Thứ ba, 19/6/2018, 09h26

Bật mí những bí mật thi THPT quốc gia: Những quả bom... lộ đề thi

Những tin đồn lộ đề thi THPT quốc gia hầu như năm nào cũng xảy ra. Có năm sự việc nghiêm trọng đến mức chính Ban Chỉ đạo thi quốc gia cũng không chắc chắn là có lộ đề thật hay không!
Công an giám sát đề thi trước khi phát cho thí sinh tại Hội đồng thi Trường THPT Đức Tân (H.Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận)  /// Ảnh: Đăng Nguyên
Công an giám sát đề thi trước khi phát cho thí sinh tại Hội đồng thi Trường THPT Đức Tân (H.Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận). ẢNH: ĐĂNG NGUYÊN
Công an phải vào cuộc
Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2008, một “cơn bão” đã quét qua tổng hành dinh của Ban Chỉ đạo thi quốc gia với nghi vấn lộ đề thi môn toán trên mạng. Bằng chứng có vẻ rất rõ ràng. Thí sinh, phụ huynh nhốn nháo, lo âu.
Sau kỳ thi, có nhiều phản ánh gửi về Bộ GD-ĐT cho rằng đề thi môn toán ngày 4.7 năm đó có 3 câu hỏi giống hệt với nội dung 3 đề thi đã từng xuất hiện trên một diễn đàn trước kỳ thi. Mọi việc càng trở nên trầm trọng hơn khi các giáo viên toán lớp 12 của các tỉnh, thành phía bắc trong một lớp tập huấn tại Đồ Sơn (Hải Phòng) khẳng định học sinh đã nhận được thông tin “lộ” đề thi từ ngày 4.7 và có những chiếc USB ghi lại “tang chứng, vật chứng”.
Những cuộc họp căng thẳng liên tục diễn ra cùng với việc rà soát tất cả các khâu ra đề, in sao, vận chuyển... Do sự việc nghiêm trọng nên ngoài công an, Trung tâm an ninh mạng BKIS cũng được mời vào cuộc.
Tối 7.6, Bộ GD-ĐT gửi thông tin sang Trung tâm an ninh mạng BKIS nhờ xác minh. Cuối cùng xác định được người có tên là N.P.K ở Đà Lạt (Lâm Đồng) đã đưa những thông tin lộ đề thi lên website www.toanthpt.net. Trước ngày 4.7, N.P.K đã đưa một số bài toán lên mạng với nội dung là đoán về đề thi nhưng chưa có nội dung có trong đề thi chính thức. Bắt đầu sau 12 giờ trưa ngày 4.7, người này mới đưa lên thêm 3 câu có trong đề thi vào những bài viết cũ trên mạng khiến mọi người tin rằng lộ đề thi.
Cuối cùng N.P.K đã thừa nhận và có thư gửi báo chí để nói rõ vụ việc. Tuy nhiên, với Ban Chỉ đạo thi quốc gia, đây là pha “thót tim” thật sự.
Như ngồi trên lửa vì trò đùa !
Năm 2010, GS Bùi Văn Ga, lúc bấy giờ là Giám đốc ĐH Đà Nẵng nhận nhiệm vụ làm Thứ trưởng Bộ GD-ĐT. Ông giữ vai trò Trưởng ban Chỉ đạo thi tuyển sinh ĐH, CĐ trong giai đoạn thi “3 chung”, thi THPT quốc gia đến khi về hưu năm 2017. Từ chỗ chỉ chịu trách nhiệm cho một ĐH vùng, ông phải chịu trách nhiệm cho kỳ thi của cả nước. Dù khá tự tin, ông cũng cực kỳ lo lắng vì với tính chất của kỳ thi lớn như vậy, mọi tình huống bất ngờ đều có thể xảy ra. Sự lo lắng ấy không thừa vì hầu như năm nào ông cũng nhận một “quả bom” lộ đề thi!
Giờ đây, trao đối với Báo Thanh Niên, nguyên Thứ trưởng Bùi Văn Ga chia sẻ: “Tin đồn đề thi bị rò rỉ luôn được dư luận quan tâm nhiều nhất. Mà năm nào cũng có chuyện này. Tôi cứ phải đối diện trong khi sự thật luôn như cam đoan của Bộ GD-ĐT là đề thi luôn được bảo mật tuyệt đối, không thể bị lộ”.
Ông Ga cho biết cảm thấy căng thẳng nhất về tin đồn lộ đề thi ở kỳ thi tuyển sinh năm 2012. Trước 2/3 thời gian kết thúc môn thi, khi thí sinh đang làm bài, đề thi được đưa lên Facebook. Thông tin lộ đề nhanh chóng lan rộng vì theo quy chế tuyển sinh, sau 2/3 thời gian làm bài, thí sinh có thể nộp bài và ra khỏi phòng thi nhưng không được mang theo đề thi, giấy thi và cả giấy nháp. Vì vậy, việc xuất hiện đề thi trên mạng khiến nhiều người đặt nghi vấn có thể một thí sinh nào đó đã chụp ngay trong phòng thi và dùng các phương tiện ghi hình để gửi trực tiếp qua mạng cho người khác hoặc tự mình đăng tải lên Facebook.
Ở kỳ thi tuyển sinh năm 2012, quy chế cho phép thí sinh được mang máy ghi âm, ghi hình vào phòng thi. Việc đề thi có lên mạng khi chỉ mới 2/3 thời gian bị nhiều người đồn đoán là từ thiết bị công nghệ mà thí sinh được mang vào phòng thi.
Bộ GD-ĐT ngay lập tức mời cơ quan an ninh - Bộ Công an vào cuộc. Kết quả xác minh cho thấy không có chuyện lộ đề. Người đưa đề thi lên Facebook đã truy cập vào một trang mạng khác, thấy đề thi và cứ thế đưa lên. Đề thi đưa lên sau khi thí sinh được ra khỏi phòng thi có thể vì sai sót của giám thị.
Những kỳ thi tuyển sinh sau đó cũng liên tục rộ lên thông tin lộ đề thi. Năm 2014, tin lộ đề môn toán tại cụm thi Vinh xác định bắt nguồn từ đề thi giả. Năm 2015, một trang mạng bị hacker chiếm quyền điều khiển đã tung tin lộ đề thi tiếng Anh, sau đó xác định không phải. Năm 2016, cũng có tin thất thiệt về lộ đề môn văn.
Nguyên Thứ trưởng Bùi Văn Ga cảm thán: “Oái oăm thay, cứ mỗi khi có thông tin lộ đề thi, ban chỉ đạo thi lo lắng như ngồi trên lửa và dư luận cả nước sôi sùng sục. Nhưng khi triệu tập những người tung tin lên mạng, ai cũng bảo… đây chỉ là trò đùa!”.
Đăng Nguyên/TNO