Thứ ba, 17/4/2012, 11h04

Bệnh khó nói nhưng không khó trị

Một ca phẫu thuật bệnh trĩ. Ảnh: T.L

Bệnh trĩ tuy không phải là kẻ thù đáng lo ngại về tính mạng con người nhưng lại gây nhiều phiền toái, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt, công việc và học tập. Đặc biệt trĩ ở độ III, độ IV có nguy cơ gây ra biến chứng luôn ám ảnh người bệnh. 
Gây ra nhiều nỗi khổ
Thời gian gần đây, mỗi khi đi vệ sinh, Phạm Xuân Hoàng (SV năm thứ 3 ĐH Quốc gia TP.HCM) rất khổ sở vì căn bệnh táo bón. Nhưng do vùi đầu vào chuyện học hành nên Hoàng không chú ý nhiều. Lâu ngày, căn bệnh táo bón đã trở thành người “bạn đường bất đắc dĩ” của cậu. Cái gì đến rồi cũng đến, táo bón kinh niên kéo dài đã làm cho Hoàng mắc thêm bệnh đi cầu ra máu và trĩ nội. Ra trường, đi làm được một năm nhưng Hoàng vẫn chưa có điều kiện để đi phẫu thuật. Làm công việc suốt ngày ngồi trước màn hình máy vi tính nên bệnh của Hoàng càng nặng thêm.
Có rất nhiều yếu tố được coi là điều kiện thuận lợi để gây ra căn bệnh khó nói này. Trước hết là do táo bón kinh niên giống như trường hợp của Phạm Xuân Hoàng. BS. Phan Khắc Liêm - Bệnh viện Quân y Huế cho biết: “Những bệnh nhân táo bón mỗi khi đi cầu phải rặn hết sức mình, chính rặn nhiều như thế đã làm cho áp lực trong lòng ống trực tràng tăng lên rất cao. Táo bón lâu ngày làm xuất hiện các búi trĩ bám quanh thành ống đại tràng, gây ra trĩ nội mà nhìn bên ngoài vào không thấy rõ. Nếu búi trĩ ở mép hậu môn và to dần lên thì sẽ bị sa ra ngoài. Trường hợp này được gọi là trĩ ngoại (có nơi gọi là lòi dom, lòi khu trê). Một nguyên nhân khác gây ra trĩ là hội chứng lỵ. Do bị kiết lỵ nên bệnh nhân đi cầu nhiều lần và rất khó khăn. Mỗi lần rặn bằng tổng lực, các thành ruột bị áp lực cao gây nên những búi trĩ tạo cơ hội cho các loại trĩ nội và trĩ ngoại “sinh sôi nảy nở”. Những người mắc các căn bệnh liên quan đến trực tràng như: U bướu trực tràng, ung thư đại tràng… cũng có nguy cơ bị trĩ. Những trường hợp này được xác định là trĩ triệu chứng nên cách chữa trị cũng rõ ràng và đơn giản hơn hơn.
Cắt bỏ bằng phương pháp Longgo
Như vậy khi bị táo bón, người bệnh không nên chủ quan, coi thường mà tìm cách chữa trị kịp thời. Ngoài việc ăn nhiều rau xanh, uống đủ nước, bệnh nhân sẽ được các BS cho uống thuốc làm mềm chất thải hoặc chế phẩm bổ sung chất xơ. Chính thói quen ăn nhiều đồ chiên xào, ít ăn rau củ và luôn “nói không” với các loại trái cây đã gây ra bệnh táo bón. Do đi cầu khó khăn nên phải tập thói quen đi cầu đều đặn. Chính đi cầu tùy hứng đã làm cho bệnh táo bón kéo dài thêm chứ không hề được cải thiện như nhiều người nghĩ. Ngoài ra, người bệnh còn phải hạn chế uống trà, cà phê, ăn gia vị nóng như tiêu, ớt vì những chất đó dễ làm cho phân bị “hóa thạch” rất khó đại tiện.
Về cách chữa trị, ngoài việc vệ sinh sạch sẽ hàng ngày bằng cách rửa hoặc ngâm nước ấm pha muối, các bệnh nhân sẽ được điều trị bằng thuốc uống có tác nhân trợ tĩnh mạch nhằm gia trương năng lực tĩnh mạch, tác động tại chỗ để giảm phù nề, chống tắc mạch và cả nhiễm trùng trong thành ruột và hậu môn. Đó cũng là công dụng của các loại thuốc mỡ khi BS điều trị dài ngày cho bệnh nhân mắc bệnh trĩ. Trước đây, có nhiều phương pháp phẫu thuật trĩ bằng dao điện, dao laser, máy đốt cao tần như Milligan Morgan, Whitehead, Toupet… Tuy nhiên, hiện nay phương pháp hiện đại nhất là cắt bỏ búi trĩ bằng phương pháp Longgo không gây ra vết thương lớn, sẹo to và ướt vùng hậu môn. Ưu điểm nổi trội của Longgo rất ít đau sau mổ, thời gian phẫu thuật ngắn (15 đến 20 phút), thời gian nằm viện chỉ trong 24 tiếng đồng hồ. Đó cũng là cách mà anh Phạm Xuân Hoàng hiện đang lựa chọn sau khi đi khám và điều trị.
Phan Ngọc Quang