Thứ ba, 28/3/2017, 21h28

Bài giảng tương tác bảo vệ môi trường

Mục tiêu của bài học là giúp học sinh (HS) biết sự cần thiết phải bảo vệ môi trường, có trách nhiệm và bày tỏ ý kiến về các vấn đề liên quan đến môi trường.

Hình ảnh ô nhiễm môi trường, rừng bị chặt phá được minh họa trong bài giảng

Đây là bài giảng tương tác môn đạo đức lớp 4 do cô Đinh Thị Lan Phương (giáo viên Trường Tiểu học Võ Trường Toản, Q.10, TP.HCM) thiết kế và giảng dạy hiệu quả tại trường, vừa đạt giải khuyến khích cuộc thi giáo viên (GV) Sáng tạo trên nền tảng CNTT năm 2017. Từ hình ảnh ba mẹ đeo khẩu trang tham gia giao thông, cô Phương đề cập đến vấn đề ô nhiễm môi trường, từ đó dẫn vào bài mới Bảo vệ môi trường.

Hoạt động 1: Tìm hiểu thông tin

Trên thế giới mỗi năm có khoảng 500 ngàn tấn dầu đổ xuống sông, biển; nhiều người phải sử dụng nước ô nhiễm… Trong hoạt động này, GV thêm hình vào cùng lúc với thông tin của SGK vì lứa tuổi HS tiểu học còn thiên về tư duy trừu tượng. Những thông tin kèm hình ảnh giúp các em mã hóa, ghi nhận thông tin nhanh và có ấn tượng sâu sắc. GV thao tác vào những vị trí trên bảng để hiện thông tin cho HS đọc. Tiếp đó, giải thích khái niệm sự xói mòn đất bằng đoạn phim, vì đây là một khái niệm mới, khá khó hiểu đối với HS. Tuy là môn đạo đức nhưng GV vẫn tổ chức cho các em được xem đoạn phim này. Qua đoạn phim, HS hiểu được tầm quan trọng của cây xanh trong việc chống lại hiện tượng xói mòn đất, qua đó biết tầm quan trọng của rừng phòng hộ… Khi đã hiểu, HS sẽ tự giác nhắc nhở mọi người bảo vệ cây xanh, bảo vệ rừng.

Tại Việt Nam, diện tích rừng bị thu hẹp dẫn đến sạt lở núi, lũ quét ở nhiều nơi gây nguy hiểm cho con người và khó khăn trong sản xuất. Nhiều người mắc bệnh do sống trong môi trường bị ô nhiễm, do sử dụng thực phẩm kém an toàn. Phần này, GV làm thế nào để HS thấy hậu quả của sử dụng nước ô nhiễm. (HS tham khảo thêm trích đoạn phóng sự tài liệu ảnh hưởng của việc sử dụng nguồn nước ô nhiễm đến sức khỏe con người).

Tiếp đó, HS thảo luận nhóm, viết câu trả lời trên thẻ giấy gắn vào bảng phụ, sau đó trình bày trước lớp. GV chốt nội dung với một số hình ảnh. Sau khi HS trả lời câu hỏi Môi trường bị ô nhiễm ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống con người? GV cho các em chơi trò chơi Thông điệp bí mật. Trò chơi sử dụng thao tác thùng chứa, HS kéo thả các thẻ vào ô phù hợp. Nếu đúng thẻ sẽ ở lại trong ô, nếu sai thẻ sẽ quay về vị trí ban đầu. Thông điệp về hậu quả của chặt phá rừng, đất bị xói mòn trở nên nhẹ nhàng hơn với HS khi được biến thành trò chơi.

Nhiều kỹ năng ở HS khá lên

Cô Đinh Thị Lan Phương chia sẻ, có được những bài giảng tương tác sinh động như thế này cũng nhờ Ban Giám hiệu nhà trường tạo mọi điều kiện cho tôi học và tập huấn sử dụng bảng tương tác từ trước. Mục tiêu khi thiết kế bài giảng là làm sao để HS tương tác nhiều nhất có thể. Qua thực tế, sau những tiết học, nhiều kỹ năng ở HS khá lên, đặc biệt là kỹ năng tư duy, nói và viết. Về lâu dài GV có thể tổng hợp nội dung, gộp lại thành bài tích hợp liên môn phục vụ giảng dạy. 

Sau đó GV chốt thông tin về hậu quả con người phải gánh chịu khi môi trường bị ô nhiễm, viết lại việc em đã làm để bảo vệ môi trường. Hoạt động này buộc HS nhớ lại mình đã làm được điều gì hoặc suy nghĩ xem mình có thể làm gì để bảo vệ môi trường. Chiếu đoạn phim về các bài học bảo vệ môi trường. HS biết thêm các biện pháp có thể thực hiện và rút ra cho mình những biện pháp có thể thực hiện. GV chốt lại nội dung hoạt động 1.

Hoạt động 2: Bày tỏ ý kiến

Để hoạt động thú vị và sinh động, GV chuyển bài tập trong SGK thành một tình huống giả định. Ở đây, HS là nhân vật chính và phải đưa ra các quyết định quan trọng vì những quyết định này có ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người, đến môi trường sống xung quanh.

Trong hoạt động này, HS tham gia vào một tình huống để rèn kỹ năng đưa ra quyết định, kỹ năng lập luận để thuyết phục người khác. GV chia lớp làm ba nhóm: Hai nhóm nhỏ đóng vai 2 công ty muốn đến đầu tư vào địa phương. Nhóm còn lại là người dân và chính quyền. HS hóa thân vào nhân vật của mình và đưa ra các quyết định hay thông tin để thuyết phục người khác.

Mỗi công ty có hai hạng mục, HS phải tìm cách suy nghĩ, thuyết phục người dân đồng ý cho các hạng mục của mình. Trong khi đó nhóm thứ ba phải suy xét những mặt lợi, mặt hại của từng hạng mục để đưa ra quyết định đàm phán. Trong quá trình các nhóm thảo luận, GV có thể góp ý thêm cho HS, chẳng hạn như “Với việc xây dựng xưởng cưa, HS có thể nhận lời nhưng yêu cầu công ty phải cam kết không gây ô nhiễm môi trường. Nếu có vấn đề xảy ra, công ty phải đóng cửa nhà máy ngay lập tức”.

Những góp ý của GV có thể giúp HS biết thêm những ý kiến trái chiều để phát triển tư duy phản biện, biết thêm những cách lập luận khi thuyết phục người khác khi tranh luận. Cuối cùng GV tổng kết thông tin, đưa ra đánh giá về các vấn đề đã nêu cùng với lời giải thích rõ ràng.

T.Anh (ghi)