn lớn, cho tôi đến trường có được cái chữ. Chính những điều ấy đã có tác động lớn đến quyết định trở về quê hương Củ Chi công tác sau khi tôi tốt nghiệp. Bởi ở đó, tôi còn chịu ơn và phải đền ơn nhiều lắm, mà trên hết, nơi ấy tôi còn người mẹ già một đời bệnh tật mà vất vả nuôi con đang cần bàn tay tôi chăm sóc. Chính điều này đã là một liều thuốc bổ hiếm có giúp mẹ tôi dần bình phục.
4. Bây giờ, sức khỏe của mẹ đã tốt, sinh hoạt trở lại bình thường sau gần 40 năm bệnh tật hành hạ. Hai chị em tôi đã trưởng thành, nhưng tiếc thay chị tôi đã mất vì căn bệnh ung thư. Hai vợ chồng tôi đang cùng nhau chăm sóc mẹ để bù đắp lại chuỗi ngày cơ cực. Tôi tin rằng mẹ sẽ mãi là mùa xuân, là niềm tin và sức mạnh cho cả gia đình tôi. Những dòng chữ này tuy không diễn đạt hết cảm xúc và tấm lòng, nhưng thay lời trái tim muốn nói, con kính dâng lên mẹ bằng cả tấm lòng hiếu thảo của con. Chữ hiếu và tấm lòng người mẹ giàu đức hi sinh là bài học đầu tiên con dạy học trò khi đứng trên bục giảng với cương vị thầy giáo dạy văn.
Nguyễn Văn Cải
(Phó hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung)