Thứ bảy, 18/2/2017, 20h34

Bao giờ hết nỗi lo thực phẩm không an toàn?

Trước “độ nóng” của vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), tuần qua, HĐND TP.HCM đã đi khảo sát việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) tại một số siêu thị, chợ truyền thống và trường học (tổ chức bán trú) trên địa bàn thành phố. Qua đó cho thấy, mặc dù các cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp để ngăn chặn nhưng thực phẩm bẩn tràn lan...

Bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố khảo sát truy xuất nguồn gốc thịt heo ở chợ Rạch Ông sáng 17-2. Ảnh: M.C

Bẩn... như chợ

Sáng 17-2, đoàn đại biểu HĐND thành phố đã đến khảo sát tại chợ Rạch Ông (Q.8). Hình ảnh đập vào mắt mọi người là lối đi đọng nước, nhiều thực phẩm để sát mặt đất bùn sình văng tung tóe… Ông Cao Thanh Bình, Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố, cho biết: Khảo sát một số sạp hàng, ghi nhận nhiều sạp bán phụ gia thực phẩm không có nhãn mác; hóa đơn nhập hàng chỉ thấy liệt kê mặt hàng, không ghi rõ nơi cung cấp nên khó truy xuất nguồn gốc…

Trước thực trạng này, bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND thành phố đề nghị Ban quản lý chợ Rạch Ông cần tăng cường tuyên truyền để các tiểu thương thực hiện tốt ATVSTP; vận động và kiểm tra thường xuyên để tránh việc tiểu thương bán hàng hóa không rõ nguồn gốc, hàng hóa kém chất lượng…

Theo báo cáo, chợ Rạch Ông hiện có hơn 100 hộ tiểu thương kinh doanh. Năm 2016, Ban quản lý chợ đã triển khai cho 58 hộ kinh doanh ngành hàng ăn uống, gia cầm, thịt gia súc đăng ký tham gia đề án, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại chợ. Tuy nhiên, xung quanh chợ Rạch Ông vẫn còn chợ tự phát và nhiều hộ buôn bán gây khó khăn cho các tiểu thương đang kinh doanh trong chợ.

Từ thực tế này, nhiều đại biểu HĐND cho rằng Ban quản lý chợ Rạch Ông và chính quyền địa phương cần có phương án giải tỏa chợ tự phát và những hộ buôn bán xung quanh để đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho các tiểu thương.

Tối cùng ngày, đoàn cũng đến khảo sát tại chợ Bình Điền (H.Bình Chánh) - chợ đầu mối lớn nhất cả nước. Theo báo cáo, năm 2016, chợ Bình Điền đã xử lý hơn 240 trường hợp vi phạm ATVSTP với tổng số tiền hơn 500 triệu đồng, xử lý 105 trường hợp bơm nước vào thịt heo... Chợ Bình Điền hiện có 16 nhân viên thú y, mỗi đêm có 10 người túc trực thường xuyên để kiểm tra nguồn gốc thực phẩm vào chợ.

Cùng ngày, đoàn giám sát HĐND TP.HCM do ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách làm Trưởng đoàn đã khảo sát tại siêu thị Co.opmart Nguyễn Đình Chiểu (Q.3). Nhiều đại biểu HĐND tỏ ra băn khoăn về quy trình kiểm soát nguồn hàng nhằm đảm bảo ATVSTP đến người tiêu dùng như: kiểm soát các sản phẩm hết đát, thông tin cho người tiêu dùng nhận biết nguồn gốc sản phẩm, cách bảo quản sản phẩm… Trước những băn khoăn này, đại diện Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Sài Gòn Co.op) thông tin, năm 2016 hệ thống này đã khảo sát 470 nhà cung cấp nhằm đánh giá điều kiện cơ sở sản xuất, trang thiết bị, hồ sơ truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, ưu tiên chọn hàng nông sản của các hợp tác xã có chứng nhận VietGAP, Global Gap về quy trình sản xuất sau an toàn…

Quan ngại về ATTP ở trường học

Trước đó, ngày 16-2 đoàn đại biểu HĐND thành phố cũng đã có buổi giám sát về công tác đảm bảo ATTP tại Trường TH Trương Quyền (Q.3). Ông Nguyễn Văn Phú, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trường đã trang bị đầy đủ cơ sở vật chất để tổ chức bếp ăn nhưng thiếu nhân lực, thiếu lực lượng có chuyên môn nghiệp vụ nên nhà trường sử dụng suất ăn công nghiệp để phục vụ cho hơn 1.000 học sinh bán trú”.

Và đây cũng là sự lựa chọn của rất nhiều trường học tổ chức bán trú trên địa bàn thành phố. Điều này khiến không ít đại biểu băn khoăn, lo lắng về chất lượng của các suất ăn công nghiệp. Một số đại biểu thắc mắc không biết nhà trường có kiểm tra được nguồn gốc thực phẩm, quy trình chế biến của cơ sở, cũng như quá trình vận chuyển suất ăn từ cơ sở sản xuất đến trường học có đảm bảo ATTP, suất ăn có đủ chất dinh dưỡng cho học sinh. Ngoài ra, đại biểu cũng đặt vấn đề về giấy phép của đơn vị cung cấp thức ăn có đủ tin cậy…

Trả lời những chất vấn này, ông Phú cho hay: Nhà trường tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về kiểm tra và lưu mẫu thức ăn theo đúng quy định của ngành y tế. Đại diện nhà trường và phụ huynh đã trực tiếp đến kiểm tra tại cơ sở chế biến thức ăn. Riêng căng tin, ngoài kiểm tra thường xuyên của nhà trường còn có sự kiểm tra đột xuất của phụ huynh…

Chiều 17-2, đoàn giám sát cũng có buổi làm việc với UBND Q.3 về vấn đề này. Nhiều đại biểu cho rằng, Q.3 cần tăng cường kiểm tra các bếp ăn tập thể, cơ sở cung cấp thức ăn sẵn, đặc biệt là suất ăn công nghiệp phục vụ cho trường học.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND thành phố đề nghị Q.3 tăng cường quản lý về ATTP tại bếp ăn trường học, các chợ truyền thống. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, xử lý các cơ sở kinh doanh vi phạm về ATVSTP, hóa chất, phụ gia…

Được biết, trong hai năm 2015 và 2016, các cơ quan chức năng Q.3 đã thanh kiểm tra hơn 1.260 cơ sở, xử lý 730 cơ sở vi phạm về ATVSTP với số tiền xử phạt hơn 3,5 tỷ đồng. Đồng thời, tiến hành kiểm tra hơn 5.300 lượt/hơn 1.260 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố, tiến hành xử phạt 54 cơ sở với số tiền 42 triệu đồng…

Minh Châu