Thứ sáu, 12/8/2011, 15h08

Bệnh thường gặp khi trẻ mới đến trường

Tư thế ngồi không ngay ngắn có thể khiến trẻ bị vẹo cột sống, cận thị. Ảnh: N.Trinh

Tư thế ngồi không ngay ngắn, lệch lạc sẽ có thể khiến trẻ mắc những bệnh lí về cột sống, cận thị... Thói quen này hình thành ngay từ khi trẻ còn nhỏ, đặc biệt những ngày mới đến trường.
Hai căn bệnh trẻ thường mắc phải
Khi trẻ bắt đầu đi học (từ 3 đến 10 tuổi) cơ thể đã phát triển hoàn chỉnh về thể chất. Tuy nhiên, dây chằng cột sống ở giai đoạn này chưa ổn định, còn lỏng lẻo. Chỉ cần ngồi sai tư thế như không ngồi thẳng, còng lưng, mặt cúi sát bàn... là nguyên nhân dẫn đến vẹo cột sống cũng như cận thị mắt. Cột sống bị vẹo sẽ gây lệch trọng tâm của cơ thể, ảnh hưởng đến chiều cao, tim phổi, hệ hô hấp khiến trẻ mệt mỏi, thường hay tê tay, tê chân, cản trở việc đọc, viết, làm căng thẳng thị giác, cản trở trong tập trung trí não. Đối với trẻ nữ, vẹo cột sống chiếm số lượng nhiều hơn trẻ nam (điều này làm xương chậu của trẻ nữ bị méo, ảnh hưởng đến sinh nở về sau). Cận thị có thể khiến trẻ bị lé mắt, nhược thị, co quắp điều tiết nên mắt trẻ trở nên mệt mỏi, nhức mắt, nhìn mọi thứ không rõ ràng, kéo theo nhức đầu ảnh hưởng đến việc học của trẻ. Nó còn ảnh hưởng đến việc nhận biết hình thể, sự nhanh nhẹn, tâm lý khiến trẻ thiếu tự tin, ngại tham gia các hoạt động thể chất. Bệnh thường phát hiện muộn khi trẻ đọc sai chữ hoặc khi có kết quả học tập kém.
Rèn thói quen cho trẻ
Hàng ngày, thời gian trẻ ở trường nhiều hơn ở nhà, việc hướng dẫn, theo dõi quan sát tư thế ngồi của trẻ phần lớn là của giáo viên. Tuy nhiên, việc này không riêng trách nhiệm của giáo viên mà còn cần sự quan tâm của cha mẹ. Đối với trẻ nhỏ, các em chưa ý thức được tác hại của việc ngồi sai tư thế. Để có thói quen này, đòi hỏi giáo viên lẫn cha mẹ phải rèn nắn ngay từ khi trẻ bắt đầu ngồi vào bàn học. Cần tạo cho trẻ ngồi thẳng lưng hoặc ưỡn cột sống thắt lưng, hai chân khép, hai bàn chân để sát nền nhà, đầu cúi 10-15 độ. Khoảng cách từ mắt đến sách vở trên bàn học là 25-30cm. Thường xuyên nhắc nhở, không để trẻ cúi gằm mặt, nghiêng đầu, áp má lên bàn học khi đọc hoặc viết, tránh không để trẻ ngồi gù lưng. Nhiều trẻ học xong không vận động, ngồi ì một chỗ, thói quen này không tốt cho sức khỏe của trẻ. Nên tạo ra không khí vui chơi bằng cách cho trẻ tập những bài thể dục giữa giờ. Giúp trẻ vận động cơ bụng, cơ lưng như ưỡn lưng, vươn vai, nghiêng người. Tránh không cho trẻ mang vác vật nặng và lệch về một bên. Ngoài việc chỉnh sửa cách ngồi đúng cho con, cha mẹ cũng nên chú ý việc sử dụng bàn ghế phù hợp lứa tuổi. Độ cao của bàn và ghế vừa tầm, giúp trẻ có thể tì cẳng tay thoải mái trên bàn, tránh không ngồi với tư thế một bên vai cao, một bên vai thấp. Theo đó, không gian học tập cần phải đủ ánh sáng. Khi ngồi viết, ánh sáng phải chiếu phía đối diện của tay cầm bút, chữ và giấy phải có độ tương phản tốt. Không nên cho trẻ đọc chữ quá nhỏ in trên giấy vàng hoặc giấy đen vì tỉ lệ tương phản giữa chữ và nền quá nhỏ, mắt phải điều tiết nhiều khiến mắt mệt và mỏi.
Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Thoa
(Khoa Nội tổng quát 1, Bệnh viện Nhi đồng 1 - TP.HCM)
Nên trang bị góc học tập đủ ánh sáng, bàn ghế đúng chuẩn kết hợp với chế độ ăn uống khoa học, đủ chất giúp trẻ có cơ thể khỏe mạnh, phát triển cân đối.