Thứ hai, 1/10/2012, 15h10

Bài văn của ai?

Đã vào năm học mới nhưng cô T. vẫn không sao quên được gương mặt của M. - một học sinh (HS) năm rồi cô bảo là “ăn cắp” văn của bạn.
Cô T. có giọng nói rất truyền cảm, đã thế cô còn dạy văn rất hay. HS được học cô luôn hứng thú trong giờ tiếng Việt, nhất là khi cô dạy phân môn tập làm văn. Lớp của cô dạy luôn đạt điểm cao ở môn tiếng Việt. Nhiều bài văn của HS lớp cô được các giáo viên khác xin để làm bài tham khảo.
Ôn tập cuối học kì II năm học vừa qua, các thầy cô dạy khối lớp 5 ở trường cô T. đã thống nhất một số đề tập làm văn ở nhiều thể loại cho HS ôn tập. Chiều thứ sáu hàng tuần, HS khối lớp 5 chép đề, về nhà làm và sáng thứ hai nộp lại cho giáo viên. Một lần, đề bài yêu cầu “Em hãy tả lại một người trong gia đình mà em yêu thương nhất”. Sáng thứ ba, cô T. đang ngồi ở phòng giáo viên đọc báo thì thầy Đ. - một giáo viên trẻ của khối lớp 5 bước vào, nói với giọng rất vui: “Một HS lớp em làm bài văn hay quá chị ơi. Chị đọc thử xem, em định cho điểm 10”. Cô T. đọc và nhận thấy bài văn tả mẹ với nét chữ rất đẹp, ý phong phú, câu trôi chảy, tràn đầy cảm xúc chân thật, làm người đọc rất xúc động vì tình mẹ con. Cô bảo thầy Đ. cứ mạnh dạn cho điểm 10 nhằm động viên, khuyến khích học sinh.
Đến lúc chấm bài của lớp mình, cô T. phát hiện bài văn của em M. giống hệt bài văn mà thầy Đ. đã đưa cô đọc. Cô gọi M. tra hỏi nhưng em vẫn bảo bài văn do chính mình làm. Cô tỏ vẻ không tin vì M. không phải là HS giỏi văn bởi văn của em thường thiếu cảm xúc, chữ lại không đẹp... Quá giận vì cho rằng M. ngoan cố không chịu nhận lỗi, cô nói lớn: “Em “ăn cắp” văn của bạn còn dối trá là của mình. Thật đáng xấu hổ!”. Cô vừa dứt lời, mặt M. trắng bệch ra, hai vai run lên rồi sụp xuống bàn khóc nức nở. Cô lúng túng nhưng để trắng đen rõ ràng, cô sang phòng thầy Đ. mượn bài văn sáng nay cô đã đọc và dẫn em HS đã viết bài văn ấy về lớp…
Mọi việc sáng tỏ. M. và em HS lớp thầy Đ. gần nhà nhau. Khi sang nhà M., em này thấy bạn đã làm bài xong và rất hay, nghĩ rằng học khác lớp, chắc thầy cô sẽ không biết nên em đã mượn bài của M. để chép. Cô T. chỉ còn biết nói mấy lời xin lỗi M. Sau đó, qua HS thầy Đ., cô còn xót xa hơn khi biết rằng mẹ M. mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối. Có lẽ vì cảm nhận nỗi đau sắp mất mẹ nên M. đã đặt hết tình cảm yêu thương mẹ qua bài làm của mình.
Nhiều giáo viên như cô T. đôi khi quá tin tưởng vào khả năng đánh giá năng lực của HS đã làm các em hụt hẫng, thất vọng khi bị thầy cô đánh giá thấp mỗi lúc các em có được tiến bộ vượt bậc, ngoài dự kiến của giáo viên.
Lê Phương Trí