Thứ tư, 5/5/2010, 10h05

Bi hài chuyện sinh viên năm cuối xin điểm

Không chỉ góp tiền để “mua quà tặng thầy cô” với mong được “chiếu cố” cho qua, nhiều sinh viên còn không ngần ngại viết những dòng tâm sự thống thiết dưới bài thi để mong nhận được sự thương tình, được đủ điểm để tốt nghiệp.
Một trong những điều kiện để sinh viên được xét tốt nghiệp là tích lũy đủ số học phần quy định cho chương trình, không còn học phần bị điểm dưới 5. Vì thế, vào dịp cuối năm học này, nhiều sinh viên năm cuối phải tìm đủ mọi cách để… “qua cầu”. Năn nỉ, kể khổ với thầy cô hoặc nhờ người quen xin giùm… là những “chiêu” xin điểm phổ biến mà sinh viên áp dụng.
“Mong Thầy thương tình cho em qua”
Suốt mấy ngày qua, H. Minh, sinh viên một ĐH dân lập tại TPHCM đang ráo riết “truy lùng” số điện thoại, địa chỉ nhà của giảng viên môn Địa lý kinh tế để xin thầy nâng lên một điểm. “Môn này rớt nhiều vô kể, dù thi lại, học lại cũng không cải thiện được nên đành tìm cách xin điểm để qua”, H.Minh cho biết.
Chuyện trước kỳ thi, cả lớp góp tiền để “quà cáp” thầy cô diễn ra phổ biến ở nhiều ĐH, CĐ. H. Minh cũng bật mí: “Cả lớp đang định góp mỗi đứa một ít tiền để mua quà tặng thầy. Nhưng không biết thầy có chịu nhận không nữa”. Ở nhiều trường ĐH như T.M, N.T, BC-TT…, các sinh viên khóa mới bao giờ cũng học hỏi kinh nghiệm truyền khẩu từ những sinh viên khóa trước như: “giảng viên có chấp nhận chạy điểm không? Chạy như thế nào? Bao nhiêu?”. Tuy nhiên, cách được nhiều sinh viên đang áp dụng trước tiên là nếu thi mãi không đậu thì “xin điểm” vì không mất vốn đầu tư mà vẫn “sinh lời”.
Khảo sát của sinh viên K50 Khoa Xã hội học, ĐH KHXHNV, ĐHQG Hà Nội về hiện tượng “chạy điểm” tại trường này vừa công bố cho thấy, hiện tượng “chạy điểm” đã và đang diễn ra rất phổ biến; đặc biệt là trong các ĐH, CĐ. Chỉ đến khi một số sinh viên dám thực sự đứng lên tố giác thì sự việc mới được xem xét và nhìn nhận lại một cách nghiêm túc (điển hình là vụ “gạ tình lấy điểm” cách đây 4-5 năm tại trường CĐ Phát thanh - Truyền hình Hà Nam). Một bộ phận không nhỏ trong sinh viên hiện nay coi việc học hành thi cử chỉ là chuyện hình thức, miễn sao có tiền thì giải quyết được hết.
(Trích “Báo cáo kết quả khảo sát hiện tượng chạy điểm trong học đường”, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH QG Hà Nội)
Một giảng viên dạy môn Ngôn ngữ tại ĐH KH XH và NV TP HCM cho biết: “Nhiều khi chấm bài thi của sinh viên mà không nhịn được cười. Cuối bài, nhiều em viết thêm vài dòng tự sự như: “Thầy ơi, em còn nợ mỗi môn của Thầy. Mong Thầy thương tình cho em qua. Gia đình em khó khăn lắm. Nếu ở lại một năm là chết”…
“Bị sinh viên lừa”
Ông Trần Đình Lý, ĐH Nông Lâm TPHCM cho biết: “Hầu hết sinh viên đều cho rằng các môn học như Kinh tế chính trị, Triết học… đều là những môn học “khó nhằn” nên sinh viên thường không chú tâm học, nên chuyện thi mãi không đạt là đương nhiên”.
Thầy C.Đ.C, giảng viên môn Kinh tế chính trị chia sẻ: “Nhiều sinh viên ở các ngành kỹ thuật, công nghệ… thường ghi chú cuối bài thi những lời rất chân tình. Tôi cũng đã có lần nương tay cho sinh viên vì nghĩ các em nợ có mỗi môn của tôi. Nhưng khi ngồi lại với các thầy cô ở những bộ môn khác thì họ cũng cho biết là sinh viên cũng làm như thế. Rút kinh nghiệm từ đó, tôi chấm đúng với thực chất bài thi”.
Ông Nguyễn Quốc Hợp, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Du lịch Văn Hiến cũng cho biết: “Khi giảng viên chấm điểm xong, nộp điểm lên khoa, phòng đào tạo thì không được phép sửa chữa. Đối với những bài kiểm tra, thi cuối trong quá trình học thì không có cơ chế xin phúc khảo”. Vì thế, nhiều sinh viên đã chọn cách xin điểm, năn nỉ thầy cô ngay từ đầu để tránh “rắc rối”.
Ths. Lý đưa ra lời khuyên cho sinh viên: “Trong quá trình học, điểm các bài báo cáo, điểm giữa kỳ… cực kỳ quan trọng, sinh viên phải cố gắng tích lũy để nâng điểm cuối khóa lên; tránh bị điểm kém vào cuối kỳ”.
Theo Đất Việt