Thứ bảy, 26/11/2016, 20h14

Bạo lực học đường do khủng hoảng tâm lý

Sự phát triển tâm sinh lý ở lứa tuổi vị thành niên có rất nhiều biến động. Các em đã, đang trải qua thời kỳ dậy thì, một giai đoạn mà các em đối mặt với nhiều khủng hoảng từ nhận thức, thái độ cho đến hành vi.

Nữ sinh Huế đánh nhau trước cổng trường (ảnh minh họa). Ảnh: I.T

Sự thay đổi về sinh lý ảnh hưởng rất rõ rệt đến sự thay đổi tâm lý, quá trình hưng phấn chiếm ưu thế rõ rệt hơn ức chế, dẫn đến nhiều tình huống trẻ vị thành niên không làm chủ được hành vi và cảm xúc của mình, dễ xúc động, dễ bực tức và cáu gắt nên vi phạm kỷ luật.

Muốn có “chiến tích”

Đặc điểm tâm lý nổi bật của lứa tuổi này đó là rất thích thể hiện bản thân, cái tôi rất lớn nên các em muốn gây được sự chú ý bằng việc khẳng định mình thông qua các hoạt động cá nhân và tập thể. Nếu như những em có năng lực học tập, hoặc có kỹ năng hoạt động nhóm thì thể hiện mình thông qua hiệu quả công việc. Chẳng hạn như cố gắng đạt kết quả cao trong các bài kiểm tra, hoặc đạt thành tích trong các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể thao... Ngược lại, với những em khả năng học tập hạn chế, thiếu kỹ năng hoạt động tập thể nhưng lại muốn gây sự chú ý của mọi người, nếu thiếu sự định hướng, dẫn dắt kịp thời các em sẽ có những hành vi gây gổ hoặc bạo lực để thể hiện chiến tích của mình.

Vì do khủng hoảng và muốn thể hiện mình thông qua các hình thức bạo lực nên biểu hiện của các hành vi gây sự, bắt nạt cũng rất phong phú, đa dạng. Có thể kể đến là bạo lực vì những lý do không đâu, bạo lực do không làm chủ được cảm xúc, bạo lực theo băng nhóm… 

Hệ lụy và hậu quả

Các vụ bạo lực học đường đều gây hậu quả trước mắt và lâu dài cho cả người gây hại lẫn người bị hại. Làm ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả học tập, sức khỏe, tâm lý, tình cảm, nhất là sự hình thành và phát triển nhân cách của học sinh. Đặc biệt những học sinh nữ bị hại trong các vụ bạo lực (bị quay video clip và tung lên mạng) thường bị rối loạn tâm lý rất nặng nề, có trường hợp trầm cảm, không muốn đến trường, thậm chí có ý định tự tử. Những học sinh hay gây sự, bạo lực thường bị thầy cô phê bình, kỷ luật, bạn bè trong trường xa lánh, tẩy chay vì sợ.

Tóm lại, bạo lực học đường một khi đã xảy ra thì dù dưới hình thức nào, mức độ nguy hiểm ra sao cũng sẽ gây tác hại nghiêm trọng cho việc tổ chức, quản lý, giáo dục của nhà trường.

Giải pháp cụ thể cho nhiều cấp độ

Đối với gia đình: Tổ chức cuộc sống gia đình hài hòa, yêu thương lẫn nhau là liều thuốc tinh thần nhằm ngăn chặn những biểu hiện sai lệch ở trẻ vị thành niên. Cha mẹ luôn quan tâm, điều chỉnh hành vi, cử chỉ của con trong đối xử với bạn bè, với người yếu thế hơn mình, không nên phó mặc hoàn toàn trách nhiệm cho nhà trường. Ngoài ra, các bậc cha mẹ cần bổ sung kiến thức về giới trong giáo dục con mình, để có cách tác động cho phù hợp với con trai cũng như con gái.

Đối với nhà trường: Tích cực tổ chức các hội thảo, mạn đàm giữa nhà trường với phụ huynh và địa phương về cách thức ngăn chặn tận gốc nạn bạo lực học đường. Dạy cho học sinh những cách thức, kỹ năng giải quyết xung đột và kỹ năng phòng, chống, ngăn chặn (chẳng hạn như kỹ năng thoát hiểm, kỹ năng từ chối, kỹ năng tự bảo vệ, kỹ năng làm chủ cảm xúc của mình…). Cần đưa vào trường những chương trình giáo dục mang tính nhân văn, xây dựng văn hóa học đường, gia tăng nội dung dạy người trong quá trình giáo dục, đưa nội dung dạy kỹ năng sống, giá trị sống vào thành môn học sinh động theo từng cấp học. Tổ chức các hoạt động tập thể phong phú, đa dạng để thu hút các em tham gia…

Đối với xã hội: Cần làm thay đổi, giảm thiểu những tiêu cực xã hội và truyền thông bạo lực tới học đường. Chung tay cùng gia đình, nhà trường ngăn ngừa bạo lực băng nhóm của thanh thiếu niên từ khi mới nhen nhóm.

Phạm Phương