Thứ năm, 21/12/2017, 22h50

Bài học từ cửa xe bus

“Thành phố ban ngày như một bức tranh di động, người xe tấp nập, ai ai cũng như những chú kiến cần mẫn hăng say” là cảm nhận của nhiều học sinh khối 3 Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1, TP.HCM) trong chuyến bus trải nghiệm vòng quanh Quận 1 vừa qua.

Các em HS lên xe buýt, chuẩn bị cho buổi học trải nghiệm thực tế từ ngoài đường phố

Kết hợp với chuyến đi, các em được tham quan Dinh Độc Lập, lắng nghe những chuyện xưa của lịch sử. Chuyến hành trình quen thuộc chỉ chừng vài cây số nhưng đã mang lại cho các em những góc nhìn đầy mới mẻ về chính thành phố nơi mình đang sống.

Thành phố qua ô cửa kính

Chuyến xe bus khởi hành lúc 8h sáng, đánh theo hình vòng cung, từ Đinh Tiên Hoàng, ra Tôn Đức Thắng vòng lên đại lộ Võ Văn Kiệt rồi dừng ở Dinh Độc Lập. Qua mỗi cung đường, các em được các hướng dẫn viên “cây nhà lá vườn” là các thầy cô giáo thuyết minh về những địa danh hành chính, giáo dục của thành phố.

Này là Trường Đại học KH-XH&NV trên đường Đinh Tiên Hoàng, là phố đi bộ trên đường Nguyễn Huệ, đường Lê Duẩn có UBND Quận 1, là tuyến Metro đang xây dựng dọc thành phố… Với mỗi địa danh, các em học sinh được khuyến khích gọi tên và nói lên những hiểu biết của mình. Bạn nào cũng tranh nhau phát biểu khiến không khí trên xe vô cùng náo nhiệt.

“Có thể là con đường rất quen thuộc mà hàng ngày các em đi học. Nhưng không phải ba mẹ nào cũng giải thích cặn kẽ cho các bé từng địa danh. Chuyến xe như một cuộc hành hương trở về những điều quen thuộc dưới những góc nhìn đầy tươi mới, khi các bé được chơi mà học” - cô Trần Mỹ Trang, giáo viên chủ nhiệm lớp 3/8 chia sẻ.

Để có thể trở thành những hướng dẫn viên “bất đắc dĩ” trên chuyến xe, cô Trang nói, các thầy cô trước đó đã phải cập nhật thêm những kiến thức mới từ những địa danh, những đổi thay của thành phố. “Phố đi bộ trước là một đại lộ lớn, nhà ga tuyến Metro trước đây lại là trung tâm thương mại (thương xá Tax)… Tất cả những điều đó, mình đều phải nói với các em, để các em có cái nhìn đầy đủ hơn về thành phố ngày hôm nay” - cô Trang cho biết.

Qua mỗi cung đường, mỗi địa danh, các em học sinh lại chăm chú ghi chép những hiểu biết, cảm nhận của mình vào cuốn sổ. “Nhiều cây xanh và những tòa cao ốc. Phố đi bộ chỉ thật sự tỏa sáng về đêm, còn ban ngày cũng như bao tuyến phố khác. Bến Nhà Rồng là nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước” - Bảo Trân (lớp 3/8) chia sẻ.

Dù bị say xe nhưng Minh Khuê (lớp 3/8) vẫn háo hức tham gia cuộc hành trình bởi “lần đầu tiên con được nhìn thành phố đầy năng lượng trong ánh nắng của ngày mới qua ô cửa kính xe bus”.

Nghe hồn dân tộc từ xưa vọng về

Điểm cuối của cuộc hành trình là Dinh Độc Lập. Với rất nhiều em, dù đã được đi tham quan nhiều lần cùng với ba mẹ nhưng chuyến đi lần này với các bạn lại mang những trải nghiệm khác. Nhưng cũng có bạn, đây lại là lần trải nghiệm đầu tiên ở địa danh lịch sử này.

Cô Trần Thị Hoài Thảo, giáo viên chủ nhiệm lớp 3/9 cho biết, đây là chuyến đi thực tế tích hợp các môn học như Toán, Tiếng Việt, Tự nhiên Xã hội khi các em đang học về chủ đề Thành phố nơi em đang sống. “Thay vì ngồi trên lớp học từng môn, thì các em lại được học những trải nghiệm trực tiếp từ ngoài đường phố, được nghe những câu chuyện lịch sử bổ ích và thú vị. Qua đó, dạy các em tình yêu, tự hào về thành phố”.

“Mẹ con kể Dinh Độc Lập là nơi ở của gia đình Tổng thống nhưng đây là lần đầu tiên con được đến tham quan cùng các bạn. Điều con ấn tượng nhất là khu vườn trên tầng hai của gia đình Tổng thống, nhiều loại cây vẫn còn đến tận ngày hôm nay…” - Hà My (lớp 3/9) chia sẻ.

Còn với Anh Khoa (lớp 3/1) lại ngỡ ngàng khi chứng kiến phòng thông tin trong Dinh Độc Lập. “Nhiều điện thoại bàn rất cũ, những giấy tờ sổ sách còn được lưu nguyên trong tủ hồ sơ. Cô hướng dẫn viên nói từ nơi này, những kế hoạch tác chiến, những thông tin mật đã được chính quyền Ngô Đình Diệm phát đi. Khi đứng ở nơi này, con như đang nghe hồn dân tộc xa xưa vọng về” - Khoa xúc động.

Cô Trần Thị Hoài Thảo, giáo viên chủ nhiệm lớp 3/9 cho biết, đây là chuyến đi thực tế tích hợp các môn học như Toán, Tiếng Việt, Tự nhiên Xã hội khi các em đang học về chủ đề Thành phố nơi em đang sống. “Thay vì ngồi trên lớp học từng môn, thì các em lại được học những trải nghiệm trực tiếp từ ngoài đường phố, được nghe những câu chuyện lịch sử bổ ích và thú vị. Qua đó, dạy các em tình yêu, tự hào về thành phố”.

Là một giáo viên mới ra trường, cô Trần Thị Bích Ngọc (giáo viên chủ nhiệm lớp 3/1) cho rằng, những tiết học thực tế như thế này vừa tạo hứng thú học tập cho học sinh lại vừa giúp các em ghi nhớ sâu kiến thức. “Chặng hành trình rất gần, rất quen thuộc mỗi ngày với các em nhưng lại được làm mới qua cửa kính xe bus. Kể cho các em nghe những câu chuyện của từng địa danh trong thành phố, về Dinh Độc Lập khói lửa một thời. Điều này đặc biệt có ý nghĩa giáo dục các em biết Uống nước Nhớ nguồn khi hướng tới kỷ niệm 73 năm Ngày Thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam 22-12” - Cô Ngọc chia sẻ.

Bài, ảnh: Yến Hoa