Chủ nhật, 19/3/2017, 01h10

Bệnh nhân ung thư chuẩn bị gì khi đi du lịch?

Không được khỏe mạnh như người bình thường, du khách có bệnh khi đi du lịch trong và ngoài nước cần phải chuẩn bị đầy đủ các loại thuốc men và kỹ năng để phòng thân, đặc biệt là những bệnh nhân (BN) mắc bệnh ung thư để tránh những điều đáng tiếc có thể xảy ra.

Người bị ung thư đi du lịch nước ngoài cần chuẩn bị chu đáo mọi thứ (ảnh minh họa). Ảnh: A.Kiệt

Mang theo “tủ thuốc cơ động”

Người mắc bệnh nan y luôn có tâm lý tiêu cực. Vì thế, để lấy lại tinh thần, người có bệnh cần được nghỉ dưỡng tốt bằng các hoạt động ngoài xã hội trong đó có những chuyến du lịch dài ngày trong nước và ngoài nước. Thế nhưng, trên thực tế nhiều người vẫn chưa có kinh nghiệm ở khâu tổ chức nên khi đi du lịch đã gặp phải những tình huống bất trắc, vì thế phải chịu những hậu quả đáng lẽ ra không nên có.

Thực tế cho thấy, khi đi du lịch ngoài túi ba lô quần áo, nhiều người còn phòng thân cho mình một ít thuốc men để ngừa bệnh nhẹ nên trong hành lý còn có thêm chai dầu gió, viên kẹo ngâm, thuốc đau bụng, cồn xoa bóp… Nhưng thực tế “tủ thuốc cơ động” này cũng không vượt quá chức năng chữa một số bệnh mang giải pháp tình thế như trầy da, chảy máu, ho hen cảm mạo, trúng gió say xe… mà thôi.  

Đối với BN ung thư thì không thể đơn giản như vậy vì sức khỏe của họ không còn như trước dù bên ngoài cơ thể ít ai phát hiện đó là một BN đang điều trị dài ngày trong BV với một chế độ đặc biệt. Vì thế trước khi lên đường BN ung thư đặc biệt là người nhà phải có trách nhiệm quan tâm chuẩn bị kỹ kế hoạch cho chuyến đi để tránh hao tổn sức khỏe và đề phòng những bất trắc có thể xảy ra mà ít ai lường trước được. 

Cân bằng trong thưởng ngoạn

BS Phạm Anh Tường - Trưởng khoa Dinh dưỡng BV Ung bướu TP.HCM khuyên, người bị bệnh ung thư dù ở nhà hay đi du lịch cần có chế độ ăn uống hợp lý có chọn lọc để đảm bảo sức khỏe cho những chuyến đi tránh kiêng cữ quá mức không cần thiết cho người bệnh. Hạn chế các cuộc vui bổ ích nhiều bia rượu mà ăn uống nhẹ, tận hưởng không khí trong lành gần gũi với thiên nhiên, nên dừng chân ở những điểm du lịch đem lại niềm vui và niềm lạc quan cho cuộc đời. Có như vậy mới vượt qua được nỗi ám ảnh của bệnh tật và hướng tới một cuộc sống đầy niềm tin hơn.

Không chỉ lên kế hoạch cụ thể cho bản thân, BN ung thư cần có thông báo cụ thể cho người thân gia đình biết rõ kế hoạch mình đi trong thời gian bao lâu và ở những địa điểm nào. Có như vậy dù không đi cùng, nhưng những người ở nhà vẫn có thể theo dõi và tìm cách giúp đỡ được bạn nhất là khi có chuyện ngoài ý muốn xảy ra. Không chỉ mang các loại thuốc đầy đủ mà có thể mang dư ra một chút để phòng khi ở những nơi núi non hiểm trở hay biển đảo xa xôi rất khó kiếm được các nhà thuốc hay trạm y tế, chứ chưa nói đến BV. Đối với người mắc bệnh này, cần mang theo thêm các loại thuốc chống tác dụng phụ của bệnh ung thư hay thuốc chống dị ứng. Có như vậy dù không có BS bên cạnh, nhưng nhờ có đám “lính cảnh vệ” này đi chung mà bạn cũng có thể tự điều trị bệnh tật cho mình được. Một số thiết bị y tế là bạn thân hàng ngày của người bệnh như kim tiêm, ống chích, máy đo huyết áp, đo đường huyết cũng không nên để ở nhà mà chịu khó mang theo bên mình dù hơi cồng kềnh một chút. Nếu sợ hải quan cửa khẩu kiểm tra thì bạn nên mang theo sổ khám bệnh hay toa thuốc cho phép của BS. Tốt nhất trước khi lên đường cần gặp BS để được tư vấn kỹ càng làm hành trang sức khỏe cho cả chuyến đi.

BS Nguyễn Thị Thục - Trung tâm Y tế dự phòng Q.10 khuyên, mùa du lịch thường gặp mùa bệnh truyền nhiễm như cúm gia cầm, sốt xuất huyết, bệnh than, bệnh về đường hô hấp nên các địa phương thường yêu cầu tiêm chủng ngừa. Người mắc bệnh ung thư cần được tư vấn kỹ trước khi tiêm ngừa để tránh biến chứng xảy ra nhất là trong thời kỳ đang hóa trị hay xạ trị. Cần phòng tránh nhiễm trùng nên vệ sinh sạch sẽ như rửa tay sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn.

Hiện nay, các tour du lịch đều có mua bảo hiểm cho du khách vì thế chúng ta cùng cần quan tâm tới chuyện này để bảo đảm quyền lợi khi bị rủi ro.  Cẩn tắc vô ưu vì không ai biết trước điều gì có thể xảy ra nên cẩn thận vẫn hơn. Đi du lịch phải di chuyển nhiều nơi, lội bộ nhiều hơn ở nhà nên người bệnh phải biết giữ gìn sức khỏe. Có thể cho bạn đồng hành biết mình đang bệnh, tốt nhất có người thân đi cùng để giúp đỡ mọi nơi mọi lúc. Hạn chế đi một mình tách rời khỏi đám đông muốn cần người trợ giúp cũng khó khăn hơn. Không thể “chạy đua” du lịch với người khỏe mạnh nhất là thanh niên; cân nhắc trước khi tham gia các trò chơi nhất là du lịch mạo hiểm. Phải biết mình biết ta để cân bằng trong thưởng ngoạn. Tốt nhất nên chọn tour có du khách cùng hoàn cảnh như mình để có sự đồng cảm, đồng điệu.

Quang Phan