Thứ sáu, 28/4/2017, 22h26

Bảo vệ con trước “yêu râu xanh” bằng cách nào?

Đó là nội dung chính buổi nói chuyện chuyên đề “Phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em” do Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam tổ chức vừa qua.

Ảnh mang tính minh họa. Ảnh: I.T

Cảnh giác trước những nguy cơ

Bác sĩ Hoàng Vũ Quỳnh Trang (chuyên ngành nhi khoa phát triển hành vi, Khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi đồng 1) cảnh báo, tình trạng xâm hại tình dục trẻ em thời gian qua diễn biến hết sức phức tạp. Trong quá trình thăm khám, chị đã tiếp xúc một số trường hợp còn rất nhỏ tuổi. Tiêu biểu như trường hợp bé gái 10 tuổi sống ở vùng nông thôn, có thân hình gầy guộc, bị xâm hại khi đi học bằng xe đạp qua con đường vắng. Hậu quả khiến em phải nhập viện cấp cứu do bị rách tầng sinh môn, phải khâu vá. Mẹ em vì quá căm phẫn đến nỗi muốn tìm và “giết người đàn ông đó”.

Không mạnh mẽ như người phụ nữ này, một người mẹ lao động ở TP.HCM không dám nghĩ đến chuyện thưa kiện vì gia cảnh quá nghèo. Dù chị rất đau lòng khi phát hiện đứa con gái mới 5 tuổi bị người hàng xóm xâm hại. Tương tự, một bé gái 8 tuổi cũng bị người hàng xóm “làm bậy” khi cha mẹ en đi giao hàng, chủ quan khóa cửa ngoài rồi gửi chìa khóa cho một người phụ nữ hàng xóm giữ giúp. Vậy mà không hiểu sao con gái họ lại bị hại bởi một người đàn ông. “Nghi phạm” lại là bạn nhậu của cha cô.

Bảo vệ con bằng cách nào?

Luật sư Đào Thị Bích Liên, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ trẻ em TP.HCM lưu ý, khi phát hiện con bị xâm hại, phụ huynh không nên đùng đùng dẫn con đi tìm thủ phạm. Vì làm như vậy vô tình làm cho nỗi đau của con càng chồng lên nỗi đau. Đồng thời cũng là hành động “bứt dây động rừng” khiến thủ phạm trốn chạy. Do đó, điều cần làm là mẹ hãy ôm ấp vỗ về để xoa dịu nỗi sợ hãi của con. Đặc biệt, phụ huynh cần lưu ý không tắm rửa cho con trong 24 giờ, mà cần thu thập quần áo, quần lót, chụp lại các vết xước nếu có, đồng thời động viên con nói ra sự thật và ghi âm lời kể của con về sự việc để làm bằng chứng. Đồng thời, đưa con đến cơ sở y tế thăm khám, đến cơ quan chức năng yêu cầu giám định và nộp chứng cứ cho cơ quan điều tra. Luật sư Liên khuyến cáo phụ huynh cần thu thập chứng cứ càng sớm càng tốt, vì đây là những căn cứ quan trọng để cơ quan chức năng khởi tố vụ án.

Nói về xâm hại tình dục trẻ em, bác sĩ Trang khuyến cáo, đây không chỉ là hành vi hiếp dâm, mà bao gồm cả hành vi cố ý phơi bày các bộ phận sinh dục (lẽ ra phải được che đậy) trước mắt trẻ với ý đồ kích thích, hoặc sờ soạng (ngoài quần áo) những bộ phận nhạy cảm trên cơ thể trẻ… Bác sĩ Trang lưu ý, hậu quả của xâm hại tình dục không chỉ gây tổn hại trẻ về thể chất mà cả về tâm thần. Chẳng hạn như trẻ có thể sẽ bị chảy máu, bị lây nhiễm bệnh qua đường tình dục, lây nhiễm HIV; bị thủ dâm; sang chấn tâm lý; gặp ác mộng, rối loạn giấc ngủ; rối loạn tiểu tiện, chán ăn, sợ bóng tối; dễ có hành vi giận dữ cực độ; trầm cảm; thậm chí có trường hợp tự tử vì nghĩ mình “không còn giá trị”…

Do đó, để bảo vệ trẻ, bác sĩ Trang khẳng định cần có sự chung tay phối hợp của phụ huynh, bác sĩ, luật sư, tòa án, nhà trường, chuyên viên tâm lý… Lúc này, phụ huynh đặc biệt không nên cho con nghỉ học để không tạo thêm sang chấn tâm lý cho con. Cha mẹ cũng không nên đổ lỗi cho nhau, mà cần cùng nhau nâng đỡ và tạo môi trường an toàn cho con mình. Bên cạnh đó, nhằm giúp con phòng tránh xâm hại tình dục, phụ huynh cần giải thích cho con hiểu “vùng nào trên cơ thể cần che đậy, không cho người khác sờ vào”.

Bên cạnh việc phổ biến kiến thức trong nhà trường, phụ huynh Đặng Lan Hương có đề xuất nên tuyên truyền cho người dân ở các cuộc họp tổ dân phố, nhằm nâng cao ý thức phòng chống xâm hại tình dục trẻ em cho người dân một cách rộng rãi hơn. Một phụ huynh tên Thu cho rằng, cha mẹ thường mất cảnh giác đề phòng đối với những người thân quen, họ hàng. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc trẻ bị xâm hại. Do đó, bà Thu khuyên các phụ huynh nên tránh tổ chức tiệc tùng tại nhà, không nên cho con gái ngủ chung với bố, với anh trai; không thay đồ trước mặt người khác phái, luôn cẩn trọng chốt cửa phòng riêng…

Ông Nguyễn Minh Khánh, Giám đốc Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam khẳng định: “Xâm hại tình dục trẻ em hiện nay là vấn đề xã hội đang quan tâm, có thể nhìn ở nhiều góc độ tâm lý, xã hội, pháp lý… Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam là một đơn vị trực thuộc Trung ương Đoàn có chức năng là tạo mô hình tham gia công tác giáo dục, chăm sóc thanh thiếu nhi. Do đó, chúng tôi muốn tổ chức chương trình này giúp các phụ huynh nâng cao nhận thức về hành vi xâm hại tình dục trẻ em, trang bị một số kiến thức cần thiết để phòng chống, cách nhận biết dấu hiệu xâm hại và trang bị một số kiến thức pháp luật để giúp phụ huynh biết cách xử lý tình huống. Đồng thời, chuyên đề này cũng góp thêm hành trang để trung tâm trang bị cho chương trình huấn huyện đào tạo các em sắp tới, giúp các em có được những kỹ năng cần thiết để tự bảo vệ mình”.

Bích Vân