Thứ hai, 22/3/2010, 08h03

Bài toán nào để “hút” học sinh học nghề?

Học sinh Trường THCS Trương Văn Ngư, quận Thủ Đức đang nghe tư vấn học nghề

Mỗi năm, tại TP.HCM có gần 10.000 học sinh thi rớt tốt nghiệp THPT và khoảng vài chục ngàn học sinh thi rớt CĐ, ĐH. Tuy vậy, nhiều học sinh vẫn không chọn học nghề mà cố ôn luyện để năm sau thi vào ĐH. Và nghịch lý là sau những tháng năm “dùi mài kinh sử” mà vẫn không thi đậu, các em phải lao động với công việc phổ thông.
Chê trường nghề...
Theo thống kê của Sở GD-ĐT TP.HCM, năm 2009 TP.HCM có 2.538 học sinh chính quy thi rớt tốt nghiệp THPT, gần 6.000 học sinh hệ GDTX thi rớt tốt nghiệp và khoảng vài chục ngàn học sinh thi rớt CĐ, ĐH. Mặt khác, theo thống kê của Bộ GD-ĐT, hàng năm có 550.000 - 580.000 học sinh tốt nghiệp THCS nhưng vì nhiều lý do không tiếp tục học lên THPT. Theo ThS. Phạm Ngọc Thanh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM thì số học sinh này nếu không được đào tạo nghề để trở thành lao động có kỹ năng mà đi thẳng ra thị trường lao động không chỉ là sự lãng phí về vốn con người, mà có thể còn tạo thêm gánh nặng cho xã hội trong hiện tại và tương lai.
Thực tế cho thấy ở các quận ven và huyện ngoại thành như: Cần Giờ, Hóc Môn, Thủ Đức, quận 9, Nhà Bè, Bình Chánh, quận 7… tình trạng học sinh bỏ giữa chừng hay khi học hết phổ thông nhưng không theo học nghề vẫn còn phổ biến. Thầy Phạm Văn Tiến, Hiệu trưởng Trường THPT Tân Phong quận 7 lý giải: “Học sinh đa phần vì không theo nổi chương trình lớp 10 nên bỏ học, còn nhiều em thi rớt ĐH, CĐ, chờ năm sau thi lại... Trong khi con đường học trung cấp, rồi học liên thông lên đại học rất gần lại ít học sinh nghĩ tới”. Còn theo nhận xét của cô Trương Thị Tuyết Phụng, chuyên viên Phòng Giáo dục huyện Cần Giờ, số học sinh bỏ học khi lên lớp 10, lớp 11 ở địa bàn là khá lớn.
Ở các quận ven và huyện ngoại thành, phần lớn học sinh không phải qua thi tuyển mà chỉ xét tuyển vào lớp 10 nên nhiều em theo không nổi đành phải bỏ dở dang. Điều đáng nói là cửa vào các trường nghề, trường TCCN luôn rộng thênh thang nhưng các em vẫn không vào học. Thầy Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Nguyễn Hữu Cảnh cho biết: “Những học sinh có học lực trung bình ở THCS khi học lên THPT thì khó theo nổi, đâm ra nản chí rồi bỏ học. Thay vì theo học nghề để phù hợp với năng lực bản thân, thì hàng trăm ngàn học sinh đã bỏ phí 3 năm học THPT”.
Không phải cùng đường mới vào trung cấp
Theo ông Nguyễn Trọng Cường, Trưởng phòng GD-ĐT quận Thủ Đức: “Năm vừa qua, do quận làm công tác phân luồng khá tốt nên nhiều học sinh đã tiếp bước đường học bằng cách học trung cấp. Chúng tôi đã đưa các em đến thăm các trường trung cấp trên địa bàn để các em tìm hiểu về ngành nghề và sở thích của mình. Đồng thời quận cũng mời các trường xuống giới thiệu cho học sinh. Kết quả là nhiều em nghỉ học giữa chừng đã được vận động vào học trung cấp. Học sinh vào học trung cấp không hẳn là họ học kém mà chỉ là không có khả năng học văn hóa, nhưng lại có thể phát triển khả năng khi đi học nghề. Đặc biệt nhiều học sinh học giỏi khi theo học nghề lại càng giỏi hơn”.
Nếu làm tốt công tác phân luồng, đầu tư cơ sở vật chất tốt sẽ không thiếu học sinh theo học tại các trường trung cấp nghề. Việc đưa học sinh tham quan tìm hiểu các trường, song song với việc tư vấn, phân luồng cho các em ngay từ THCS, thậm chí ngay từ tiểu học tốt sẽ cải thiện được vấn đề học sinh đổ xô đi thi CĐ, ĐH. Ở góc độ này, thầy Nguyễn Văn Quý, Hiệu trưởng Trường THCS Tân Quý, Q.9 chia sẻ: “Ngoài chuyện nâng cấp “mặt tiền”, các trường trung cấp nên cải tiến phương pháp đào tạo. Việc đan xen giữa học văn hóa và học nghề phải làm sao để học sinh chịu học và cảm thấy hứng thú. Việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho trường trung cấp cũng cần được Nhà nước chú ý, đặc biệt là đối với một số trường được chọn làm chủ lực. Mặt khác, học phí tương đối phù hợp ở nhiều trường trung cấp hiện nay cũng là cách thu hút học sinh vào học. Đừng để học sinh “hết đường chạy” mới vào trung cấp”.
Bài, ảnh: Văn Mạnh