Thứ ba, 12/10/2010, 09h10

“Bắt mạch” tham nhũng trong giáo dục

Ba vấn đề tham nhũng nổi bật nhất trong giáo dục là tuyển sinh đầu cấp, dạy thêm học thêm và các khoản phí ngoài quy định đã được “vạch” ra tại hội thảo “Chính sách và thực hành chống tham nhũng trong ngành giáo dục Việt Nam” được tổ chức tại Hà Nội ngày 11/10.

Hội thảo có chủ đề “Con đường hướng tới kết quả và giám sát tiến trình”, do tổ chức quốc tế Trung tâm tài nguyên phòng chống tham nhũng và UNICEF tổ chức.
Phụ huynh tiếp tay cho tham nhũng
Hội thảo đã đưa ra kết quả khảo sát của Công ty tư vấn quản lý và chuyển đổi tổ chức (T&C Consulting) thực hiện dưới sự chủ trì của Thanh tra Chính phủ, tiến hành tháng 5/2010 tập trung vào ba vấn đề: tuyển sinh đầu cấp, dạy thêm học thêm và các khoản phí ngoài quy định. 200 phụ huynh Hà Nội, 205 phụ huynh ở Đà Nẵng, 200 phụ huynh ở TPHCM được phát phiếu hỏi.
Phụ huynh đã chấp nhận chi nhiều khoản cho con học trái tuyến.
Về vấn đề học trái tuyến có khoảng 20% số học sinh học trái tuyến. Tỷ lệ này ở Hà Nội: khoảng 30%), Đà Nẵng: 15-22%, TPHCM: 10-15%. Có nhiều lý do phụ huynh chọn trường trái tuyến cho con: chất lượng đào tạo, tuyển thẳng, gần nhà, trường điểm, chi phí phù hợp. Để đạt được thuận lợi trên 60% phụ huynh phải nhờ các nguồn trợ giúp khi xin cho con học trái tuyến; 33% giáo viên thừa nhận từng giúp đỡ cho con em người quen vào học trái tuyến.
Về các khoản chi vào trường: Khi vào trường (đúng hoặc trái tuyến) phụ huynh thường phải chi nhiều khoản khác nhau như: Đóng góp xây dựng trường, mua thiết bị lớp học, bồi dưỡng thầy/cô lớp năng khiếu/xin vào lớp chọn...; 38% phụ huynh có con học trái tuyến, và 5% phụ huynh có con học đúng tuyến thừa nhận có chi nhờ người xin cho con vào trường. Có tới 70% số phụ huynh cho rằng bỏ thêm chi phí cho con vào trường tốt là chuyện bình thường - và người quen của họ đều làm thế.
Đối với các khoản phí ở trường, phụ huynh và giáo viên đều thừa nhận phụ huynh phải đóng nhiều khoản phí khác nhau (cả trong và ngoài quy định). Ví dụ: học phí, đóng góp xây dựng trường, các quỹ của trường, quỹ lớp, quỹ hội phụ huynh, đồng phục, SGK. Các khoản phí ngoài quy định được hợp pháp hóa, chủ yếu thông qua "tự nguyện" hoặc quỹ phụ huynh.
Về học thêm, qua khảo sát do nhà trường tổ chức: 44%; do thầy cô dạy thêm riêng: 49%; do cơ quan ngoài tổ chức: 36%; trung bình 3,6 buổi/tuần với chi phí 470 ngàn đồng/tháng cho 1 cháu. Giáo viên có tham gia dạy thêm: Thu nhập từ dạy thêm trung bình 1,9 triệu/tháng - so với mức lương trung bình là 2,5 triệu đồng/tháng, trung bình dạy thêm 3 buổi/tuần. Phụ huynh thừa nhận việc dạy thêm là bình thường và mọi người quen đều cho con học thêm: 82-85%
Theo nhận định của Thanh tra Chính phủ, các dạng tham nhũng được nghiên cứu trên về cơ bản - là tham nhũng "nhỏ" nhưng có phạm vi ảnh hưởng rộng lớn - gần như tới mọi gia đình và để lại hậu quả xã hội là khá nặng nề.
Về yếu tố thúc đẩy các dạng tham nhũng trên về góc độ phụ huynh,Thanh tra Chính phủ cho rằng do phụ huynh còn quá nặng về các chỉ số bề nổi của học tập; niềm tin trường điểm, học thêm giúp trẻ phát triển tốt hơn; niềm tin về đào tạo chính thống bị lung lay ở một số khía cạnh như học chính thống không đủ kiến thức cơ bản; học thêm/đóng các khoản phí ngoài quy định. Đặc biệt, vòng luẩn quẩn của sự lan tỏa xã hội và phụ huynh cảm nhận sức ép tham gia - sau đó khuyên các phụ huynh khác - tạo sức ép lớn hơn.
Về góc độ giáo viên do sức ép về thu nhập; Sự chấp nhận của xã hội đối với các hành vi "mờ" như dạy thêm, thu thêm các khoản phí, giúp đỡ người quen vào trường; Sức ép của đồng nghiệp đối với các hành vi "mờ" với suy nghĩ "Mọi người thế cả - mình phản đối sẽ bị cô lập".
Về phía nhà trường: Hiệu quả/tác động của chính sách liên quan; sức ép xã hội; sức ép từ văn hóa của nhà trường.
Giải pháp nào để đối phó với nạn tham nhũng giáo dục?
Thanh tra Chính phủ đã đưa ra giải pháp phòng chống là tạo sức ép xã hội đối với nhà trường như Hệ thống đánh giá/xếp hạng thường xuyên các trường (phụ huynh "chấm điểm" các trường); các trường cạnh tranh không chỉ về chuyên môn mà cả về "văn hóa". Thông tin tuyên truyền cho phụ huynh, giáo viên và các trường về hình thức tham nhũng trên.
Thanh tra Chính phủ khẳng định, các sai phạm xảy ra trong lĩnh vực giáo dục mặc dù là cá biệt song lại gây ra hậu quả xấu về nhiều mặt, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với một số cơ sở giáo dục, làm ảnh hưởng đến uy tín, phẩm chất tốt đẹp vốn có của người thầy, cán bộ quản lý ngành, tạo nên vật cản cho quá trình phát triển của giáo dục nước nhà.
Tại hội thảo, đại diện Bộ GD-ĐT ông Phạm Văn Tại, Phó Chánh tra Bộ đã đưa ra 4 nguyên nhân dẫn đến tình trạng trong giáo dục.
Thứ nhất là việc triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng và đề ra các giải pháp về phòng chống tham nhũng ở một số cơ sở giáo dục còn chưa đầy đủ, cụ thể; Thứ hai, đời sống của đa số giáo viên đang còn rất khó khăn, mức lương thấp. Một bộ phận nhà giáo, cán bộ trong ngành trình độ quản lý còn hạn chế, ý thức tự học, tự bồi dưỡng và rèn luyện còn thấp; thứ ba, hệ thống chính sách, pháp luật về giáo dục chưa đầy đủ, chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được những đòi hỏi đang đặt ra đối với giáo dục; thứ tư, công tác thanh tra, kiểm tra còn hạn chế, nhất là thanh tra để phòng ngừa và phát hiện tham nhũng; thiếu một cơ chế giám sát đảm bảo tính công khai minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị. Nhiều hiện tượng tham nhũng chưa được phát hiện kịp thời để xử lý, làm cho tham nhũng vẫn diễn ra.
Bộ GD-ĐT đã đưa ra một số giải pháp đối phó với tình trạng tham nhũng như công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về phòng chống tham nhũng; rà soát và ban hành các văn bản chỉ đạo của ngành về phòng, chống tham nhũng ở một số lĩnh vực có nguy cơ phát sinh tham nhũng cao như: tuyển sinh, tuyển dụng nhà giáo, cán bộ quản lý, thành lập cơ sở giáo dục, cấp phép mở mã ngành đào tạo, phân bổ kinh phí, quản lý các nguồn thu, dạy thêm, học thêm... tăng khung hình phạt tiền để đủ sức răn đe đối với các hành vi vi phạm trong giáo dục; triển khai các cuộc vận động lớn trong ngành; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về phòng chống tham nhũng.
Ông Tại cho biết, ngành giáo dục cũng đang triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị nhà trường. Đồng thời thực hiện 4 kiểm tra: kiểm tra mức chi cho giáo dục từ ngân sách địa phương; kiểm tra việc thu và sử dụng học phí; kiểm tra sử dụng ngân sách cho giáo dục; kiểm tra việc thực hiện kiên cố hóa trường, lớp và xây nhà công vụ.
Một số biểu hiện tham nhũng vẫn đang xẩy ra trong dạy thêm, học thêm; tuyển sinh đầu cấp, trái tuyến, tình trạng lạm thu trong nhà trường… Những tiêu cực, những biểu hiện tham nhũng trong ngành sẽ được Bộ GD-ĐT tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành tập trung khắc phục - ông Tại cho hay.
Trước đó, tại buổi Đối thoại với các nhà tài trợ về phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực giáo dục lần thứ 7 do Thanh tra Chính phủ, Đại sứ quán Thụy Điển phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức cuối tháng 5/2010, Đại sứ Thụy Điển Rolf Bergman nhận định: "Hàng năm, tham nhũng đã làm Việt Nam mất đi khoảng từ 1 - 2% tăng trưởng GDP. Việt Nam có nhiều tiến bộ trong việc xây dựng hệ thống luật pháp, đặc biệt là Luật Phòng chống tham nhũng, nhưng những cam kết đó mới chỉ thể hiện trên giấy tờ. Tuy nhiên, những cam kết thực sự chỉ bắt đầu từ việc mỗi chúng ta - dù ở cương vị nào trong xã hội - đều phải là tấm gương điển hình trong mọi lĩnh vực của cuộc sống".
Trả lời câu hỏi “Có thể chống được tham nhũng trong giáo dục không?”, đại sứ cho biết: "Chúng ta có thể, nếu chúng ta có quyết tâm mạnh mẽ, có mong muốn và cam kết vững chắc, thể chế mạnh mẽ và phù hợp với những hành động cụ thể như điều tra, xét xử và các biện pháp trừng phạt".
Hồng Hạnh / Dan tri