Chủ nhật, 25/10/2015, 21h33

Bất cập dạy tiếng Anh ở mầm non

Giờ học tiếng Anh tại một trường MN ở TP.HCM. Ảnh: H.Tr

Bộ GD-ĐT vừa phối hợp với Trường CĐ Sư phạm Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học tiếng Anh cho mầm non (MN) - thực tiễn và giải pháp. Tại hội thảo, nhiều đại biểu đặt câu hỏi: Lứa tuổi nào thì nên bắt đầu cho trẻ học tiếng Anh?

Nên học sớm

TS. Đặng Lộc Thọ, Hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm Trung ương cho biết, kết quả nghiên cứu đã làm sáng tỏ luận điểm trẻ MN hoàn toàn có khả năng làm quen thêm ngôn ngữ thứ hai ngoài tiếng mẹ đẻ. Hoạt động cho trẻ làm quen tiếng Anh trong trường MN không những không ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển mà còn có tác động tích cực đến các lĩnh vực phát triển của trẻ như ngôn ngữ mẹ đẻ, vận động, tình cảm, nhận thức, kỹ năng xã hội. “Các nghiên cứu về sự phát triển của não trẻ đã khẳng định các giai đoạn phát triển của trẻ thuận lợi cho sự lĩnh hội của ngôn ngữ. Nghiên cứu về các giai đoạn phát triển của não bộ đã chứng tỏ rằng học ngoại ngữ ở lứa tuổi nhỏ dễ dàng hơn, vì đến 12 tuổi các cửa sổ học tập của não đóng lại một phần, các kiến trúc nền tảng của não tương đối hoàn chỉnh. Tuy nhiên, để trẻ thuần thục một ngôn ngữ nào đấy đòi hỏi một quá trình kéo dài nhiều năm”, ông Thọ khẳng định. Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy lứa tuổi MN không phải lúc nào cũng là điều kiện đủ để hình thành năng lực song ngữ một cách tự nhiên, vô thức. Việc dạy ngôn ngữ thứ hai nếu chỉ dựa vào điều kiện thuận lợi của lứa tuổi là không hoàn toàn đúng, cần phải dựa trên cơ sở các nguyên tắc khoa học. Giáo sư Diane Dubois (Trường ĐH Cocordia Canada) cho biết: Khi trẻ vừa sinh ra đã có khả năng học ngôn ngữ, trẻ có thể nghe được âm của nhiều ngôn ngữ khác nhau. Nếu một ngôn ngữ nào đó không được dùng đến thì sự liên kết về âm của nó sẽ yếu đi và mất hẳn. Ngược lại, ngôn ngữ mà trẻ được nghe thường xuyên sẽ ngày càng mạnh hơn. Vì vậy, giáo sư đưa ra lời khuyên: Cha mẹ và các nhà giáo dục nên cố gắng tạo ra môi trường ngôn ngữ phong phú, bao gồm cả song ngữ, đa ngôn ngữ. Mặt khác TS. Christine Chen - Chủ tịch Hiệp hội MN thế giới - cho rằng: Hiện việc chu du khắp thế giới của khách du lịch hay dân nhập cư đã trở thành hiện tượng phổ biến. Khi trẻ được học thêm một ngoại ngữ, thêm một thế giới khác sẽ mở ra trước mắt trẻ. Trẻ hiểu được cách mọi người nói, mọi người làm ở thế giới đó và được tư duy ban đầu về thế giới, giúp các em có tầm nhìn rộng mở hơn.

Nhưng dạy và học đang bất cập

Tại hội thảo, bên cạnh những cái lợi của việc cho trẻ tiếp cận với tiếng Anh sớm mang lại thì các đại biểu cũng lo lắng về cách dạy và cách học tiếng Anh ở trường MN của Việt Nam hiện nay. Cách đây chưa lâu, Bộ GD-ĐT Hà Nội đã phải ra văn bản cấm dạy tiếng Anh trong trường MN do những bất cập mà nó đem đến cho phụ huynh. Tuy nhiên, sau đó bộ cũng phải “dỡ bỏ” lệnh cấm này. TS. Đặng Lộc Thọ cho biết: Kết quả thăm dò tại 50 trường MN, với 80 hiệu trưởng, phó hiệu trưởng và 330 giáo viên trực tiếp cho trẻ làm quen với tiếng Anh cho thấy hiện chỉ có khoảng 10% đơn vị giáo dục MN tự tổ chức dạy tiếng Anh tại trường, 90% thực hiện theo hình thức liên kết với các tổ chức bên ngoài. Ông Nguyễn Quốc Hùng, chuyên gia về giảng dạy tiếng Anh ở Việt Nam, nêu thực trạng: Nhiều phụ huynh rất quan tâm và đầu tư tiền bạc cho trẻ từ lứa tuổi MN học tiếng Anh. Nhưng đa số phàn nàn rằng con mình vẫn không nói được tiếng Anh. Theo ông Hùng, điều này cho thấy việc dạy học tiếng Anh cho trẻ MN chưa thật sự hiệu quả. Việc này liên quan tới điều kiện, chất lượng giáo viên, nhưng chủ yếu là do hình thức, nội dung dạy học chưa phù hợp với lứa tuổi. Tạo ra một lớp học tiếng Anh vui nhộn, luôn luôn hoạt động, để trẻ có môi trường nói tiếng Anh tự nhiên, linh hoạt... Đặc biệt, không đặt gánh nặng đọc, viết lên vai trẻ là những yếu tố mà theo ông Hùng có thể mang lại thành công trong việc dạy tiếng Anh cho trẻ MN.

Còn theo GS. Nguyễn Minh Thuyết thì không có môi trường giao tiếp việc trẻ học tiếng Anh từ MN cũng giống như leo cột mỡ, leo lên rồi lại tuột xuống.

Thiên Lam