Thứ sáu, 15/3/2013, 14h03

Bản lĩnh người thầy

Theo đánh giá của Sở GD-ĐT TP.HCM, tại thời điểm này hầu hết các trường đang thực hiện đủ các bài dạy theo đúng chương trình. Cá biệt một vài đơn vị đã sử dụng lợi thế tăng tiết từ đầu năm nên đã đi gần hết chương trình mà Bộ GD-ĐT quy định. Rõ ràng đây là một lợi thế giúp các em có thêm thời gian ôn tập khi chỉ còn nửa tháng nữa là bộ công bố các môn thi tốt nghiệp THPT. Những môn học nếu không được chọn thi thì cũng phải “chạy nước rút” để đi hết chương trình phục vụ cho kỳ thi ĐH, CĐ sau đó. Đánh giá về chương trình cho cả ba khối bậc THPT, nhiều ý kiến vẫn cho rằng chương trình quá dài và nặng nề dù đã có sự điều chỉnh và giảm tải, nhất là các bộ môn khoa học xã hội. Giáo viên không còn sự lựa chọn nào khác là phải “đi” hết bài, nhưng không có thời gian để ôn tập và củng cố bài.
Về phía người học, ngoài các em khá giỏi vẫn còn một bộ phận thờ ơ trong việc học, nhất là tại các trung tâm GDTX. Văn, sử, địa vẫn là những bộ môn các em thiếu mặn mà nếu không nói là chán học và không chịu học. Đối với học viên thì không ít em vừa học vừa nghe ngóng xem năm nay thi 6 môn nào. Nếu là môn sẽ thi thì hối hả “ăn gấp uống vội” còn nếu không thi thì học cho xong. Thử hỏi như vậy thì làm sao khắc sâu kiến thức?
Trước thực trạng đó, giáo viên phải là người có đủ bản lĩnh để vượt qua các thử thách. Muốn làm được sứ mạng đó trước hết bản thân người thầy phải yêu nghề, có trách nhiệm cao với việc học của học sinh. Khi đã tận tâm thì thầy cô mới truyền được hết ngọn lửa nhiệt huyết bộ môn của mình. Thế nhưng, thực trạng trong thời gian qua cho thấy, một vài giáo viên còn lúng túng trong đổi mới phương pháp. Nếu có đổi nhưng lại chưa thấy mới, vẫn còn đâu đó phương pháp đọc chép áp đặt kiến thức. Những câu hỏi đưa ra như “từ trên trời rớt xuống” vì quá tầm người học. Lại có người quan niệm cứ sử dụng giáo án thiết kế trên phần mềm PowerPoint hoặc tổ chức thảo luận nhóm là coi như đã đổi mới cách dạy(?). Họ không biết rằng đổi mới phương pháp là yêu cầu giáo viên biết cách tổ chức hướng dẫn, học sinh là người lĩnh hội kiến thức. Hơn ai hết thầy cô là người xác định kiến thức cơ bản và tổ chức bằng nhiều biện pháp sư phạm giúp học sinh lĩnh hội kiến thức đó. Nếu làm được như vậy thì dù phương tiện dạy học chỉ là bảng đen, phấn trắng, sách giáo khoa thì cũng là đổi mới phương pháp rồi.
Nguyễn Hoàng Anh