Thứ tư, 8/8/2012, 14h08

Bí quyết chống say tàu xe

Gừng tươi có tác dụng phòng ngừa say tàu xe rất hiệu quả. Ảnh: M.H

Mùa hè, thường có rất nhiều học sinh, thầy cô giáo cùng với gia đình đi du lịch nghỉ ngơi, xả stress. Nhưng không ít trong số họ rất lo sợ bởi bị chứng say tàu xe. Tuy nhiên, nếu chọn được biện pháp phòng tránh phù hợp, có thể nhẹ nhàng loại bỏ chứng say khó chịu này…
Say tàu xe không phải là bệnh
Say tàu xe còn gọi là say sóng, một hội chứng xảy ra khi di chuyển bằng tàu thuyền, xe hơi hoặc máy bay. Các triệu chứng thường gặp là người ngầy ngật, cơ thể mệt lả,chóng mặt, buồn nôn hoặc nôn mửa, đổ nhiều mồ hôi, tụt huyết áp… Y học thường gọi là rối loạn tiền đình do di truyền. Nhiều người sai lầm vì tưởng say tàu xe là một chứng bệnh nên nhờ BS bốc thuốc để chữa dứt điểm luôn. Nên biết tai là cơ quan không chỉ đảm nhận chức năng nghe mà còn giúp điều chỉnh thăng bằng, định hướng cho cơ thể. Khi đi tàu xe, máy bay, do có sự chuyển động, bộ phận tai trong (gồm ốc tai, tiền đình) ở một số người nhạy cảm bị kích thích. Sự kích thích này không tương hợp với việc nhìn của mắt, dẫn đến buồn nôn và say. Vì say tàu xe không phải là bệnh nên không thể trị hết hẳn được. Theo đông y, khi đi xe, một số người bị gió lạnh nhập phải hai huyệt phong phủ (che gió) ở phía sau ót khiến say xe. Một số trường hợp bị tác động bởi môi trường chung quanh (như khi ngồi cạnh người nôn ói khiến họ bị nôn theo)... Tuy nhiên, say tàu xe chỉ là một triệu chứng nhất thời, thường chấm dứt khi chuyến hành trình kết thúc và không để lại di chứng lâu dài với sức khỏe.
Những cách phòng ngừa
Để phòng ngừa say sóng khi di chuyển, nên thực hiện một số điều sau đây. Khi đi tàu, thuyền thì nên tìm chỗ ngồi nơi thoáng mát, ngoài trời. Nếu phải di chuyển trong thời gian lâu thì nên tìm chỗ ngồi phía giữa thân tàu vì chỗ này ít bị chòng chành nhất. Trên máy bay thì tốt nhất nên chọn chỗ ngồi giữa hoặc trên cánh, tránh ngồi ở phần đuôi máy bay. Trên ô tô, xe lửa thì nên ngồi cạnh cửa sổ, mở cửa kính để có gió. Không uống rượu hoặc hút thuốc lá trước hoặc trong lúc đi. Phương pháp quấn khăn khô để giữ ấm từ phía sau ót ra trước ngực cũng có tác dụng rất hữu hiệu giúp không bị say tàu, xe đối với một số người (hiệu quả hơn 90%).
Còn theo đông y thì trước khi khởi hành khoảng 30 phút nên dùng một khúc gừng tươi bằng cỡ ngón tay cái, gọt bỏ vỏ, rửa sạch, giã nát hoặc nhai nát rồi uống với một cốc nước ấm. Trong suốt hành trình, thỉnh thoảng nên ngậm trong miệng một lát. Còn theo kinh nghiệm dân gian thì lấy 1/2 củ khoai lang gọt bỏ vỏ, rửa thật sạch, cắt miếng nhỏ, nhai nát để nuốt nước cũng có thể phòng chống được say tàu xe.
Ngoài ra, có thể thực hiện cách xoa dầu gió vào hai huyệt thái dương, hai huyệt nội quan (giữa hai gân tay, phía trên và cách lằn chỉ cổ tay 3-4cm, huyệt nhân trung (giữa đường rãnh môi trên), hai huyệt phong trì (chỗ lõm phía sau gáy, trên cổ). Cũng có thể lấy hai lát gừng tươi buộc vào hai huyệt nội quan.
Những người có cơ địa say sóng, nên thường xuyên ăn các món: Hoa cúc trắng (bạch cúc hoa) 6-8g, tán bột ngâm với nước sôi 5-10 phút, dùng uống sau bữa ăn; nấm mộc nhĩ trắng (tuyết nhĩ, ngân nhĩ) 15-20g nấu canh với thịt heo nạc 50g và táo đỏ một quả để ăn lúc đói; trà (xanh hoặc đen) 5g nấu với vỏ quýt 10g cùng với nửa lít nước, đun sôi 5-10 phút, dùng uống sau bữa ăn; gừng khô (nướng sơ) 6-8g, cam thảo 4g, nấu với 750ml nước, sắc còn 300ml, chia hai lần uống trước bữa ăn; nước lõi cải trắng: Lõi cải trắng 1 chiếc, gừng tươi 3 lát, đường đỏ 60g. Lõi cải trắng thái mỏng, cho vào nồi nước nấu chín. Cho đường đỏ vào cùng nấu kỹ; nhân hạt bí đao: Nhân hạt bí đao 400g đem phơi, sấy cho khô, nghiền thành bột. Mỗi lần uống 10g, ngày uống 2 lần.
Lương y Đinh Công Bảy