Thứ sáu, 15/6/2018, 11h05

Bí quyết NCKH của nhóm sinh viên HUTECH đạt giải Nhất cấp Bộ

Trường Đại học không chỉ là nơi truyền đạt kiến thức mà còn là môi trường kiến tạo nên giá trị; trong đó, giá trị đến từ những công trình nghiên cứu khoa học (NCKH) của chính sinh viên đã và đang đóng một vai trò không thể phủ nhận.

Tuy nhiên, để hoạt động NCKH sinh viên đạt hiệu quả, bản thân mỗi sinh viên luôn cần có định hướng đúng đắn khi bắt tay nghiên cứu. Chủ nhân giải Nhất tại Giải thưởng Sinh viên NCKH cấp Bộ năm 2017 trong lĩnh vực nông nghiệp với đề tài “Phân lập vàsản xuất chế phẩm nấm Paecilomyceslilacinus phòng trừ tuyến trùng hại cây hồ tiêu” - nhóm bạn Đinh Thành Hiếu, Huỳnh Phương Thảo và Nguyễn Thị Bích Tuyền (sinh viên ngành Công nghệ sinh học trường Đại học Công nghệ TP.HCM -Đại học HUTECH) - từ đề tài của mình đã rút ra những “bí quyết” thiết thực cho sinh viên yêu thích NCKH.

Chọn đề tài nghiên cứu thực tiễn: Khởi đầu tiên quyết để thành công

Nhắc đến NCKH, đa số sinh viên luôn nghĩ phải nghiên cứu vấn đề gì đó thật lớn, thật “vĩ mô” thì mới có cơ hội được giải. Tuy nhiên, trong xu thế đào tạo và nghiên cứu thực tiễn hiện nay, những đề tài đạt giải nên là những ý tưởng mới, thực tế và có thể ứng dụng ngay trong cuộc sống.

Đối với Thành Hiếu, Phương Thảo và Bích Tuyền, ý tưởng xuất phát từ thực trạng “tuyến trùng” xuất hiện phổ biến ở khắp các vùng hồ tiêu trong cả nước với mức độ gây hại cao. Nghiên cứu này đã hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc hóa học gây ra tác động xấu đối với môi trường, sức khỏe con người và đem lại lợi ích kinh tế cao.

Nhóm sinh viên Đại học HUTECH nhận giải thưởng Sinh viên NCKH cấp Bộ năm 2017

Chú trọng tính thực tiễn và khả năng ứng dụng cũng là định hướng cơ bản cho cả chương trình đào tạo lẫn NCKH sinh viên tại Đại học HUTECH. Phạm Thị Hoài Phương (sinh viên ngành Kỹ thuật môi trường HUTECH, giải Nhì Giải thưởng Sinh viên NCKH cấp Bộ 2017) cũng chia sẻ, NCKH đối với bạn là một sân chơi dành cho tất cả sinh viên và sân chơi này rất “thực”. Hoài Phương luôn trăn trở với vấn đề sản xuất thực phẩm sạch; được định hướng của giảng viên, cô bạn chọn đề tài “Ứng dụng chỉ số môi trường EIQ trong sản xuất rau tại Dĩ An (Bình Dương)” - một đề tài liên quan đến việc tạo ra nguồn lương thực sạch cho xã hội, gần gũi, thiết thực, có tính ứng dụng cao.

Chấp nhận nghiên cứu là chấp nhận thất bại

Để thực hiện một đề tài nghiên cứu có giá trị đòi hỏi một thời gian dài và “mồ hôi” lao động khoa học nghiêm túc - vừa làm việc trong phòng thí nghiệm để kiểm chứng giả thuyết, vừa “lên rừng xuống biển” để đưa sản phẩm vào thử nghiệm thực tế. Trong hoàn cảnh như thế, điều quan trọng là sự kiên nhẫn, dám chấp nhận thất bại để học từ chính thất bại ấy. Nói về quá trình thực hiện đề tài của nhóm, Phương Thảo chia sẻ: “Em nghĩ mỗi thứ diễn ra trong quá trình nghiên cứu đều có ý nghĩa riêng của nó, kể cả những thất bại. Nhờ thất bại, tụi em rút ra được rất nhiều kinh nghiệm làm khoa học và hiểu rõ hơn về giá trị của những công trình nghiên cứu”.

Làm việc nghiêm túc trong phòng thí nghiệm là một cách để thành công

Ngoài ra, để có được khối dữ liệu nghiên cứu thực nghiệm “khổng lồ”, nhóm sinh viên HUTECH đã vượt hơn 360km đem chế phẩm từ phòng thí nghiệm ra thực địa tại vườn hồ tiêu Ea Nam (huyện EaH’leo, ĐắkLắk). Thành Hiếu kể lại: “Khó khăn không chỉ là khoảng cách địa lý, thời gian, phương tiện đi lại,... mà gian nan nhất là việc xin các gia đình trồng tiêu cho phép thực nghiệm. Do sản phẩm sinh học của tụi em còn khá mới và lại đang trong giai đoạn thử nghiệm nên họ rất “ngại”, vì nếu thực nghiệm thất bại thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sản lượng thu hoạch, nên phải thuyết phục rất nhiều”.

Môi trường đào tạo và vai trò của “người truyền lửa”

Không chỉ cần có năng lực và tinh thần nghiên cứu của sinh viên, thành công của NCKH còn có sự cộng hưởng từ vai trò của giảng viên hướng dẫn và môi trường đào tạo. Trong câu chuyện của mình, nhóm sinh viên HUTECH luôn nhắc về TS. Nguyễn Thị Hai (giảng viên Viện Khoa học ứng dụng HUTECH), người theo sát các bạn suốt hơn 2 năm nghiên cứu. Từ định hướng hay giới hạn đề tài, đồng hành trong quá trình thực hiện hay thậm chí là làm “chỗ dựa” cho sinh viên - những người trẻ mới bắt đầu làm khoa học, tất cả những nhiệm vụ đó đòi hỏi mỗi giảng viên đại học phải là những người có tầm và có tâm.

TS. Nguyễn Thị Hai (đứng giữa) - “chỗ dựa” của những sinh viên yêu thích NCKH ở HUTECH

Bên cạnh đó, môi trường đào tạo cũng là nền tảng âm thầm nhưng cần thiết cho mỗi công trình nghiên cứu. Thành Hiếu chia sẻ, nhóm đã có được bệ phóng thuận lợi từ Nhà trường trong việc định hướng, tạo điều kiện tối đa cho sinh viên NCKH. Được biết, năm 2017, cùng với đề tài đạt giải Nhất của nhóm Thành Hiếu, sinh viên HUTECH còn có 09 giải thưởng NCKH cấp Bộ khác (02 giải nhì, 02 giải ba và 05 giải khuyến khích, Top 04 trong tổng số 23 đơn vị đào tạo trên cả nước). Còn với nhóm Thành Hiếu, con đường vẫn còn mở ra phía trước, khi nghiên cứu đã được doanh nghiệp đưa vào thử nghiệm sẽ còn cần tiếp tục hoàn thiện để thực sự trở thành giải pháp tin cậy cho người nông dân.

T.D.V