Thứ sáu, 12/10/2012, 09h10

Bài giảng E-Learning: Cần nhiều nỗ lực từ giáo viên

Một tiết học có sử dụng công nghệ thông tin ở Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1). Ảnh: H.Triều

Ba năm gần đây, các trường THCS đã triển khai phương pháp dạy học với bài giảng E-Learning. Tuy nhiên, đối với bậc tiểu học thì năm học 2012-2013 là năm đầu tiên thực hiện chủ trương này.
Từng được tập huấn về chương trình dạy học theo bài giảng E-Learning (bài giảng điện tử và học tập trực tuyến) ở trường cũng như tại Phòng GD-ĐT quận Bình Thạnh, cô Hoàng Thị Xuân Trang - giáo viên Trường Tiểu học Bình Lợi Trung - rất tâm đắc với bài giảng này.
Mỗi lần lên mạng internet tham khảo các bài giảng E-Learning, cô Xuân Trang thật sự say mê với những tiết học ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đem lại cho học sinh những hứng khởi mới. Theo cô Xuân Trang, bài giảng E-Learning là một phương pháp dạy học vừa hiện đại vừa tiên tiến vì nó tạo ra phương thức dạy học mới và có hiệu ứng cao. Tuy hiện đại nhưng điều đó không có nghĩa là quá khó khăn đối với giáo viên vì có thể cài thêm phần mềm Adobe presentor 7 vào tiện ích của Powerpoint. Hơn nữa nội dung bài giảng của E-Learning không đòi hỏi giáo viên phải soạn mới hoàn toàn mà có thể kế thừa từ nội dung bài giảng trình chiếu của giáo án điện tử. Trên cơ sở đó người dạy phải thiết kế lại chương trình làm sao để máy chiếu kết hợp luôn lời giảng và hình ảnh của giáo viên. Nếu bài giảng Powerpoint đòi hỏi phải có sự hướng dẫn cụ thể của giáo viên thì ở bài giảng E-Learning mọi công đoạn làm việc của người thầy đã được cài đặt vào nội dung luôn. Ở đây học sinh sẽ có điều kiện học tập tốt hơn vì ngoài nội dung kiến thức, các em còn được nghe và cả nhìn thấy giáo viên đang dạy trên màn hình. Tùy theo cách thiết kế của giáo viên mà nội dung bài giảng nằm ở phía bên trái hoặc bên phải màn hình, nhưng điều quan trọng là dù ở bên nào các em cũng đều có được lời giảng từ đầu đến cuối của giáo viên.
Cô Phan Thị Hạnh - Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Lợi Trung - trao đổi: Dù học sinh không lên lớp nhưng các em vẫn có thể học được bài tại nhà nhờ công dụng của bài giảng E-Learning. Chỉ cần các em có file dữ liệu trong USB là có thể nắm được toàn bộ quy trình đứng lớp của giáo viên. Rõ ràng điều này rất thuận tiện cho những học sinh yếu kém chưa có điều kiện tiếp nhận đủ kiến thức tại lớp, về nhà các em sẽ có bài giảng E-Learning bổ trợ. Đặc biệt là những học sinh vì một lý do nào đó phải nghỉ học thì hôm sau các em vẫn không mất bài vì đã có bài giảng E-Learning bù khuyết. Không chỉ người học có thuận lợi mà ngay cả người dạy cũng được hỗ trợ triệt để. Nếu thầy cô vì một lý do nào đó nghỉ dạy trên lớp thì nhờ bài giảng E-Learning, học sinh vẫn được học một tiết trọn vẹn thông qua giáo viên khác cùng bộ môn hoặc khác bộ môn.
Cô Hạnh cho biết thêm, thuận lợi thấy rõ nhất cho người học là ở khâu thực hành. Nếu trong bài giảng Powerpoint, học sinh làm bài tập phải thông qua “người gác cửa” là giáo viên thì ở đây các câu hỏi đã được thiết kế sẵn trong máy, học sinh chỉ cần nhấp chuột máy tính là sẽ tham gia hết các dạng bài tập. Nhưng tiện ích không chỉ nằm ở đó. Sau khi trả lời câu hỏi, học sinh còn được bài giảng này cho ra đáp án đúng - sai để các em tự đánh giá và kiểm tra thực lực của mình. Nếu đáp án nào đúng thì sẽ có những tràng vỗ tay khen ngợi và động viên.
Tuy có hiệu ứng cao như trên nhưng hiện nay việc thực hiện bài giảng E-Learning tại các trường vẫn còn gặp nhiều khó khăn không chỉ về trang thiết bị máy móc mà ở khâu giáo viên khi thiết kế bài giảng. Ngoài thao tác thiết kế kênh hình, giáo viên phải biết cách chèn các đoạn phim, những hình ảnh hoặc từng đoạn nhạc vào bài soạn của mình. Tuy nhiên không phải ai cũng thành thạo và biết đưa vào đúng lúc đúng chỗ. Công việc sưu tầm tư liệu, hình ảnh trên mạng nếu không kiên trì thì khó có được phần minh họa hấp dẫn, gây hứng thú cho học sinh. Nhiều giáo viên cũng cho biết, hiện nay trên mạng internet có rất nhiều bài giảng E-Learning ở bậc THCS để mọi người tham khảo, nhưng bậc tiểu học thì chưa có nhiều. Đó cũng là thách thức cho đội ngũ giáo viên tiểu học, trong khi đây là năm đầu tiên thực hiện chủ trương này. Vì thế đòi hỏi tất cả thầy cô phải có niềm say mê và thật sự nỗ lực.
Nhiều giáo viên nhận xét, nếu dạy theo phương pháp  truyền thống thì soạn giáo án rất khỏe nhưng lúc dạy lại cực, còn đối với phương pháp này tuy soạn bài vất vả nhưng lúc đứng lớp thì rất thoải mái và nhẹ nhàng. Tính ưu việt của bài giảng này thể hiện ở bài soạn công phu của giáo viên và sự tích cực tham gia của học sinh. Nhưng điều quan trọng nhất là học sinh nào cũng thích và hứng thú học, vì thế chất lượng học tập được nâng lên rõ rệt. “Các bộ môn ngữ văn, âm nhạc, địa lý, GDCD rất phù hợp với phương pháp dạy này. Đó cũng là cách để học sinh làm quen với phương pháp dạy học từ xa mà sau này khi lớn lên các em có thể tiếp cận nhiều” - cô Xuân Trang nói.
Phan Ngọc Quang