Thứ hai, 18/1/2010, 08h01

Bệnh trái mùa đe dọa những ngày Tết

Bác sĩ đang khám cho một bệnh nhi tại khoa Hô hấp - BV Nhi đồng 1. Ảnh: H.triều

Những ngày đầu năm 2010, mỗi ngày Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 và BV Nhi đồng 2 tiếp nhận từ 500 - 700 bệnh nhi mắc các bệnh đường hô hấp. Bên cạnh đó là các bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, bệnh về đường tiêu hóa… cũng diễn biến bất thường nên nguy cơ phát hành dịch trong những ngày Tết rất cao.
Bệnh trái mùa diễn biến phức tạp
Theo quy luật, tại miền Nam, mỗi năm, đỉnh của dịch bệnh đường hô hấp thường kéo dài từ tháng 8 đến tháng 10, có năm kéo dài đến cuối tháng 11 đầu tháng 12. Tuy nhiên, năm nay, số lượng bệnh nhi mắc bệnh đường hô hấp không giảm theo quy luật mà ngược lại có xu hướng tăng.
Tại khoa Hô hấp BV Nhi đồng 1, trong ngày 16-1, khoa đã tiếp nhận và điều trị nội trú cho gần 300 trẻ bị viêm hô hấp. Trong khi đó khoa chỉ có 90 giường, do vậy các bác sĩ phải bố trí 2- 3 bệnh nhi nằm một giường. Thậm chí nhiều trẻ bị bệnh còn phải nằm ở ngoài hành lang. Bác sĩ Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa khoa Hô hấp BV cho biết: “Thời tiết vào những ngày cuối năm diễn biến bất thường đã tạo điều kiện thuận lợi cho virus gây bệnh hô hấp phát triển, đặc biệt là loại virus RSV. Do đó đã gây nên tình trạng trẻ mắc bệnh ở đường hô hấp tăng cao như bệnh viêm tiểu phế quản, viêm phổi, viêm thanh quản… Biểu hiện thường gặp ở trẻ viêm tiểu phế quản là trong 1 - 2 ngày đầu rất giống với nhiễm siêu vi (sốt, ho), nhưng đặc biệt ở bệnh này trẻ ho rất dữ dội, giống như ho gà và trẻ sẽ trở nặng ở ngày thứ 3, thứ 4 nếu không điều trị tốt”.
Không chỉ bệnh đường hô hấp xuất hiện trái mùa mà tay chân miệng và sốt xuất huyết vẫn dai dẳng đến thời điểm này. Thực tế từ năm qua cho thấy, đỉnh dịch của bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết là tháng 9, tháng 10 và giảm dần từ tháng 11, đến cuối tháng 12 thì rất hiếm. Nhưng năm nay thì khác, số lượt bệnh nhi đến khám và nhập viện các bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng tuy có giảm nhưng không đáng kể. Và điều đáng nói là có khá nhiều trường hợp bệnh tay chân miệng có biến chứng nặng, sốt xuất huyết độ IV nhập viện.
Tương tự, tại BV Nhi đồng 2, bác sĩ Vũ Quang Vinh, Phó phòng Phòng Kế hoạch Tổng hợp cho biết, số lượng trẻ đến khám và điều trị tại BV trong những ngày này tăng cao so với trước đây. Mỗi ngày BV tiếp nhận trên dưới 4.000 lượt trẻ đến khám. Trong đó, hai bệnh đang nóng nhất tại thời điểm này là hô hấp và tiêu hóa. Mỗi ngày có khoảng 300 – 400 trường hợp đến khám các bệnh đường hô hấp. Ngoài ra, tại khoa Nhiễm – BV Nhi đồng 2, số trẻ mắc bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng và bệnh trái rạ đang được điều trị ở đây cũng rất đông.
Xử lý sai lầm sẽ gây nguy hiểm cho trẻ
Bác sĩ Trần Anh Tuấn kể lại, nhiều trẻ bị viêm tiểu phế quản khi đến khám bệnh bị viêm nhiễm, trầy xước vùng hầu họng. Hỏi phụ huynh thì được biết, do người nhà thò tay vào họng trẻ móc đàm. Nguy hiểm hơn có trẻ nhập viện với tình trạng miệng đầy máu.
“Trẻ em dưới 5 tuổi, nhất là trẻ dưới 1 tuổi, dễ mắc bệnh vì sức đề kháng chưa được hoàn thiện. Do đó, để góp phần giảm các bệnh hô hấp cho trẻ, các bà mẹ cần cho con ăn hoặc bú nhiều lần, giúp trẻ có một chế độ dinh dưỡng đầy đủ tạo được sức đề kháng tốt. Ngoài ra, nên cho trẻ uống nhiều nước vừa tránh mất nước, tắc đàm (vì cơ thể thiếu nước khiến đàm đặc lại) làm bệnh hô hấp nặng hơn. Cách phát hiện trẻ bị viêm phổi là đếm nhịp tim, các bậc phụ huynh cho trẻ nằm yên, lúc trẻ không khóc, không quấy, vén áo theo dõi nhấp nhô của bụng trong 1 phút. Bụng trẻ nhấp nhô là tính một nhịp thở. Trẻ dưới hai tháng tuổi: nhịp thở phải dưới 60 nhịp/1 phút, từ 2- dưới 12 tháng tuổi: dưới 50 nhịp/1 phút, từ 1- dưới 5 tuổi: 40 nhịp/1 phút. Nếu trẻ thở nhanh hơn mốc quy định trên thì nên đưa trẻ đi khám bệnh ngay”, bác sĩ Anh Tuấn khuyến cáo.
Chị Loan (Dĩ An, Bình Dương) – mẹ của một bệnh nhi đang cấp cứu tại khoa Nhiễm BV Nhi đồng 2 cũng cho biết: “Thấy bé biếng ăn, hay quấy khóc, người nóng nên gia đình đưa khám phòng mạch tư. Bác sĩ nói do thời tiết ngày nắng, đêm lạnh nên trẻ bị bệnh, bệnh không có gì đáng ngại. Sau đó cho thuốc về nhà uống. Uống thuốc được một ngày mà người bé vẫn nóng, tay chân nổi một vài nốt, thỉnh thoảng lại giật mình… Sợ quá gia đình vội đưa tới BV Nhi đồng 2. Ngay lập tức bé được đưa vào phòng cấp cứu vì bệnh tay chân miệng có biến chứng viêm màng não…”
BV Nhi đồng 1 vừa cứu sống bệnh nhi V. T. K. Ng. 6 tuổi, nữ (Châu Thành, Tiền Giang) do bị sốc sốt xuất huyết độ IV. Trước đó, em bị sốt cao 4 ngày liên tục, đến ngày thứ 5 thì ói ra dịch nâu, tay chân lạnh nên gia đình đưa đến BV tỉnh điều trị. Sau 14 giờ, tình trạng của bệnh nhi có phần nguy kịch - ói ra máu, suy hô hấp khó thở nên được chuyển đến BV Nhi đồng 1. Sau một tuần được các bác sĩ tích cực cứu chữa, bệnh nhi Ng. mới thoát khỏi bàn tay thần chết.
Bác sĩ Lê Bích Liên – Phó giám đốc BV Nhi đồng 2 lưu ý các bậc phụ huynh, khi thấy con sốt 2 ngày liên tục nên đưa trẻ đến khám tại cơ sở y tế để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra. Ngoài ra, trong những ngày giáp Tết, phụ huynh cũng cần chú ý đến nhóm bệnh về đường tiêu hóa, đặc biệt là vấn đề an toàn thực phẩm…
BS Nguyễn Đắc Thọ - Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho biết, dịch bệnh SXH diễn biến khác thường so với những năm trước. Trước đây bệnh chỉ xảy ra ở trẻ em, nhưng năm nay bệnh xuất hiện ở người lớn và đã có 17 ca người lớn tử vong vì bệnh. Do đó cần tập trung chủ động thực hiện một số giải pháp như khảo sát đặc điểm dịch tễ bệnh, khảo sát lăng quăng tại các vùng nguy cơ, điểm nguy cơ hiện còn đang lưu hành bệnh…
Bên cạnh đó các quận/huyện tăng cường truyền thông cho người dân tiếp tục nâng cao năng lực tự bảo vệ sức khỏe của bản thân và tự phòng tránh cho cộng đồng trước các loại dịch bệnh khác như: sởi, quai bị, rubella, tay chân miệng…
Hòa Triều

Tại buổi làm việc với Sở GD-ĐT TP.HCM mới đây, ông Lê Trường Giang – Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết: “Dự báo cận Tết, Tết và sau Tết, cúm A/H1N1 sẽ bùng phát trở lại trên địa bàn thành phố. Nguyên nhân là có nhiều người từ các nước xứ lạnh, vùng lạnh về TP.HCM đón Tết. Điều đáng nói là lâu nay ngành y tế và các ban ngành khác cũng như người dân có phần lơ là trong việc phòng chống cúm A/H1N1. Do đó, nếu dịch bệnh quay trở lại thì nguy cơ lây lan sẽ rất lớn. Đặc biệt, khả năng có nhiều ca bệnh nặng dẫn đến tử vong.

Trước tình hình này, ông Giang đề nghị Sở GD-ĐT TP cần chỉ đạo các trường lắp đặt thêm nhiều vòi nước cho học sinh rửa tay, trung bình 30 học sinh/1 vòi nước…