Thứ sáu, 27/4/2012, 10h04

Bài học về sự… thanh lịch

Vốn là người Hà Nội nên phong thái đứng lớp của cô Nguyễn Thị Hồng Lan rất thanh lịch

Vì sao gọi là bài học về thanh lịch? Trước hết, đó là một bài giảng chứa đựng câu chuyện về con người Hà Nội theo câu ca dao: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Tuy nhiên sẽ không có nét thanh lịch nếu không đề cập phong cách đứng lớp của giáo viên (GV)…
Trong chương trình văn học phổ thông, vẻ đẹp và chiều sâu văn hóa người Hà Nội lấp lánh như một viên kim cương trong chuỗi ngọc văn chương Việt Nam. Vẻ đẹp đó có khi ẩn trong một câu thơ của thi sĩ Bắc Hà, lấp ló trong dòng tùy bút, tập truyện ngắn của nhiều nhà văn thủ đô. Nhưng phải đến truyện ngắn Một người Hà Nội của Nguyễn Khải thì vẻ đẹp đó mới được tỏa sáng gần như viên mãn. Đó là bài giảng do cô Nguyễn Thị Hồng Lan, GV Trường THPT Thanh Đa, thực hiện tại lớp 12A5.
Thanh lịch trong bài học
Ngay ở phần tiểu dẫn, cô Hồng Lan đã để lại một “điểm nhấn” là yêu cầu học sinh (HS) lưu ý quê quán tác giả. Được sinh ra tại Hà Nội nên hơn ai hết Nguyễn Khải rất am hiểu về chiều sâu văn hóa người thủ đô. Đây cũng là một kinh nghiệm của GV dạy văn: Khi bài giảng có quá nhiều thông tin về tác giả thì phải biết lựa chọn những ý nào có liên quan và thật cần thiết. Không phải cứ có gì trong SGK là bắt HS nhập hết vào “bộ nhớ”.
Mặc dù tác giả có một số lượng tác phẩm xuyên suốt chiều dài lịch sử nước nhà, được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng ASEAN nhưng SGK chỉ chọn Một người Hà Nội trong chương trình nâng cao và cũng được đọc thêm trong chương trình cơ bản.  Rõ ràng sức hút của tác phẩm đã làm cho người biên soạn SGK không thể bỏ qua”. Nhưng đó chưa phải là lý do chính. Giống như nhà văn Nguyễn Minh Châu, có thể nói Nguyễn Khải là người đặt nền móng đầu tiên cho nền văn xuôi Việt Nam hiện đại gắn liền với công cuộc đổi mới của đất nước, đặc biệt là đổi mới trong văn học. Đây mới là tiêu chuẩn được đánh giá cao để tác phẩm vững vàng song hành cùng với Chiếc thuyền ngoài xa. Vì lẽ đó mà GV bộ môn đã đưa một câu hỏi hơi lạ như hướng HS theo đúng “linh hồn” của bài học: “Các em có chú ý gì về xuất xứ và hoàn cảnh sáng tác truyện Một người Hà Nội?”.
Ở phần “đinh” của bài, cô Hồng Lan lấy tình huống câu chuyện làm “khởi điểm” và bà Hiền là nhân vật đứng giữa những dòng chảy của lịch sử. Dòng chảy thứ nhất là quãng thời gian êm đềm trước ngày hòa bình lập lại năm 1955 với tình yêu Hà Nội và sự gắn bó tha thiết với mảnh đất thiêng. Hào khí của con người trở về từ chiến thắng là dòng chảy thứ hai đi qua nửa cuộc đời của bà đã làm cho thái độ và nếp sống thay đổi. Tuy nhiên điều đáng trân trọng của người phụ nữ này là vẫn giữ được gốc rễ cội nguồn văn hóa. Dù có nhiều ý kiến trái ngược với chồng con nhưng bà Hiền vẫn là người phụ nữ thị thành có bản lĩnh, khôn ngoan và sắc sảo. Bằng lòng cho hai đứa con lên đường nhập ngũ trong thời kỳ chống Mỹ, bà Hiền thể hiện được phẩm chất người mẹ Việt Nam giàu lòng tự trọng, có ý thức trách nhiệm với cộng đồng. Thế nhưng, sau dòng chảy của đại thắng mùa xuân năm 1975, bà Hiền lại trở về với những khoảnh khắc yên bình trong lối sống trang nhã của người Hà Nội xưa. Phẩm chất đó càng được in đậm hơn trong giai đoạn đất nước bước vào thời kỳ đổi mới. Có lẽ ở dòng chảy này nhà văn đã tìm cách “cưu mang” nhân vật của mình nên lối sống tinh tế, thanh lịch, quý phái đã biến bà thành biểu tượng một thời vàng son đã qua của Hà Nội, là hiện thân của văn hóa Tràng An đứng vững trong bao đảo điên của thường nhật.
Thanh lịch trong giờ giảng
Chi tiết đắt giá được GV khai thác đúng chỗ là hình ảnh cây si đổ bật gốc và được hồi sinh qua lời kể nhân vật. Thế nhưng, do không muốn làm thay HS nên GV đã đưa ra câu hỏi gợi mở để giúp các em tìm ra ý nghĩa tu từ của hình ảnh ẩn dụ đặc biệt này. Đó cũng là cách mà GV “dọn đường” cho HS khai thác hình ảnh “một hạt bụi vàng” của Hà Nội qua nhân vật bà Hiền để tôn vinh nét đẹp trong bề sâu nhân cách con người. Phần tiểu kết này như một lời “đánh động” cho tuổi trẻ hôm nay khi có không ít người “hòa tan” vào những giá trị văn hóa xô bồ ngoại lai mà tự đánh mất đi bản sắc văn hóa dân tộc dễ làm cho hạt bụi vàng văn hóa trôi đi.
Vốn là người có cuộc đời gắn bó với Hà Nội nên cô Hồng Lan có vẻ đẹp ngoại hình và tâm hồn người phụ nữ Hà thành. Nét thanh lịch còn được lộ diện qua âm sắc trầm bổng của giọng nói và phong thái đứng lớp. GV đứng trên bục giảng như một nhân chứng sống của bài học. Phải chăng đó là lợi thế đầu tiên của cô khi truyền tải đến HS hồn văn hóa Một người Hà Nội. Vậy mà cô Hồng Lan vẫn còn nuối tiếc khi chưa có chiếc áo tân thời màu nâu đồng thêu hình ảnh hoa sen để “trình diễn” trên lớp.
Sự sáng tạo của GV không chỉ qua những file ảnh về Hà Nội xưa và nay mà còn qua câu ca dao mà GV chế lại:  “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu chưa (không) thanh lịch cũng người Tràng An”. Dù đó là một chi tiết nhỏ nhưng nếu người dự giờ chú ý và phát hiện thì mới thấy vẻ đẹp lịch lãm không hề nhỏ chút nào của người thủ đô. Một điều cũng cần nói thêm, có được tiết học thanh lịch cũng nhờ các em HS xây dựng bài và hăng say phát biểu một cách… lịch lãm, có văn hóa. Đây là một điều cần thiết mà không phải giờ học nào cũng có được.
Niềm tự hào về mảnh đất rồng thiêng cũng là niềm tự hào về những con người dù không sinh ra ở Hà Nội nhưng đều là con cháu vua Hùng trên dải đất hình chữ S cũng là cách để nâng tầm giá trị văn hóa, hiền tài của dân tộc.
Bài, ảnh: Phan Ngọc Quang
Cùng với nhà văn Nguyễn Minh Châu, nhà văn Nguyễn Khải là người đặt nền móng đầu tiên cho nền văn xuôi Việt Nam hiện đại gắn liền với công cuộc đổi mới của đất nước, đặc biệt là đổi mới trong văn học.