Thứ hai, 8/11/2010, 14h11

Bạo lực học đường nhìn từ giáo dục

Thông qua các hoạt động văn hóa văn nghệ, nhà trường giáo dục HS về chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, chủ nghĩa nhân đạo, lý tưởng thanh niên… hòng tránh xa các tệ nạn xã hội (ảnh minh họa). Ảnh: Vĩnh Yên

Năm học 2010-2011 diễn ra chưa bao lâu thì sân trường lại đổ máu: ngày 24-9 học sinh (HS) L.N.Đ lớp 11A5 Trường THPT bán công Nguyễn Thị Lợi (thị xã Sầm Sơn, Thanh Hóa) chém trọng thương thầy Đới Ngọc Hải giữa giờ học; ngày 25-9 HS N.X.H (14 tuổi) lớp 7/6 đâm tử vong HS N.C.S (13 tuổi), lớp 7/8 Trường THCS Nguyễn An Ninh ở thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)…
Trước thực trạng bạo lực học đường có chiều hướng gia tăng phải nói dư luận xã hội lo lắng, còn phụ huynh thực sự bất an, ngành GD-ĐT cũng đã tổ chức nhiều hội thảo mổ xẻ thực trạng, đề ra giải pháp nhằm ngăn chặn, dập tắt nạn bạo lực học đường.
1. Từ góc độ nhà trường, tôi nghĩ, còn học trò là còn những hiếu động nông nổi đáng tiếc và người ta thấy nổi cộm lên trách nhiệm của nhà trường - nơi được xem là “pháo đài” phòng chống đủ mọi thứ. Chúng ta không phủ nhận sứ mạng này nhưng nhìn lại phải thấy rằng bài bản giáo dục của nhà trường phổ thông một thời gian dài vừa qua chưa chú trọng bồi đắp rèn giũa, khơi dậy những giá trị luân lý truyền thống, kỹ năng giao tiếp ứng xử trong đời sống, những tình cảm đôn hậu đậm đà bản sắc Việt Nam chứa đựng trong kho tàng văn học dân gian. Từ những câu chuyện kể, bài tập đọc, bài viết chính tả (tiểu học) đến bài giảng văn, đề làm văn, bài học lịch sử (THPT), nội dung bao trùm là những điều cao cả, lớn lao (chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, chủ nghĩa nhân đạo, lý tưởng thanh niên…); ít đề cập hoặc nhắc tới rời rạc không thành hệ thống các khái niệm đạo đức làm người theo cái trục được chắt lọc, cập nhật, bổ sung phù hợp: Tu thân - tề gia - trị quốc - bình thiên hạ -nhân, lễ, nghĩa, trí, tín. Gốc vững, bản thân vững, ngọn sẽ lan tỏa vươn tới những phạm trù cao cả. Tính người được hình thành và được tích lũy qua mỗi bài học.
2. Gieo nhân tính sẽ gặt nhân tính - xã hội phức tạp - tốt/xấu, thiện/ác đan cài, nếu được giáo dục chuẩn bị kỹ con người sẽ có đủ khả năng phòng chống, tự điều chỉnh hành vi. Nhà trường không phải là “vương cung thánh đường”, xã hội “đen-trắng” có gì sẽ theo chân HS vào lớp học không thiếu, vấn đề phơi ra là trách nhiệm quản lý HS. Bộ phận giám thị cần tăng cường giám sát, phân chia khu vực khối lớp theo dõi quản lý kiểm tra và thường xuyên thông tin kịp thời cho phụ huynh. Mỗi giờ lên lớp giáo viên bộ môn cần dành chút thời gian nhắc nhở nề nếp nội quy HS, tư vấn hỗ trợ HS các vấn đề về tâm sinh lý lứa tuổi, quan hệ ứng xử (tình bạn, tình yêu). Trong sinh hoạt đời sống, học tập gặp khó khăn, HS không biết hỏi ai, thầy cô là chỗ dựa tin cậy nhất.
 Ứng xử với HS phải hết sức tâm lý, bao dung tránh định kiến nóng nảy, đừng trách các em là “ngựa chứng” khi ra roi phản tác dụng - tình huống lúc bấy giờ sẽ là sự đáng tiếc. Lỗi của các em nhưng đáng trách là người lớn xử sự thiếu bình tĩnh gây sốc. Tất nhiên câu chuyện thuộc phạm vi hình sự thì pháp luật phải xử lý thôi. Bên cạnh trách nhiệm nhà trường vai trò của phụ huynh rất quan trọng. Thiếu phối hợp, buông lỏng quản lý con em, dung túng cưng chiều, khoán trắng phó mặc ra sao thì ra, hậu quả không chỉ gia đình tổn thất mà xã hội cũng chịu thiệt hại. Nhà giáo dục Ma-ca-ren-co đã nêu đại ý: “Chúng ta cố gắng đừng để phải làm cái công việc đau khổ là “cải tạo” các em. Trường hợp các em đã sửa đổi tốt cũng chưa ai nghĩ đến việc tổng kết tất cả những thiệt hại dù sao cũng đã xảy ra; nếu được giáo dục tốt ngay từ đầu thì người đó đã có thể hưởng nhiều hơn ở cuộc sống, sẵn sàng bước vào đời vững vàng hơn và do đó được sung sướng hơn”.
Về phía xã hội chúng ta khó mong đợi một môi trường văn hóa được “thanh trùng” 100% nếu mọi người không đồng loạt ra tay bảo vệ. Cần thường xuyên truy quét các tệ nạn, những mầm mống khuyến dụ bạo lực…
Phan Văn Thạnh (nguyên Phó hiệu trưởng Trường THPT Gia Định)

Đầu năm học, HS Hà Nội xôn xao về chuyện một nữ sinh trường THPT Trần Nhân Tông bị bạn đánh hội đồng tại vườn hoa. Sau đó đến vụ nữ sinh ở Nghệ An bị bạn đánh hội đồng: túm tóc, dùng chân đạp vào đầu, đá vào mặt mà thủ phạm là một nữ sinh từng đạt hai huy chương vàng Karate. Đầu tháng 10, một nữ sinh trường THCS Vân Hồ (Hà Nội) cũng bị hai nữ sinh thượng cẳng chân, hạ cẳng tay tại cầu thang bộ tòa tháp Vincom. Và gần đây nhất là vụ một nữ sinh ở Quảng Ninh bị đánh hội đồng, lột áo giật tóc, dùng kéo cắt tóc rồi kéo lê trên đường …