Thứ năm, 30/3/2017, 21h19

Bệnh nhân HIV/AIDS ít tham gia BHYT

Các nhà tài trợ đã thông báo cắt giảm nhanh chóng việc hỗ trợ thuốc ARV điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS, hầu hết bệnh nhân HIV/AIDS rất khó khăn. Vậy nhưng, số lượng bệnh nhân HIV/AIDS tham gia BHYT hiện nay vẫn còn hạn chế...

Bà Lưu Thị Thanh Huyền - Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội TP.HCM phát biểu. Ảnh: M.C

Đó là một trong những nội dung chính được đưa ra tại Hội thảo “Tổng kết công tác kiện toàn cơ sở điều trị HIV/AIDS và mở rộng triển khai thực hiện khám bệnh, chữa bệnh cho người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn TP.HCM do quỹ BHYT chi trả” do Sở Y tế TP.HCM tổ chức sáng 30-3.

Theo Cục Y tế phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, tính đến cuối tháng 1-2017, toàn quốc có 116.000 bệnh nhân HIV/AIDS đang điều trị ARV tại 393 cơ sở điều trị, 32 điểm cấp thuốc. Tuy nhiên, bệnh nhân đang gặp phải nhiều khó khăn do các nhà tài trợ thông báo cắt giảm nhanh chóng với hỗ trợ thuốc ARV. Theo đó, năm 2017, PEPFAR sẽ cắt giảm 40% và tiến tới chấm dứt hoàn toàn sau năm 2018, quỹ toàn cầu cũng đang xây dựng kế hoạch cắt giảm từ năm 2018-2020. Trong khi đó, từ năm 2016-2020, ngân sách Nhà nước chỉ có 100 tỷ đồng chi trả cho ARV. Trước tình hình này, Bộ Y tế đã xây dựng lộ trình thúc đẩy bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS tham gia BHYT. Năm 2016, số bệnh nhân này tham gia BHYT chỉ có 40%, dự kiến năm 2017 tăng lên 50%; mục tiêu của ngành y tế là phải đạt 100% trong những năm tiếp theo.

Riêng tại TP.HCM, hiện có gần 30.000 bệnh nhân đang điều trị HIV/AIDS, trong đó người dân TP chiếm khoảng 70%. Phát biểu tại hội thảo, Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP thông tin, từ tháng 5-2016, TP đã xây dựng lộ trình giải quyết khó khăn cho bệnh nhân điều trị HIV/AIDS khi nguồn tài trợ bị cắt giảm. Theo đó, TP tìm các giải pháp để bệnh nhân có thẻ BHYT và kiện toàn điều trị, đảm bảo chăm sóc, điều trị cho 30.000 bệnh nhân HIV/AIDS.

Ông Hưng cho biết thêm, mới đầu TP chỉ có 40% bệnh nhân HIV/AIDS tham gia BHYT nhưng nhờ có tư vấn, vận động, thuyết phục nên hiện 70% bệnh nhân tham gia BHYT.

Hiện TP.HCM có 48 phòng khám ngoại trú tiếp nhận bệnh nhân HIV/AIDS và đa số khám chữa bệnh bằng BHYT. Trong đó, có 18 phòng khám ngoại trú mới (16 phòng khám ngoại trú bệnh viện quận, huyện và 2 phòng khám tư nhân. Bà Đinh Thị Liễu, Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính, Sở Y tế TP cho hay: “Số bệnh nhân đang điều trị tại các phòng khám ngoại trú bệnh viện quận, huyện mới thành lập khá thấp. Hơn nữa, nhiều bệnh nhân không có nhân thân, đang ở trường trại nên không thể mua BHYT”.

Cùng nói về thách thức đối với việc tăng số bệnh nhân HIV/AIDS tham gia BHYT, ông Vũ Đức Long, đại diện Cục Y tế phòng chống HIV/AIDS cho rằng, sự phân biệt và kỳ thị đối xử khiến người bệnh lo sợ bộc lộ danh tính, cách hỗ trợ cho người nhiễm tham gia BHYT đến từ tỉnh khác còn bất cập, người bệnh lại thường không có giấy tờ tùy thân, thay đổi chỗ ở…

Bà Lưu Thị Thanh Huyền, Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội TP.HCM nêu thực trạng: “Người nhiễm còn e ngại lộ thông tin nên không thực hiện mua thẻ dù có khả năng. Hơn nữa, các bệnh viện chưa áp dụng điều chỉnh giá viện phí đối với đối tượng chưa tham gia BHYT nên ảnh hưởng đến việc chủ động tham gia của người bệnh…

Từ thực tế này, nhiều đại biểu cho rằng, cần phải nhanh chóng khắc phục các hạn chế nêu trên để khuyến khích bệnh nhân HIV/AIDS tham gia BHYT...

Minh Châu