Thứ năm, 1/2/2018, 21h20

Bất hợp lý của chữ quốc ngữ

Gần đây, trên một tờ báo có bài viết đề cập đến cách viết và đọc địa danh địa phương như La Gi, Cư Kuin, Ya Li..., một bạn đọc nêu ý kiến: “Cháu tôi học lớp 5 hỏi có được viết là kon ká (con cá) vì sách viết Bắc Kạn và Kông Tum”.

Thắc mắc của bạn đọc nêu trên cũng là một vấn đề làm đau đầu các nhà Việt ngữ học rất nhiều năm qua - cho đến nay vẫn đang tiếp diễn, đồng thời cũng gây khá nhiều khó khăn trong việc dạy và học tiếng Việt cho học sinh các cấp. Đây cũng chính là một trong những bất hợp lý của chữ quốc ngữ hiện nay.

Bất hợp lý đó là: Trong bảng chữ cái hiện hành dạy cho học sinh các cấp, 3 con chữ c, k, q cùng được dùng để ghi âm “cờ” /k/, kiểu như cả 3 từ (tiếng) “ca, ka, qua”, tuy về mặt chữ viết khác nhau nhưng đều cùng phát âm như nhau là “ca” /ka/. Để khắc phục bất hợp lý này, gần đây đã có tác giả nêu ra một ý kiến hết sức kỳ quặc, không khả thi là đồng nhất cách viết cả 3 con chữ c, k, q chung thành một chữ là chữ k, cùng ghi chung âm “cờ” /k/, đã gây nên nhiều luồng dư luận trái chiều, phản đối kịch liệt.

Về bất hợp lý này, thực tế sách giáo khoa hiện hành cũng nhìn nhận: “Chữ quốc ngữ được đặt từ lâu nên cũng có những điểm chưa thật hợp lý do chịu ảnh hưởng của các phương án phiên âm dựa vào thực tiễn ngôn ngữ của các nước châu Âu” (Bài tập ngữ văn 10 nâng cao, tập 2, NXB Giáo dục, 2007, trang 85 - ảnh 1).

Ngoài ra, sách còn đưa ra hệ thống câu hỏi giúp học sinh tìm hiểu về các nhược điểm của chữ quốc ngữ và những quy tắc khắc phục các điểm bất hợp lý đó: “Trong chữ quốc ngữ có một số âm có cách ghi khác nhau. Chẳng hạn âm “cờ” được ghi bằng 3 cách: c, k, q...”; “Tuy nhiên trong quá trình sử dụng, đã hình thành bộ quy tắc điều chỉnh các cách ghi này. Do đó, việc giao tiếp viết bằng chữ quốc ngữ không bị ảnh hưởng. Ví dụ, để biểu thị âm “cờ”, chữ quốc ngữ dùng: - k: khi đi trước i, e, ê, iê. Ví dụ: thế kỷ, thước kẻ, kể chuyện, con kiến… (trừ một số trường hợp phiên âm tiếng nước ngoài hoặc từ ngoại nhập: vải ka ki...). - q: khi đi trước âm đệm u. Ví dụ: quả, quanh... - c: trong các trường hợp còn lại. Ví dụ: cái cân...” (Sách đã dẫn, trang 85 - ảnh 2).

Trong trường hợp bạn đọc nêu, theo quy tắc chính tả tiếng Việt, chỉ có thể viết “con cá” chứ không thể viết “kon ká”.

Như vậy, trong trường hợp viết chữ ghi âm “cờ” như đã dẫn trên, các trường hợp viết là “k” chỉ có hai ngoại lệ là “phiên âm tiếng nước ngoài hoặc từ ngoại nhập”, trong lúc ý kiến bạn đọc nêu ra “Bắc Kạn, Kông Tum” không thuộc phạm vi ngoại lệ trên.

Ngoài hai đơn vị hành chính cấp tỉnh nêu trên, ở nước ta còn rất nhiều địa danh cố ý ghi chệch chuẩn chính tả nhiều âm vị, âm tiết khác, với lý do chính đáng tương tự nêu trên, như các đơn vị hành chính cấp huyện: Pác Nặm (Bắc Kạn); Sa Pa (Lào Cai); Đa Krông (Quảng Trị); Đắk Glei, Đắk Tô, Kon Rẫy, Đắk Hà (Kon Tum); KBang, Đăk Đoa, Chư Păh, Ia Grai, Mang Yang, Kông Chro, Chư Prông, Đắk Pơ, Ia Pa, Ayun Pa, Krông Pa (Gia Lai); Ea H’Leo, Krông Buk, Krông Pắc, M’Đrắk, Lắk (Đắk Lắk); Cư Jút, Đắk Mil, Krông Nô, Đăk R’Lấp (Đăk Nông); Đạ Huoai, Đạ Tẻh (Lâm Đồng)…

Quyết định số 124/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 8-7-2004 “Về việc ban hành bảng danh mục và mã số các đơn vị hành chính Việt Nam” ghi rõ tên 4 đơn vị hành chính cấp tỉnh không theo quy tắc chính tả tiếng Việt khi ghi âm vị /k/: Bắc Kạn, Kon Tum (phụ âm đầu “k”); Đăk Lăk, Đăk Nông (phụ âm cuối “k”); mà nếu tuân thủ đúng chuẩn chính tả tiếng Việt thì tất cả các trường hợp trên phải ghi bằng con chữ “c”: Bắc Cạn, Con Tum, Đắc Lắc, Đắc Nông.

Tuy nhiên, nhằm đảm bảo yếu tố giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thể hiện trong địa danh quen thuộc từ lịch sử lâu đời, Nhà nước đã quyết định giữ nguyên cách viết theo tập quán dân tộc bản địa, đó là việc làm đúng đắn và cần thiết. Nhưng trong việc giải thích, hướng dẫn cho người sử dụng tiếng Việt, đặc biệt là cho học sinh, nắm vững biệt lệ về chính tả tiếng Việt này, thì đã bị các cấp hữu quan và nhà soạn sách giáo khoa bỏ quên, cụ thể là trong sách giáo khoa (sách đã dẫn) cũng không đề cập gì đến trường hợp này, ngoài hai ngoại lệ “phiên âm tiếng nước ngoài hoặc từ ngoại nhập”.

Từ thực tế thiếu sót trên, thiết nghĩ người biên soạn sách giáo khoa các cấp, nhất là cấp tiểu học cũng nên lưu ý đến việc này trong việc biên soạn, cải cách sách giáo khoa đang tiến hành, bổ sung nội dung ngoại lệ về cách viết âm vị /k/ “ghi địa danh bằng tiếng dân tộc thiểu số bản địa” để tránh trường hợp học sinh thắc mắc, dẫn đến viết sai chính tả, vì các em chưa được hướng dẫn cặn kẽ.

Đồng thời, trong chương trình giảng dạy về tiếng Việt, người soạn sách giáo khoa các cấp học cũng có thể tăng cường thêm thời lượng với dạng bài tập sưu tầm, ghi lại những địa danh ngoại lệ, viết không theo chuẩn chính tả tiếng Việt hiện hành, nhằm khắc sâu kiến thức cho học sinh trong quá trình tiếp thu vốn hiểu biết về ngôn ngữ và xã hội, khắc phục một lỗ hổng kiến thức không đáng có về từ vựng nước nhà.

ThS. Đỗ Thành Dương
(Trưởng bộ môn ngữ văn, Trường Dự bị
ĐH dân tộc Trung ương Nha Trang)