Thứ ba, 21/6/2011, 20h06

Bé đeo biển "Tôi là thằng ăn cắp": Phạt một lần, hỏng cả cuộc đời!

Thật sự thì cậu bé đã sai khi ăn cắp đồ bán đi lấy tiền để chơi game nhưng chú Kha – người chú ruột của cháu không có lỗi gì sao? Có nhiều cách dạy cháu chứ đâu phải bắt cháu đeo biển “Tôi là thằng ăn cắp” đứng giữa đường như vậy?
Đọc thông tin “Phạt đeo bảng “Tôi là thằng ăn cắp” đứng giữa phố vì nghiện Game”
trên báo, tôi cảm thấy sót xa cho cậu bé.
Thiết nghĩ, trẻ con cần phải được giáo dục từ bé, những người làm cha mẹ phải nghiêm khắc với con trẻ thì các cháu mới nên người.
Tuy nhiên, cháu bé này đã không may mắn vì bố mất sớm, mẹ tần tảo nuôi ba người con, chắc chắn cháu ít được quan tâm, giáo dục phần vì mẹ bận kiếm tiền nuôi con, phần vì không có người đàn ông trong nhà chỉ bảo. Nên nếu cháu bé này có khó bảo hơn các cháu khác thì cũng là điều dễ hiểu.
Chú Kha là chú ruột của cháu N., nên phải có trách nhiệm dạy bảo cháu biết lẽ phải, chứ không nên bêu rếu cháu ra đường như vậy. Đối với trẻ con, có thể cách đó khiến cháu có những suy nghĩ tiêu cực hoặc tổn thương trầm trọng đến tâm lý của trẻ.
Là một người mẹ có 2 đứa con trai, thấy cháu N. bị chú Kha cho đeo biển vào cổ và đứng ngoài đường mà tôi nghẹn ngào, tôi chợt suy nghĩ rằng: Sao người lớn lại có thể hành xử thô bạo như vậy với những đứa trẻ mà không tìm cách khác giáo dục cháu tốt hơn?
Mỗi đứa bé tựa như một cái cây, chúng ta mong con trở thành người tốt thì phải nhìn nhận lại cách chăm sóc, dạy dỗ con, uốn nắn cho con thành người chúng ta mong muốn.
 
 Bản thân tôi cũng vậy, sinh 2 cháu trai, và các cháu thì rất nghịch ngợm, thâm chí còn hay đánh nhau. Nhưng tôi luôn giải thích cho con hiểu nên làm gì, làm thế nào, tôi thường đưa ra những bài học từ game cho con, như kể về một bạn nào đó mải mê chơi game dẫn đến chứng nghiện game, khiếp sợ hơn là sẵn sàng giết người hay phát điên và tưởng mình là siêu nhân, dũng sỹ hủy diệt rồi chạy lung tung ra đường đấm đá…
Và cũng rất mừng, mỗi lần tôi nêu ra những bài học đó thì các con tôi rất sợ và biết cách cư xử hơn. Như vậy là các cháu cũng hình thành ý thức hơn khi ai đó rủ cháu chơi game và biết tác hại của nó.
Nói như vậy để thấy được sự giáo dục của gia đình, người thân, thầy cô, bạn bè với các cháu đang tuổi lớn là rất quan trọng, tôi hoàn toàn bác bỏ cách giáo dục của chú Kha đối với cháu N.
Tôi mong các bậc làm cha mẹ cố gắng bên con, hiểu con và chia sẻ với con nhiều hơn thay vì để các cháu mắc tội rồi mới đánh đập hoặc nghĩ ra các cách để trở thành hình phạt cho các cháu. Biết đâu, những hình phạt ấy lại vô tình biến các cháu thành những kẻ tội phạm nguy hiểm?

Theo Hoàng Yến
(GDVN)